Có thể chết người nếu tùy tiện dùng thuốc nam
Vừa qua, PV Người đưa tin đã có dịp gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với ông Nguyễn Xuân Hướng - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, đồng thời là thành viên Hội đồng thẩm định cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sỹ Đông y.
Qua lăng kính của một thầy thuốc có nhiều kinh nghiệm, PV đã được nghe, được thấy những chuyện bi hài đến không ngờ của người Việt khi sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc Đông y.
Sai "một ly" đi... một mạng người
Theo ông Nguyễn Xuân Hướng, một trong những nguyên nhân chính và thường gặp trong Đông y mà nhiều thầy thuốc nam thường mắc phải là thầy thuốc không am hiểu về… cây thuốc. Với tư cách là chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, ông Hướng cho rằng nguyên nhân của hầu hết các vụ tai nạn chết người do sử dụng "nhầm" thuốc nam là xuất phát từ sự yếu kém của người thầy thuốc.
Điều này dẫn đến rất nhiều hệ lụy như: Bốc sai thuốc, kê không đúng liều lượng hoặc không biết cách bào chế. Và dù ở bất cứ trường hợp nào trong ba trường hợp nói trên đều nguy hiểm và có thể gây tai nạn chết người.
Dẫn chứng về trường hợp này, ông Hướng cho biết: Nếu người thầy thuốc thành thục về khâu bào chế thuốc thì phải nhận biết được những chất độc có trong loại thuốc đó và tìm cách loại bỏ hoặc khắc chế để không còn chất độc gây nguy hại cho bệnh nhân.
Với người thầy thuốc, nhất là thuốc Đông y thì yêu cầu tiên quyết nhất chính là tính cẩn trọng trong từng khâu kê thuốc. Nếu người thầy thuốc chủ quan, không kiểm tra lại các thành phần trong đơn thuốc thì những tạp chất khác có thể lẫn cùng vị thuốc và gây phản ứáng nguy hại đến người bệnh.
Giải thích cho hiện tượng này, ông Hướng phân tích: "Vì thuốc Tây y do người khác sản xuất, người bệnh có thể sử dụng theo lời giới thiệu, nhãn mác hoặc hướng dẫn sử dụng nhưng với Đông y thì người thầy thuốc phải có kiến thức, trình độ am hiểu sâu về cây thuốc, biết rõ nhận dạng cây thuốc và công dụng của nó thì mới có thể bốc thuốc được".
Kể lại câu chuyện xảy ra năm 1985 tại huyện Cát Lộc, tỉnh Hà Tĩnh với PV, ông Hướng bảo đó là minh chứng điển hình cho sơ suất đau lòng của một thầy lang chuyên bốc thuốc nam có tiếng ở địa phương này.
Vì nghe tiếng của vị thầy lang nọ, một người phụ nữ cùng địa phương đã tìm đến nhờ ông này bốc thuốc bổ cho chồng. Nhưng khi người phụ nữ mang thuốc về, vừa mới sắc được thang đầu tiên cho chồng uống thì người chồng đã… lăn ra chết.
Sau khi lo tang ma cho chồng xong xuôi, người phụ nữ kia đã mang hai thang thuốc còn lại đến thầy lang, đề nghị xem lại thành phần của thuốc. Tuy nhiên, vị thầy lang trên một mực khẳng định rằng mấy chục năm qua, ông đã cắt thuốc cho rất nhiều người và người nào uống thuốc của ông cũng khỏi bệnh, không thể có chuyện thuốc có "vấn đề", gây tử vong.
Để chứng minh cho kinh nghiệm của 50 năm bốc thuốc của mình, ông lang đã sai người nhà sắc thang thuốc thứ hai để ông trực tiếp uống và một chuyện không ai ngờ đã xảy ra: Vị thầy lang hơn 50 năm bốc thuốc cứu người đã chết do chính thang thuốc mà mình đã kê!
Sau khi xảy ra sự việc, người ta đã lấy thang thuốc còn lại của ông thầy lang mang đi nghiên cứu và đã phát hiện ra trong thang thuốc có rễ cây lá ngón. Ai cũng biết rằng lá ngón là loại cây cực độc, ai ăn hoặc uống phải rễ hay lá ngón đều có nguy cơ tử vong cao.
Không ai hiểu vì sao trong thang thuốc của vị thầy lang nổi tiếng kia lại có rễ cây lá ngón, chỉ biết rằng sự việc là hồi chuông cảnh tỉnh đối với tất cả những thầy thuốc Đông y lúc bấy giờ. Theo ông Hướng, một yêu cầu tối cần thiết đối với người thầy thuốc Đông y là cẩn trọng, nếu không cẩn trọng, có thể sẽ xảy ra những tai nạn nghề nghiệp rất đáng tiếc.
Qua sự việc này, ông Hướng cũng cảnh báo một hiện tượng đã và đang xảy ra trong thực tế hiện nay là thói quen tự dùng thuốc của người dân hoặc do quá tin tưởng vào những lời đồn đại mà người bệnh vội đặt niềm tin vào thầy lang. Nếu gặp phải người thầy thuốc chưa "rành nghề" thì những tai biến, thậm chí là nguy hiểm tính mạng là điều khó tránh khỏi.
Ngoài câu chuyện trên, ông Hướng còn biết không ít những câu chuyện đau lòng trong việc sử dụng nhầm thuốc. Trường hợp ở Quảng Ngãi do không kiểm tra, thầy thuốc đã đưa nhầm lá ngón vào thuốc chữa bệnh, làm chết 7 người.
Chuyến đi công tác ở Thái Bình, Tây Nguyên, Đắk Lắk, ông Hướng đã bắt gặp nhiều thầy thuốc không có kiến thức về cây dược liệu, gây hại đến sức khỏe người bệnh. Ông Hướng chia sẻ: "khi người thầy thuốc không nắm được công dụng của cây thuốc nhưng đã vội chữa bệnh là một điều cực kỳ nguy hiểm".
Thuốc chữa bách bệnh và những tai nạn ngớ ngẩn
Một thực tế đáng buồn là có quá nhiều những tai nạn chết người do người thầy thuốc "dở" tay nghề gây nên nhưng điều đáng báo động là hiện tại tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Dẫn chứng về ca mổ ruột thừa vừa xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Hướng nhận định: "6 bác sỹ có cả người Việt Nam và người Pháp đều kém tay nghề chuyên môn nên mới để bệnh nhân bị chảy máu trong khi mổ ruột thừa". Nhưng khi cơ quan chức năng khẳng định là bệnh nhân chết vì bị chảy máu trong khi mổ ruột thừa thì cả 6 bác sỹ trên đều chối bỏ trách nhiệm, cho rằng bệnh nhân chết vì "nhồi máu cơ tim".
"Đây là chuyện loanh quanh, giấu dốt", ông Hướng nói.
Ông Hướng còn kể về một câu chuyện khôi hài khác do học trò của ông nêu ra. Người này đã nêu một câu chuyện có thật ở quê anh để nhờ thầy giải đáp. Anh kể ở quê anh có một người lương y chuyên dùng cây lá bỏng để chữa bệnh dạ dày.
Theo ông Hướng thì việc làm của vị lương y trên là quá nguy hiểm vì cây lá bỏng đã được bộ Y tế nghiên cứu và kết luận là cây lá bỏng có hai loại: Một loại có chất độc và một loại không có chất độc.
Nhưng hơn hết, cây lá bỏng chỉ có tác dụng để đắp ngoài vết thương và hiện chưa có tài liệu nào chứng minh rằng có thể dùng nước của cây lá bỏng để điều trị bệnh dạ dày. Hơn nữa, nếu dùng phải cây lá bỏng có độc, người bệnh có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Qua câu chuyện của người học trò, ông Hướng khuyến cáo đến những người có thói quen tự ý dùng các bài thuốc dân gian, đặc biệt là những người hay lấy lá đắp vào vết thương hở. Ông Hướng nhấn mạnh: "Những vết thương hở không thể bó bằng lá được" và người bệnh dù trong hoàn cảnh nào cũng không nên tùy tiện băng bó vết thương bằng lá.
Ông Hướng đã từng trực tiếp tham gia điều trị cho một người bị hoại tử vết thương do chữa gãy xương hở bằng cách băng bó lá theo cách của thầy lang. Đánh giá về sự việc này, ông cho rằng việc băng bó bằng lá cho người bị gãy xương là điều "hoang tưởng".
Thông thường, khi gãy xương, người bị gãy phải đến ngay bệnh viện để điều trị, chống nhiễm trùng cho vết thương. Sau khi thăm khám, kiểm tra, bác sỹ sẽ phải mổ để sắp xếp lại xương và chuyện này thì thầy lang không thể tham gia được.
Ông Hướng nhận định: "Đây là căn bệnh thuộc chức năng của ngoại khoa không phải nội khoa". Trong khi đó, Đông y lại chỉ chữa các bệnh nội khoa. Do vậy, việc dùng lá để bó gãy xương hở hay những vết thương ngoài là "vi phạm quy định của bộ Y tế".
Không chỉ "ngộ nhận" công dụng của các vị thuốc nam mà một số thầy thuốc Đông y còn hay kê "nhầm" thuốc cho bệnh nhân. Hậu quả là bệnh nhẹ sẽ trở nên nặng và nếu không được chữa trị kịp thời thì người bệnh có nguy cơ tử vong cao.
Ông Hướng đưa ra một dẫn chứng cho một việc nhầm tệ hại như: bệnh hàn dùng thuốc lạnh để chữa thì bệnh sẽ càng nặng thêm. Do trình độ hiểu biết hạn chế, thầy thuốc có thể dùng sai thuốc: ví dụ dùng cây thuốc vốn chỉ để chữa thấp khớp nhưng lại chữa dạ dày hoặc thêm một bệnh khác. Đây không còn được xem là "tai nạn nghề nghiệp" mà là trình độ hiểu biết về dược liệu của thầy thuốc quá kém.
Không có thuốc nào có thể chữa bách bệnh
Theo ông Hướng, việc những ông lang, bà mế ở vùng sâu vùng xa thường dùng một số loại rễ, lá cây để chữa bách bệnh là phản khoa học. Ông khẳng định "Không thể có chuyện một vị thuốc có thể chữa được bách bệnh và cũng không có thầy thuốc nào chữa được bách bệnh".
Theo NĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo