Cô giáo đưa game Đế chế vào môn sử
Thấy trò chăm chú chơi game, cô xin chơi cùng. Và ý tưởng phần mềm đồ họa của game Đế chế III đã đi vào bài giảng về trận chiến Thành Cổ Loa.
Đó là bộc bạch của cô giáo Nguyễn Thị Kim Minh, giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS Trần Quý Cáp (Cẩm Lệ, Đà Nẵng).
Giáo viên phải luôn đổi mới
Ấn tượng đầu tiên về cô giáo Kim Minh là một người giáo viên có niềm đam mê môn Lịch sử bất tận. Khuôn mặt phúc hậu, giọng nói truyền cảm, nụ cười hiền luôn khiến người đối diện cảm thấy ấm áp và tò mò trong mỗi câu chuyện kể của cô.
“Đó cũng là một lợi thế của người đứng lớp nhưng quan trọng hơn là phải truyền sang học trò niềm đam mê bởi chỉ mình đam mê thôi chưa đủ. Để làm được như thế đòi hỏi người giáo viên phải luôn đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với mỗi tình huống bài giảng”- cô Minh bộc bạch.
Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, 10 năm gắn bó với trường THCS Trần Quý Cáp, cô đã ghi dấu ấn của mình bằng cách làm lan tỏa tình yêu lịch sử nối tiếp giữa các thế hệ học trò.
Không khô khan, không liệt kê, những sự kiện lịch sử qua cách giảng của cô trở thành một câu chuyện sống động. Và sau mỗi bài giảng, cô không bắt ép học sinh phải nhớ thuộc lòng mà cô đặt ra nhiều giả thuyết cho những tình huống, sự kiện lịch sử để cho học sinh tự nhập vai phân tích và nhìn nhận.
Cô Minh bảo: “Sau mỗi bài giảng mình phải tạo ra được cái lắng, cái đọng để học sinh thích. Và từ thích thì sẽ nhớ được lâu hơn”. Bên cạnh sự đổi mới không ngừng cùng kinh nghiệm của một giáo viên có thâm niên đứng lớp, cô giáo Minh còn là người rất ham học hỏi, tìm tòi sáng tạo.
Còn nhớ mấy năm về trước, trong một lần đi tìm học sinh ham chơi game, bỏ bê học hành, thấy học trò mải mê chơi game không chịu trở lại trường, cô nhỏ nhẹ hỏi: “Con đang chơi trò gì bày cho cô với?”. Thế là trò bày cho cô chơi game Đế chế III. Chơi xong cô đã đưa được trò trở lại học, còn cô nảy ra ý tưởng đưa phần mềm đồ họa của game vào giảng dạy bài trận chiến Thành Cổ Loa.
“Bài giảng ấy gần suốt cả cuộc đời đi dạy mình chưa một lần thành công. Mình đã đổi hàng chục phương pháp nhưng lần nào cũng thất bại, không thể đưa câu chuyện lịch sử ấy đến được với học trò”, cô Minh nói. Sau cả năm trời mày mò, từ mò học tiếp xúc với phần mềm đồ họa trên game đến mày mò ghép cảnh, dựng bài giảng, có khi bí quá cô gọi điện ra Hà Nội nhờ bạn bè là các chuyên gia đồ họa để học hỏi từng nút lệnh trên máy tính…
Năm 2011, đề tài “Thành Cổ Loa và lực lượng quốc phòng” của cô Minh đoạt giải nhì hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc do Hiệp hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Nhưng cô Minh bảo: “Niềm vui lớn nhất của mình không phải là giải thưởng mà là sự thích thú của học sinh sau giờ học môn Lịch sử”.
Không dừng lại ở đó, đề tài về bài dạy Nghệ thuật chiến tranh trên sông Bạch Đằng của cô cũng vừa đoạt giải ba hội thi sáng tạo ngành giáo dục thành phố. Đây là bài giảng cô đã sử dụng phần mềm game và phim hoạt hình để dựng cảnh miêu tả lại chiến thắng Bạch Đằng của quân ta.
Trở lại với câu chuyện học sinh chán học môn Lịch sử. Cho đến bây giờ, vấn đề dạy và học Sử không còn là chuyện mới trước mỗi năm học, mỗi kì thi tốt nghiệp các cấp, nếu không muốn nói là quá cũ. Nó bị lãng quên bởi có một thời người ta quan niệm nó là môn phụ.
Mãi cho đến khi vị thế của môn học này quá chông chênh trong ngành giáo dục người ta mới giật mình. Một phong trào về học Sử, yêu Sử được khuấy lên nhằm cứu vãn tình thế hàng vạn học trò đang đứng trước nguy cơ "dân ta không biết sử ta".
Trả lại vị thế cho môn Lịch sử là một việc làm cần thiết. Thế nhưng để giữ "lửa" cho sự quan tâm và tình yêu môn học này không phải chỉ là một động thái đưa nó trở thành môn học chính. Và không ai khác, chính những giáo viên bộ môn ngày ngày đứng trên bục giảng giàu tâm huyết như cô giáo Minh đóng vai trò quan trọng trong việc nhen lên và giữ ngọn lửa ấy.
Vì cái được cho học trò
Ở trường, cô Minh còn được biết đến như một người truyền lửa có cái duyên "hút" học trò. Nhiều học trò đang theo học các môn khác vì thích cách giảng của cô mà rẽ sang chọn môn của cô đi thi học sinh giỏi. Không ít trong số đó đạt được những thành tích đáng nể như em Linh Chi - một học sinh giỏi toán đoạt giải học sinh giỏi môn Sử; em Vinh, Dương… và mới đây nhất em Nhật Lệ đoạt Huy chương Vàng cuộc thi Olympic môn Lịch sử toàn quốc và đang chuẩn bị dự thi Olympic quốc tế.
Đội ngũ học sinh giỏi của cô Minh phần lớn là những học sinh cuối cùng sau khi các thầy cô môn khác chọn đội tuyển, số còn lại mới dành cho cô Minh. Thế nhưng năm nào đội của cô Minh cũng đoạt giải cao, có năm đi thi 4 em thì 3 em đoạt giải, trong đó 2 giải nhất, một giải nhì…
Trong số học sinh giỏi môn Sử vào trường chuyên Lê Quý Đôn và các học sinh xuất sắc đoạt giải môn Sử, học trò của cô giáo Minh luôn ghi danh hàng đầu về số lượng và chất lượng trên địa bàn quận. Không chỉ làm tốt công tác giảng dạy, cô Minh còn dày công sưu tầm các đồng tiền, tranh ảnh, tư liệu, và các hiện vật từ thời tiền sử… với hàng trăm mẫu vật quý giá.
Cô tham mưu đề xuất với nhà trường cho thành lập phòng bộ môn để trưng bày hiện vật đã sưu tầm được, tạo không gian và điều kiện cho học sinh vào tìm hiểu trong các giờ giải lao, hoặc hoạt động ngoài giờ. Trăn trở với nghề, hiện cô đang cùng nhà trường làm hồ sơ đề nghị công nhận phòng bộ môn này đạt chuẩn.
Dẫn chúng tôi vào tham quan thực tế, không cần đến người hướng dẫn, sự sắp đặt, bố trí các hiện vật trong phòng đã tái hiện lại cả quá trình dựng nước của ta bắt đầu từ thời Vua Hùng cho đến ngày đất nước thống nhất, non sông quy về một dải.
Cô Minh tâm tư: “Để có được một không gian với đầy đủ hiện vật chứng minh như thế này, mình đã mất hàng chục năm trời âm thầm thu thập, sưu tầm. Mình làm để thỏa cái đam mê nghề nghiệp và thỏa mong muốn giúp các thế hệ học trò hiểu thêm về lịch sử nước nhà. Khơi dậy tình yêu lịch sử thì không khó, cái khó nằm ở chỗ giữ được ngọn lửa ấy lan tỏa ra nhiều thế hệ học trò tiếp theo”.
Nhận xét về cô giáo Minh, thầy Trần Văn Bảy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cô Minh không chỉ là một giáo viên giỏi năng lực chuyên môn, giàu kinh nghiệm, nhiệt tình trong công việc mà còn là một cán bộ năng nổ, sáng tạo, có nhiều tham vấn cho nhà trường trong việc phát triển môn Lịch sử.
Các sưu tầm của cô cho phòng học bộ môn là những tài liệu bổ ích, vô giá. Giáo dục lịch sử, truyền tình yêu và sự hiểu biết về lịch sử nước nhà cho học sinh không có cách nào hay bằng phương pháp trực quan sinh động. Bên cạnh đó, cô còn tận tụy như một người mẹ hiền đảm nhận việc theo dõi, khuyến khích các em học sinh yếu kém về học lực và đạo đức. Nhờ đó đã góp phần ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng trong nhiều năm qua”.
Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo