Có đường sắt cao tốc, 3 năm tiết kiệm được 1 triệu tỷ đồng tiền vận tải?
Mới đây, tại cuộc tòa đàm “An toàn giao thông đường sắt – thực trạng và giải pháp” diễn ra ở Hà Nội, ông Phùng Văn Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho biết, trên thế giới, ngành đường sắt chiếm 30% thị phần vận tải, nhưng ở Việt Nam chỉ chiếm 1%, từ đó cho thấy chúng ta đầu tư vào ngành đường sắt còn quá thấp, gần như bị lãng quên.
Ngoài ra, theo ông Hùng, công tác duy tu, bảo dưỡng mới chỉ đáp ứng được 30%, nên chưa đảm an toàn. Ở các nước tiên tiến trên thế giới, từ hệ thống barie chắn ở các điểm giao cắt đều đóng - mở tự động, còn ở nước ta vẫn còn thủ công.
“Đầu tư cho đường sắt là rất lớn, nhưng không mặn mà bằng các loại hình khác vì các nhà đầu tư chưa nhìn thấy lợi nhuận. Chính vì vậy, bây giờ tìm nguồn vốn để cho phát triển ngành đường sắt là rất quan trọng” – ông Hùng nói.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm trên, ông Vũ Anh Minh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho rằng, đường sắt Việt Nam đủ sức cạnh tranh với đường hàng không, đường bộ nếu được đầu tư để làm đường sắt tốc độ cao.
Theo ông Minh, với địa lý như Việt Nam, đường sắt là xương sống, đường bộ là kết nối, đường sông chạy theo mặt cắt ngang, đường biển chạy dọc đất nước – mỗi một loại hình đường đều có chức năng riêng. Tuy nhiên, với lịch sử ngành đường sắt 130 năm hầu như không phát triển, mà còn “bóc đi” chứ không làm thêm một kilomet nào. Phần lớn những trục đường sắt xuống các cảng biển đều đã bị cắt đi, như vậy rất hạn chế trong khâu kết nối vận tải với các loại hình khác.
Tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của đường sắt, ông Minh đưa ra ví dụ so sánh: Đường bay Hà Nội – TPHCM của Việt Nam là 1 trong 7 đường bay hấp dẫn nhất trên thế giới, chính vì thế với quãng đường dài như vậy hành khách sẽ lựa chọn phương tiện hàng không, còn tàu hỏa hiện nay đi mất 30 tiếng nên hầu như không có khách. Nhưng khi có đường sắt tốc độ cao, đi từ Hà Nội vào TPHCM chỉ mất 5 tiếng, ông Minh tin tưởng sẽ thu hút được nhiều hành khách vì: “Đi máy bay chúng ta phải bỏ ra 5 tiếng cho quãng đường từ Hà Nội – TPHCM bao gồm cả thời gian chờ, check-in,…nhưng đôi khi máy bay còn bị trễ giờ khiến chúng ta cảm thấy bực bội. Nhưng với đường sắt tốc độ cao, chúng ta cũng mất 5 tiếng, nhưng chúng ta chỉ cần lên tàu trước 5 phút là tàu chạy, không bị trễ giờ, cùng một tâm trạng nên không có cảm giác bực bội”.
Nói về chênh lệch chi phí vận chuyển hàng hóa giữa đường sắt và đường bộ, ông Minh phân tích: Nếu Việt Nam có đường sắt tốc độ cao, trong 3 năm có thể “cõng” được 1 tỷ tấn hàng. Hiện nay, phí vận tải hàng hóa đường bộ đang cao hơn đường sắt là khoảng 1,5 triệu đồng/1 tấn, với 1 tỷ tấn hàng tương đương là 1 triệu tỷ đồng.
“Nếu có đường sắt tốc độ cao, 3 năm chúng ta sẽ thông quan được 1 tỷ tấn hàng. Đường sắt tốc độ cao vận chuyển bằng công nghệ đường sắt giai đoạn 3 là điện khí hóa thì rất hạn chế phát thải khí thải độc hại ra môi trường. Nhưng với 1 tỷ tấn hàng vận chuyển bằng đường bộ, chúng ta phải dùng tới 50 triệu xe container chạy trên đường, lượng khí thải độc hại thải ra môi trường là rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro về tai nạn” – ông Minh phân tích.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Tài chính: Giá hàng hóa cận Tết không có biến động bất thường
Tinh gọn bộ máy: Đáp ứng yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên mới
Người Việt tại Anh rộn ràng đón Tết Nguyên đán
Làng nghề bánh tráng hơn 100 năm tuổi vào Xuân
Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ đêm 27/1 – 2/2, có nơi dưới 3 độ C
Cảm hứng từ hành trình hướng tới thịnh vượng của Việt Nam