Có sách giáo khoa tốt sau 2015?
Ông Nguyễn Hữu Chí, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, đánh giá chương trình một cách khoa học là công đoạn quan trọng của đổi mới giáo dục. Đây là việc chúng ta đã không chịu làm và bây giờ mới bắt đầu làm.
Việc đánh giá chương trình sách giáo khoa sắp tới có gì khác với những điều chúng ta đã và đang làm?
Trước nay chúng ta thường đánh giá một cách… vu vơ và cảm tính, dựa theo ý người trên- lãnh đạo nói tốt là… tốt. Ở nước ta còn có sự cực đoan nữa là xảy ra “làn sóng” chửi bới sách giáo khoa không được dẫn dắt bằng khoa học. Hơn thế nữa, bản thân những người đi đánh giá chương trình, sách giáo khoa cũng không được trang bị kiến thức về khoa học đánh giá.
Những người đi thẩm định chương trình, thẩm định sách giáo khoa chỉ chăm chăm xem chương trình có viết những nội dung quan trọng của khóa học không, sách giáo khoa có viết đủ, viết đúng không… Trong khi, vấn đề về chương trình sách giáo khoa lớn hơn nhiều, quan trọng là với lứa tuổi, bối cảnh, thì giáo dục như thế nào là phù hợp.
Đổi mới tốt đến đâu cũng phải có thước đo. Nếu có khoa học đánh giá và đánh giá chuẩn mực không chỉ khiến xã hội đỡ bức xúc mà điều quan trọng là để những người làm chương trình giáo dục đỡ chủ quan, tùy tiện hoặc duy ý chí. Và công việc đang ở giai đoạn bàn xem trong giai đoạn sắp tới chúng ta nên đánh giá chương trình, sách giáo khoa theo quan điểm nào, nhằm mục đích gì, kỹ thuật đo đạc gì trước khi xây dựng chương trình và sách giáo khoa sau 2015.
Nói như thế có nghĩa từ trước đến nay những đánh giá của các nhà khoa học và của xã hội về chương trình, sách giáo khoa là chưa chuẩn mực và chưa đúng? Cả những đánh giá là sách giáo khoa sai chỗ này, sai chỗ kia; cả những đánh giá về sự chồng chéo của chương trình, gây lãng phí… cũng không đúng?
Những đánh giá đó phản ánh tâm trạng xã hội; ý kiến thì cũng có cái đúng, có cái sai. Thực ra, chương trình và sách giáo khoa hiện hành có 2 cái sai cơ bản. Cái sai thứ nhất: Coi kiến thức là tất cả, từ mẫu giáo đến tiến sĩ trong khi, hiểu biết kiến thức đối với con người chỉ là cần không phải đã đủ.
Dù nói hay thế nào cũng phải làm được việc và hành xử tốt trong cộng đồng. Cái sai thứ hai là hệ thống giáo dục đã áp đặt, nhồi sọ và dạy tư duy một chiều. Nếu tập trung giải quyết được 2 vấn đề đó là giải quyết được bài toán giáo dục.
Đã có kịch bản được chuẩn bị kỹ, những người đang lao vào công việc chuẩn bị có niềm tin là cuộc cải cách lần này sẽ tiến bộ hơn. Tuy nhiên, niềm tin ấy đạt được đến mức độ nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Giáo viên thể hiện được không; điều kiện cơ sở vật chất thực hành kém... Và quan trọng hơn tất cả là quản lý giáo dục. Nếu quản lý tốt thì chỉ cần cái bảng với viên phấn cũng làm nên chuyện”.
GS Đinh Quang Báo (Nguyên hiệu trưởng ĐHSP Hà Nội)
Theo TPO
End of content
Không có tin nào tiếp theo