Tin tức - Sự kiện

Cơ chế phát triển sạch - Các bên tham gia cùng có lợi

(DNHN)- Đan Mạch đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ mở rộng thị trường Việt Nam cho các dự án Cơ chế Phát triển Sạch (CDM), nhằm nâng cao nhận thức và năng lực tại Việt Nam

Đan Mạch đang tìm kiếm những giải pháp tiết kiệm chi phí để thực hiện cam kết của mình là trước năm 2012 sẽ giảm 21% lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính so với năm 1990 theo như yêu cầu của Nghị định thư Kyoto. Chính phủ và các doanh nghiệp thầu mua của Đan Mạch áp dụng Cơ chế Phát triển Sạch (CDM) để đạt được mục tiêu này.

 

Sau hơn một thập kỷ phát triển kinh tế ấn tượng, Việt Nam đang đặt ưu tiên ngày càng cao hơn đến môi trường và phát triển bền vững. Cùng lúc phải đối mặt với những thách thức môi trường nghiêm trọng, Việt Nam cũng là một trong năm quốc gia được dự báo là sẽ phải chịu ảnh hưởng lớn nhất từ biến đổi khí hậu và Việt Nam cũng đã bắt đầu xem xét làm thế nào để thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu một cách hiệu quả nhất. Từ đó, Việt Nam và Đan Mạch đã quyết định tăng cường hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Lợi ích kinh tế

 

Một công ty của Việt Nam (chủ dự án) nhờ đầu tư vào cải thiện sản xuất hoặc mua công nghệ mới mà giảm được việc sử dụng năng lượng thì chủ dự án đó có thể sẽ được trả tiền cho nỗ lực tiết kiệm năng lượng của mình (CERs), nếu dự án đó tuân thủ những yêu cầu đặt ra và được Liên hợp quốc phê duyệt. Yếu tố quan trọng để một dự án CDM được phê duyệt, đó là mức độ giảm phát thải có trong kế hoạch sẽ không thể đạt được nếu thiếu sự khích lệ bổ sung mà chứng nhận giảm phát thải mang lại, một khái niệm được biết đến với tên gọi “tính bổ sung”.

 

Với vai trò như một công cụ, CDM đưa ra một phương án đôi bên cùng có lợi cho tất cả các bên tham gia. Chủ dự án tăng được lợi nhuận đầu tư vào dự án bằng cách bán chứng nhận CERs được cấp cho Chính phủ Đan Mạch hoặc cho một doanh nghiệp thầu mua của Đan Mạch.

 

Những nhà cung cấp công nghệ và bí quyết cho dự án có cơ hội mở rộng thị trường của mình. Các bên xây dựng dự án có thêm bí quyết và đóng góp các dịch vụ tư vấn cho dự án. Đồng thời, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ các dự án CDM thông qua cải thiện điều kiện môi trường và mang lại công nghệ, bí quyết và những lợi ích kinh tế, đóng góp vào sự phát triển bền vững cho đất nước. Bên mua CERs, có thể là Chính phủ hoặc một nhà thầu của Đan Mạch, có được một phương thức tiết kiệm chi phí khi thực hiện được cam kết giảm phát thải theo Nghị định thư Kyoto.

 

Là một đối tác tin cậy, bộ phận Thương mại thuộc Đại sứ quán Đan Mạch đóng góp vào tiến trình này bằng kiến thức và mạng lưới quan hệ tại thị trường địa phương của mình để tạo điều kiện và làm cho các đối tác CDM tiềm năng tiến lại gần nhau hơn, thông qua việc xây dựng các hoạt động hợp tác bằng kiến thức và các chương trình hỗ trợ phát triển hiện có.

 

Yêu cầu dự án CDM

 

CDM được giám sát bởi Ban Điều hành CDM (CDM EB) và chịu sự chỉ đạo của Hội nghị Các bên (COP) thuộc UNFCCC. Ở cấp độ quốc gia, mỗi nước tham gia CDM đều có Cơ quan Thẩm quyền Quốc gia (DNA) chịu trách nhiệm phê duyệt các dự án ở cấp địa phương sau khi những dự án này đã đáp ứng được những tiêu chí về phát triển bền vững ở cấp độ quốc gia. Ở Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE) là Cơ quan Quốc gia Chuyên trách. Những yêu cầu quan trọng nhất đối với một dự án CDM là:

 

• giảm được lượng phát thải mà lẽ ra đã có thêm nếu như không có hoạt động dự án được chứng nhận này và

 

• mang lại những lợi ích có thực, có thể định lượng và lâu dài nhờ giảm thiểu được tác động của biến đổi khí hậu.

 

Để được chứng nhận là một dự án CDM, thì dự án đầu tư đó phải có được sự công nhận rằng, nó sẽ đóng góp vào sự phát triển bền vững của quốc gia đang phát triển chủ trì dự án (thông qua DNA). Sau đó, bằng việc sử dụng các phương pháp đã được CDM EB thông qua, bên đăng ký dự án phải chứng minh được rằng dự án các-bon này lẽ ra đã không diễn ra (xác định tính bổ sung) và phải đưa ra được cơ sở để ước tính lượng phát thải tương lai nếu như dự án không được đăng ký thực hiện. Trường hợp này được chứng thực bởi một cơ quan thuộc bên thứ ba là Đơn vị Vận hành Chuyên trách (DOE), để bảo đảm rằng kết quả dự án sẽ là giảm phát thải một cách có thực, có thể định lượng và lâu dài. Sau đó, CDM EB sẽ quyết định có đăng ký dự án hay không.

 

Khi dự án được đăng ký và thực hiện thì CDM EB sẽ trao chứng nhận, được gọi là Chứng nhận Giảm Phát thải (CERs), (thường được biết đến với tên gọi chứng nhận các-bon với mỗi đơn vị tương đương với 1 tấn CO2 quy đổi), cho các bên tham gia dự án căn cứ vào mức chênh lệch quan sát được giữa số liệu cơ sở và và số liệu phát thải thực mà DOE xác nhận. Chu kỳ của toàn bộ dự án thường giao động từ 6 đến 20 tháng tuỳ thuộc vào thông tin sẵn có và thời gian dự án.

 

Tiềm năng CDM tại Việt Nam

 

CDM vẫn còn tương đối mới ở Viêt Nam. Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều hoạt động và dự án mới liên quan đến CDM đang được tiến hành. Việt Nam có tiềm năng thuỷ điện lớn, nhưng lại có nhiều ngành công nghiệp nặng hoạt động không hiệu quả, cần phải có hệ thống quản lý chất thải rắn. Ngoài ra, cũng có nhiều cơ hội CDM để sử dụng năng lượng có hiệu quả trong công nghiệp và tại các toà nhà. Việt Nam cũng đang tiến hành nghiên cứu tiềm năng năng lượng gió, và dự án xây dựng trạm phong điện đã có trong danh mục các dự án CDM. Cần phải xây dựng năng lực tổng thể cho khu vực tư nhân và các cơ quan nhà nước đặc biệt là năng lực chuyên môn để xây dựng và đánh giá các dự án CDM.

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE) được chỉ định làm Cơ quan Đầu mối Quốc gia thực hiện Công ước và là Cơ quan Thẩm quyền Quốc gia (DNA) về CDM. DNA của Việt Nam được thành lập năm 2003 và đã công bố những tiêu chí để phê duyệt một dự án CDM tại Việt Nam.

 

Đan Mạch đang sở hữu kiến thức và công nghệ liên quan nhiều đến những thách thức về năng lượng và môi trường tại Việt Nam như năng lượng gió, sử dụng năng lượng hiệu quả, thuỷ điện và nhiệt điện, dầu và khí, cung cấp điện và tư vấn ngành điện. Ngoài ra, Đan Mạch còn xuất khẩu công nghệ môi trường liên quan đến xử lý nước thải và xây dựng các điểm xử lý chất thải…

 

Theo TapchiCongnghiep

PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo