Cơ cấu nợ công chưa thật bền vững
Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) nhận định, nợ công không chỉ tăng nhanh, dự kiến đến cuối năm 2015, tiến sát giới hạn Quốc hội phê duyệt (không quá 65% GDP), mà cơ cấu nợ cũng chưa thực sự bền vững.
Theo ông, cơ cấu nợ chưa thực sự bền vững thể hiện ở điểm nào?
Đó là việc sử dụng các khoản vay ngắn hạn cho đầu tư dài hạn làm phát sinh rủi ro tái cấp vốn và tạo ra áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Một số dự án đầu tư sử dụng vốn vay kém hiệu quả, không trả được nợ, phải tái cơ cấu tài chính, hoặc chuyển sang cơ chế Nhà nước đầu tư vốn, làm tăng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ. Không ít dự án sử dụng vốn vay còn dàn trải, chậm tiến độ, có dự án hoàn thành, nhưng không đạt được mục tiêu đề ra.
Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu, bổ sung hợp đồng diễn ra khá phổ biến, dẫn đến phải tăng vay nợ, gây áp lực gia tăng nợ công.
Vấn đề nợ công chưa thực sự bền vững đã được Quốc hội đề cập nhiều lần. Vậy Bộ Tài chính đã làm gì để tăng sự an toàn của nợ công?
Nguồn thu ngân sách có hạn, nên đầu tư trực tiếp từ ngân sách để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội rất hạn chế. Chính vì vậy, thời gian vừa qua, nợ công tăng rất nhanh. Bất cứ quốc gia đang phát triển nào cũng phải vay nợ để đầu tư, nhưng nếu nợ công quá cao sẽ gây áp lực rất lớn trong việc bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Ý thức được điều này, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm nợ công phải thực sự bền vững theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới; tính đúng, tính đủ nợ công theo quy định…
Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình…, Bộ Tài chính quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, tiến tới thu hẹp bảo lãnh của Chính phủ, tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát; khẩn trương cơ cấu lại nợ theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn.
Bằng các giải pháp quyết liệt, vốn huy động với kỳ hạn 5 năm đã tăng từ 14% năm 2013 lên 27% năm 2014; kỳ hạn 10 năm và 15 năm tăng tương ứng từ 4% lên 13% và từ 2% lên 6%. Trong 4 tháng đầu năm nay, ngân sách nhà nước đã huy động được gần 64.516 tỷ đồng đều có kỳ hạn 5 năm, 10 năm hoặc 15 năm, nên cơ cấu nợ công tiếp tục được cải thiện.
Nợ công tính đến ngày 31/12/2014 tương đương 59,6% GDP. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trên thực tế, tỷ lệ này còn cao hơn nhiều, vì nhiều khoản nợ chưa tính vào nợ công, như nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chẳng hạn?
Việc có tính nợ của DNNN vào nợ công hay không là câu chuyện được bàn bạc, thảo luận rất nhiều ngay từ khi xây dựng Luật Quản lý nợ công (năm 2008 - 2009), nhưng cuối cùng, Quốc hội đồng ý chỉ tính nợ chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương vào nợ công, bởi mấy lý do như sau.
Thứ nhất, hầu hết các nước trên thế giới đều không tính nợ của khu vực DNNN vào nợ công.
Thứ hai, mọi doanh nghiệp đều hoạt động bình đẳng trước pháp luật, doanh nghiệp nào cũng phải tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm về khoản nợ vay, nếu ngân sách phải gánh cả khoản nợ của DNNN là không công bằng với các thành phần kinh tế khác.
Thứ ba, các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã chuyển thành công ty TNHH một thành viên, Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong số vốn tại doanh nghiệp, trong trường hợp DNNN đi vay, không trả được nợ dẫn tới phá sản, giải thể thì thực hiện theo Luật Phá sản, ngân sách không phải bỏ tiền ra để xử lý khoản nợ của DNNN, nên không tính vào nợ công là đúng với thông lệ quốc tế.
Bộ Tài chính luôn khẳng định nợ công vẫn rất an toàn, nhưng nhiều đại biểu Quốc hội chưa an tâm, vì nghĩa vụ trả nợ mỗi năm một tăng?
Theo Chiến lược Nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012, thì đến năm 2020, nợ công không quá 65% GDP, trong đó nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài không quá 50% GDP, nghĩa vụ trả nợ không quá 25% tổng thu ngân sách. Tính đến cuối năm 2014, nợ công bằng 59,6% GDP, nợ chính phủ bằng 47,4% GDP, nợ ngoài nước bằng 40,3% GDP và nghĩa vụ trả nợ giảm từ 15,3% tổng thu ngân sách xuống còn 13,8%. Số liệu trên cho thấy, nợ công vẫn nằm trong giới hạn an toàn.
Năm 2015, dự kiến nghĩa vụ trả nợ tăng lên tương đương 16,1% tổng thu ngân sách, nhưng vẫn còn xa ngưỡng an toàn là 25% tổng thu.
Nghĩa vụ trả nợ/tổng thu ngân sách có năm cao, năm thấp phụ thuộc vào thời điểm đến hạn trả nợ của các khoản vay trước đây, song sẽ không tăng đột biến.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng, trong tổng số các khoản nợ, thì có trên 40% là nợ Chính phủ vay về (vốn ODA) sau đó cho các công trình, dự án, chủ đầu tư vay lại thông qua định chế tài chính (Ngân hàng Phát triển Việt Nam). Định chế tài chính trung gian, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về khoản nợ này, nên không tính khoản vay về, cho vay lại vào nghĩa vụ trả nợ của ngân sách.
Nhiều người tính cả nghĩa vụ trả nợ khoản vay về, cho vay lại vào ngân sách nên mới cho rằng, nghĩa vụ trả nợ hiện lên tới trên 30% tổng thu ngân sách.
Theo Báo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Cột tin quảng cáo