Quốc tế

Có thể thấy thông điệp gì của Tổng thống Nga Putin từ chiến dịch dội bom IS?

(DNVN) - Ngăn tầm ảnh hưởng của Mỹ, không tin phương Tây, trấn an đồng minh, khẳng định vị thế quốc tế có thể là bốn thông điệp mà Tổng thống Nga Putin muốn gửi đến thông qua chiến dịch dội bom tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.

Theo tin từ báo VnExpress, trong bài viết đăng trên tờ Washington Post, học giả Samuel Ramani ở Viện Nghiên cứu Đông Âu và Nga, thuộc trường St. Antony, Đại học Oxford, Anh ghi nhận rằng, theo đa số các học giả phương Tây và các tin tức từ truyền thông nhà nước Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn duy trì vị thế cầm quyền của ông Assad tại ít nhất một phần lãnh thổ của Syria.

Mối quan hệ đồng minh giữa ông Putin với ông Assad thường được giải thích dựa trên các nhân tố chiến lược như Nga muốn duy trì các thương vụ bán vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho ông Assad và căn cứ hải quân Tartus của Nga ở Syria, nơi cung cấp cho Nga một cảng biển quan trọng mở ra Địa Trung Hải. Ngoài ra, Nga cũng thiếu đồng minh ở Trung Đông.

Tuy nhiên, theo ông Ramani, việc Nga đứng về phía Assad mang lại cái giá khá đắt về cả mặt tài chính lẫn ngoại giao, vì các nước Arab khác sẽ hủy các thương vụ mua vũ khí của Nga. Đồng thời, các nước có đa số người Hồi giáo Sunni ở Trung Đông sẽ lạnh nhạt với Nga.
Học giả Ramani cho rằng ông Putin "chống lưng" cho ông Assad là muốn thể hiện quyền lực và bản sắc của Nga trên trường quốc tế. Và chiến dịch không kích của Nga ở Syria truyền đi 4 thông điệp.

Khẳng định vị thế quốc tế có thể là thông điệp mà Tổng thống Nga Putin muốn gửi đến hông qua chiến dịch dội bom tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.

Thứ nhất là ngăn tầm ảnh hưởng của Mỹ: Theo tin từ báo VnExpress, Nga coi ý đồ phế truất ông Assad là động thái xâm phạm chủ quyền của Syria. Điều này liên quan chặt chẽ đến lo ngại về các sứ mệnh thay đổi chế độ do Mỹ đứng đầu mà điện Kremlin xem là cách để mở rộng tầm ảnh hưởng của Washington, hơn là truyền bá dân chủ thực sự.

Quyền lực của Nga sẽ được thể hiện tối đa trong hệ thống quốc tế đa cực hơn là trong hệ thống quốc tế do Mỹ thống lĩnh. Ông Putin muốn chống lại những gì được xem là nỗ lực của Washington nhằm định dạng lại thế giới theo cách nhìn của Mỹ.

Vì vậy, khi công luận chính trị ở phương Tây ngả về xu hướng chống Assad giai đoạn 2011-2012, Nga đã lên tiếng ủng hộ và trở thành nhà bảo trợ chính cho ông Assad. Ông Putin đã tham vấn với ông Assad về việc giải quyết cuộc xung đột ở Syria, cũng như về việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học của nước này. Nga đã bỏ phiếu phủ quyết các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Syria, đồng thời phản đối phương Tây kêu gọi Assad từ chức.

Chính quyền ông Assad không còn kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria, nhưng ông Putin vẫn ủng hộ Assad với tư cách là tổng thống hợp pháp của Syria. Gần đây, ông Putin tuyên bố rằng quân đội chính phủ Syria là lực lượng vũ trang hợp pháp duy nhất của nước này. Nói cách khác, các lực lượng của FSA là những kẻ âm mưu cướp chính quyền bất hợp pháp. Putin cũng tán thành khẳng định bấy lâu nay của ông Assad cho rằng những phần tử jihad cực đoan đã thâm nhập vào lực lượng đối lập ở Syria.

 

Và nếu không có lãnh đạo đối lập nào có đủ sự tin cậy, Assad sẽ giành được sự tín nhiệm. Liệu có ai bác bỏ lập trường của Putin cho rằng hoặc là chọn ông Assad hoặc là chọn sự hỗn loạn?

Thứ hai là không tin phương Tây: Nga kiên định lập trường về Syria vì không muốn lặp lại sự can thiệp của NATO ở Libya năm 2011. Nga đã không phủ quyết nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cho phép lập vùng cấm bay ở Libya để bảo vệ dân thường. Điện Kremin sau đó cảm thấy bị phản bội, vì phương Tây đã tận dụng vùng cấm bay để phát động sứ mệnh toàn diện nhằm phế truất Tổng thống Libya Moammar Gaddafi mà không có sự đồng ý của Nga. Việc này đã dẫn đến các thương vụ của Nga với chính phủ Libya đổ bể.

Ông Vitali Naumkin, Giám đốc Viện Nghiên cứu phương Đông ở Moscow, đồng thời là chuyên gia về quan hệ Trung Đông - Nga, cho rằng Moscow lo sợ nếu phương Tây tìm cách lật đổ ông Assad với lý do dân chủ, hệ quả trong thực tế sẽ không phải là dân chủ. Nga có thể cho rằng dân chủ được sử dụng như bình phong để phục vụ các lợi ích lớn rộng hơn cho Mỹ.

Thứ ba là trấn an đồng minh: Việc Putin sẵn sàng đẩy mạnh không kích ở Syria bất chấp phí tổn cao cho thấy, ông muốn sử dụng chiến dịch chống IS để định nghĩa lại bản sắc quốc tế của Nga, như là trung gian quyền lực và trung tâm trong một liên minh lớn đối trọng với phương Tây. Hỗ trợ ông Assad sẽ giúp Nga tiến đến mục tiêu đó.

Moscow chứng tỏ cho các đồng minh tiềm năng và bạn hàng thấy độ tin cậy của Nga. Kế đó, thông qua thể hiện sức mạnh, Nga muốn duy trì các hợp đồng bán vũ khí, năng lượng cũng như các mối quan hệ đồng minh với một loạt nước đang có quan hệ căng thẳng với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

 

Các nước này gồm Iran, Hungary, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela và nhiều chính quyền khác ở vùng tiểu Sahara châu Phi. Nga muốn thể hiện họ là một nhà bảo trợ kiên định, chứ không dễ thay đổi như Mỹ từng bỏ rơi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak trong các cơn khủng hoảng.

Thứ tư là khẳng định vị thế quốc tế: Nga cảm thấy bị gạt ra ngoài lề trong các quyết định quốc tế do phương Tây dẫn dắt kể từ cuộc khủng hoảng Kosovo năm 1999, khi NATO ném bom Syria, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Nga. Tại Syria, Nga tìm cách khẳng định vị thế của mình như là nước đối trọng chính với Mỹ.

Để đạt mục đích này, Nga muốn là người cầm cờ tiên phong trong chiến dịch chống IS hoàn toàn tách biệt với liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu, bằng cách ủng hộ ông Assad.

Nga đã mở rộng liên minh chống IS ra ngoài Iran, bằng cách chia sẻ thông tin tình báo về IS với Iraq. Iraq ủng hộ mạnh mẽ việc Nga can dự quân sự vào Syria. Theo hãng thông tấn Fars của Iran, Iraq cho phép Nga tiến hành không kích các phần tử IS tháo chạy từ Syria sang quốc gia này. Lãnh đạo người Kurd tại Iraq cũng nhấn mạnh Mỹ và Nga cần phải hợp tác để chống IS.

Kẻ ám sát cựu Phó thủ tướng Nga xin Putin cho sang Syria diệt IS

 

 Trong một diễn biến khác, Zaur Dadaev - kẻ bị buộc tội ám sát cựu Phó thủ tướng Nga Boris Nemtsov bất ngờ viết thư gửi Tổng thống Putin xin tham gia lực lượng Nga tại Syria chống tổ chức khủng bố nhà nước Hồi giáo (IS).

Zaur Dadayev, nghi phạm trong vụ ám sát cựu Phó thủ tướng Nga.

Báo VnExpress dẫn nguồn từ tờ Telegraph cho hay, Zaur Dadaev, nghi phạm ám sát cựu Phó thủ tướng Nga Nemtsov hồi tháng 2 vừa qua đã bất ngờ viết thư cho tổng thống Nga vào tuần trước để khẳng định mình vô tội và nói rằng anh ta bị ép cung.

Điều đặc biệt, trong bức thư của Dadaev gửi ông Putin, anh ta đã xin Tổng thống Nga cho tham gia lực lượng Nga tại Syria trong chiến dịch chống IS để chứng minh "lòng trung thành" và "sự vô tội" trên chiến trường.

"Tôi đã được biết về việc không quân Nga đang hoạt động tại Syria. Nếu cần thiết, tôi muốn tham gia vào chiến dịch quân sự ở Syria chống lại IS", Dadaev viết, theo một bản sao lá thư mà truyền thông Nga thu được. "Tôi muốn xin ngài cho tôi cơ hội để chứng minh mình vô tội".

Chính quyền tổng thống không công khai bình luận về đề nghị của Dadaev. Hãng tin Nga Rosbalt hôm qua đưa tin rằng lời cầu xin này không được chấp thuận, theo một lời trả lời được truyền đạt qua cơ quan điều tra.

 

Trước đó, ông Nemtsov tử vong vì trúng 4 viên đạn ở lưng khi ông đi dạo cùng bạn gái trên cầu gần Điện Kremlin ở thủ đô Moscow đêm 27/2. Sau khi vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng đã tiến hành bắt giữ 5 nghi phạm liên quan đến cái chết của vị cựu Phó thủ tướng Nga. Trong phiên tòa ngày 8/3 tại quận Basmanny, công tố viên cho biết Zaur Dadaev và Anzor Gubashev, hai trong 5 nghi phạm, là những kẻ chủ chốt. Dadaev đã thừa nhận với cảnh sát rằng, hắn tham gia vụ ám sát ông Nemtsov.

30% máy bay chiến đấu Nga "mắc kẹt" ở Syria

Tờ USA Today ngày 26/10 dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, khoảng 1/3 số máy bay chiến đấu và một nửa số máy bay vận tải của Nga phải nằm lại căn cứ thay vì tham gia chiến dịch không kích vì bị thời tiết hanh khô, sa mạc ở Syria ảnh hưởng.

Tờ báo này còn đưa ra lời nhận định các chiến binh Nga dường như gặp khó khăn để thích ứng với điều kiện khắc nghiệt ở Syria khiến cho những đợt không kích của Moscow nhắm vào lực lượng phiến quân nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) giảm đáng kể.

Richard Aboulafia, một nhà phân tích hàng không của công ty tư vấn hàng không vũ trụ Teal Group cũng cho rằng Nga không có nhiều kinh nghiệm chiến đấu “xa nhà” mà chỉ quen với chiến trường quanh khu vực biên giới, nơi có khi hậu lạnh như Ukraine và Georgia.

 

Lý do thời tiết quá nóng ở Syria đã ảnh hưởng đến an toàn bay: " Chắc hẳn không lực Nga đang gặp khó khăn vì thời tiết Syria lên trên 40 độ C”, ông Aboulafia nói.

Trái ngược với thông tin kể trên, ngày 26/10 Bộ Quốc phòng Nga cho biết không quân nước này đã triển khai 59 đợt không kích nhằm vào 94 mục tiêu ở Syria trong 24 giờ qua.

Trong 3 ngày qua, Không quân Nga đã đánh trúng 285 mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và đẩy lùi tổ chức khủng bố này ở nhiều khu vực trên lãnh thổ Syria.

Theo kết quả cuộc "sơ kết" chiến dịch không kích tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) của Bộ Quốc Phòng Nga, từ hôm 30/9 đến nay, lực lượng không quân của Nga với gần 1000 cuộc không kích đã ném bom phá hủy ít nhất 819 mục tiêu của IS.

Tuy nhiên, truyền thông phương Tây thường cáo buộc Nga lợi dụng việc không kích IS để tiêu diệt luôn các tổ chức khác chống đối với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad thân Nga. 

 

30% máy bay chiến đấu Nga "mắc kẹt" ở Syria

HÒA HẬU (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo