Tin tức - Sự kiện

Cơ sở Đông dược hành nghề trái phép: Tiếp tay cho tử thần

Thời gian qua, Bắc Giang là “điểm nóng” về các ca ngộ độc chì ở trẻ em. Qua thực tế tìm hiểu, dù cơ quan y tế của tỉnh này đã vào cuộc khẩn trương thanh, kiểm tra nhưng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của không ít người dân, nhiều cơ sở kinh doanh Đông dược chưa được cấp phép của Bắc Giang đã có hành vi cố ý làm trái, tổn hại đến sức khỏe của người dân.

Vừa mất tiền, vừa mang tật

 

Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cảnh báo nhiều trường hợp trẻ nhiễm độc chì do sử dụng thuốc cam, trong đó riêng xã Tam Dị, huyện Lục Nam, Bắc Giang có gần 100 trẻ mắc khiến dư luận hết sức hoang mang, lo lắng.
 
 
Mới đây, anh H.V.B, ở huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã phải chịu cái chết oan uổng vì sử dụng thuốc Đông dược không bảo đảm chất lượng.
 
 
Bị đau dạ dày, cuối năm ngoái, anh B. tìm đến một thầy lang ở huyện Việt Yên cắt 3 thang thuốc Nam điều trị. Mới uống hết 2 thang, anh thấy người vật vã khó chịu và đau bụng dữ dội. Ngay lập tức, người nhà đưa anh vào bệnh viện huyện cấp cứu nhưng vài tiếng sau anh B. trút hơi thở cuối cùng.
 
 
Cơ quan pháp y tỉnh Bắc Giang đã khám nghiệm tử thi và ghi nhận anh bị sung huyết toàn bộ phủ tạng.
 
 

Ông Nguyễn Văn Bằng - Bí thư Đảng ủy phường Ngô Quyền (Thành phố Bắc Giang) cũng bức xúc cho biết, ông có người em rể bị bệnh vẩy nến đi cắt thuốc Đông y của một ông lang ở huyện Hiệp Hoà để uống. Không ngờ sau vài ngày uống thuốc, toàn thân ngứa, phát ban đỏ, phù nề, tình trạng sức khỏe xấu dần. Mặc dù được các thầy thuốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang, Bệnh viện Bạch Mai tận tình cứu chữa, nhưng anh đã tử vong do nhiễm độc thủy ngân có trong thành phần của thuốc Nam.

 

Lại nữa, chị Nguyễn Thị Lụa, ở thị trấn Lục Nam bị viêm cầu thận, có sỏi bùn. Chị ra Thành phố Bắc Giang cắt thuốc Đông y gia truyền. Khi mới uống thuốc, chị cảm giác giảm đau vùng thắt lưng, ăn khỏe, ngủ ngon nhưng vài tháng sau chị thấy mệt mỏi, đau tăng dần, xuất hiện triệu chứng phù nề, toàn thân chảy nước vàng.

 
 
Chị phải điều trị ở Bệnh viện Da liễu Trung ương hơn 1 năm, tuy tính mạng được bảo toàn nhưng chị đã bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối do nhiễm độc hoá chất trường diễn có trong thuốc Đông dược...
 

Không thể buông lỏng quản lý

 

Theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 91 cơ sở có giấy phép hành nghề y học cổ truyền, trong đó 85 cơ sở khám, chữa bệnh và 6 cơ sở kinh doanh thuốc Ðông y, thuốc từ dược liệu. Tuy nhiên, thực tế còn hàng trăm cơ sở hoạt động trong lĩnh vực này và số người bán rong thuốc Ðông dược tại các chợ, khu vực trung tâm đông dân cư... không thể đếm xuể. Họ không có bằng cấp chuyên môn và hành nghề trái phép một cách công khai.

Qua trao đổi với lãnh đạo ngành y tế Bắc Giang, được biết, dù đã có nhiều cố gắng thanh, kiểm tra nhưng vì nhiều lý do như lực lượng mỏng, thiết bị, phương tiện kiểm nghiệm thiếu nên các cuộc thanh tra, kiểm tra hầu hết mới dừng lại ở việc kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất, độ ẩm, nấm mốc của thuốc bằng cảm quan.

 
Mới đây, trước thực trạng hàng trăm trẻ ngộ độc thuốc cam, ngành y tế Bắc Giang đã tiến hành kiểm tra 13 cơ sở tại 6 huyện, thành phố, trong đó 10 cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
 
 
Kiểm tra đã phát hiện giấy phép hoạt động của 3 cơ sở đã hết hạn, 2 cơ sở hành nghề không đúng địa điểm đăng ký; trong số 3 cơ sở bán thuốc từ dược liệu thì 1 cơ sở không có giấy phép hoạt động.
 
 
Ngoài ra, theo đánh giá của bà Hàn Thị Hồng Thuý, Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang, Trưởng đoàn kiểm tra thì hầu hết nguồn thuốc dược liệu được các cơ sở nhập về không có đầy đủ hoá đơn theo quy định, tức là không rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ.
 
 
Điều kiện vật chất, kỹ thuật để bảo quản dược liệu; việc ghi chép, vào sổ khám, chữa bệnh tại các cơ sở không bảo đảm tiêu chuẩn, không đầy đủ thông tin; một số nơi không ghi nhãn thuốc, không niêm yết giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo quy định.
 
 
Đặc biệt, đoàn kiểm tra cũng phát hiện cơ sở bán hồng đơn - dược liệu có chứa chì cho người sử dụng nhưng không khám bệnh, không vào sổ, không chỉ định liều dùng, cách dùng… Đây là những yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng người sử dụng.
 

Thiết nghĩ đã đến lúc chính quyền địa phương cần lập lại trật tự trong quản lý hành nghề y dược tư nhân, xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh Đông dược không bảo đảm điều kiện về giấy phép kinh doanh, cơ sở vật chất; yêu cầu những cơ sở sản xuất, cung ứng Đông dược phải chứng minh được nguồn gốc, tác dụng, chất lượng của dược liệu trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.           

 

 

Theo SKĐS

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo