Tin tức - Sự kiện

Có lý gì đòi hỏi năng suất lao động cao!

Cách nay mấy hôm, tôi đọc trên Báo Người Lao Động Điện tử thấy có bài viết “Tệ hại... như bữa ăn công nhân”. Thú thật, đọc xong thấy buồn vô hạn, không thể không suy nghĩ: Họ cho công nhân ăn còn thua nhà giàu cho thú cưng ăn.

Không hiểu các chủ doanh nghiệp nghĩ gì khi cho “vốn quý” của mình ăn thức ăn ôi thiu như vậy? Không bảo đảm an toàn- vệ sinh thực phẩm, không đủ dinh dưỡng, ăn chỉ là thao tác nhét cái gì đó vô bụng như vậy thì những người công nhân kia còn đâu niềm vui lao động, cống hiến; còn đâu tình yêu và sự gắn bó với nơi mình làm việc để có sáng tạo, để nỗ lực đến giọt mồ hôi cuối cùng vì sự phồn vinh của doanh nghiệp- cũng chính là của bản thân và gia đình mình?

Bữa cơm thường ngày của công nhân. Ảnh: MAI CHI

Chợt liên tưởng đến đánh giá mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam “thuộc nhóm thấp nhất Châu Á - Thái Bình Dương”. Một đánh giá gây đau đớn, tự ái và tổn thương cho những người lao động yếm thế. Tuy nhiên, đó lại là sự thật, một sự thật không thể chối cãi và là hậu quả của rất... rất nhiều nguyên nhân. Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến NSLĐ Việt Nam thấp, trong đó có nguyên nhân do ít sử dụng công nghệ cao.

Theo ông Thọ, hệ thống máy móc, thiết bị sản xuất ở nước ta hiện nay nói chung là quá lỗi thời, lạc hậu. Có những máy móc, thiết bị từ thời Liên Xô mà các nước đã thay thế từ lâu, nhưng đến nay chúng ta vẫn phải dùng. Lao động của chúng ta chưa tiếp cận được những loại công nghệ cao nên kỹ năng, tay nghề còn thấp, dẫn đến NSLĐ còn thấp hơn nhiều nước trong khu vực là chuyện đương nhiên.

Không nuốt nổi cơm của công ty, những công nhân này phải ăn bắp trừ cơm. Ảnh: MAI CHI

Đây là một nhận xét xác đáng. Trong một thời gian dài từ khi mở cửa, Việt Nam trở thành “bãi rác công nghệ” của thế giới. Có lần tôi theo đoàn kiểm tra của TP HCM vào Khu Chế xuất Tân Thuận sau vụ tai nạn làm trọng thương một nữ công nhân dệt, tôi hết sức bất ngờ khi thấy trên chiếc máy dệt in con số 1962!

Đáng nói, đây không phải trường hợp cá biệt. Cái mà thế giới đã bỏ đi rồi thì ta lại hồ hỡi đem về. Và rồi ta dạy cho công nhân của mình thao tác trên những thiết bị lạc hậu đó. Vậy thì có lý do gì đòi hỏi NSLSS của công nhân Việt Nam bằng với Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản...? Hãy thử đưa cho họ các thiết bị công nghệ cao; cho họ làm việc trong môi trường sạch sẽ vệ sinh; cho họ ăn no, ăn ngon, ăn đủ... thì tôi dám chắc NSLĐ của người thợ Việt Nam sẽ không thua kém bất kỳ ai!

Bữa ăn trở thành nguyên nhân tranh chấp. Ảnh: MAI CHI

Trở lại vấn đề bữa ăn của công nhân. Trong khi nhà nước không bắt buộc mà chỉ khuyến khích doanh nghiệp chăm lo tốt bữa ăn cho người lao động và được hạch toán vào chi phí sản xuất thì xin các ông chủ, bà chủ hãy nhận thức đầy đủ, đúng đắn và chân thành về việc chăm lo sức khỏe, tính mạng của những người đang dốc sức làm việc cho mình.

Chăm lo cho người lao động chính là cái đức của người làm chủ. Ông bà mình chẳng đã nói “có đức mặc sức mà ăn” đó sao!

Theo Người lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo