Cơn bão ma túy ở “ốc đảo” Kẻ Nính: Chuyện những cô gái HIV “đi làm ăn xa”
Họ bảo đi làm “công nhân” nhưng dân làng ai cũng biết họ đi làm “dịch vụ nhạy cảm” tại các nhà hàng, khách sạn ở Nghi Xuân, Kỳ Anh, Hòn Câu… Mang trong mình căn bệnh HIV mà đi làm những nghề như thế thì hết sức nguy hiểm, có thể truyền bệnh cho người khác, lây lan ra cả cộng đồng.
Những đứa trẻ coi cút vì ma túy
Ma túy đã và đang đánh cắp tuổi thơ của nhiều đứa trẻ tội nghiệp nơi “ốc đảo” Kẻ Nính. Những đứa trẻ chưa kịp lớn lên đã trở thành côi cút vì bố mẹ chúng đều chết vì HIV. Tội nghiệp và đau đớn hơn, có những cháu khi mới sinh ra đã mang trong mình căn bệnh HIV.
Một cán bộ thuộc phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện Quỳ Châu cho biết: “Hiện tại, bản Kẻ Nính có khoảng 20 cháu mồ côi, trong đó có những cháu bị lây nhiễm HIV từ bố mẹ. Con số chính xác về các cháu bị HIV vẫn chưa thống kê được bởi nhiều nguyên nhân tế nhị khác nhau”.
Giờ ra chơi, sân trường tiểu học Châu Hạnh 2 (đóng trên địa phận bản Kẻ Nính) rộn rã tiếng cười. Thấy khách lạ chụp ảnh, những cháu bé khuôn mặt khôi ngô, dễ thương tò mò chạy đến xem. Nhưng ít ai biết rằng, trong số đó, có những em đã mất cha, mất mẹ, có em thì sự sống đang đếm từng ngày.
Cô Sầm Thị Viên - Hiệu trưởng Trường tiểu học Châu Hạnh 2 tâm sự: “Không có bàn tay chăm sóc, hơi ấm của bố mẹ, nhiều em học sinh hoàn cảnh rất khó khăn, tội nghiệp. Có hôm đi học mà nằm đói lả trên bàn, cô thầy phải pha mì tôm, nấu cơm cho ăn. Có em đang học dở giữa chừng phải xin cô về đi lấy thuốc uống (thuốc kìm hãm virus HIV).
Vì trường có những hoàn cảnh đặc biệt như thế nên các cô thầy ở đây hết sức quan tâm, lo lắng, luôn chú ý để không xảy ra những tình huống đáng tiếc”. Sự cách trở về đường sá, nghiện ngập, chết chóc đã làm cho Kẻ Nính nhiều năm chìm trong đói nghèo, thất học.
Những năm về trước, học sinh ở bản này chỉ đếm trên đầu ngón tay, cô thầy vào vận động con em đi học còn bị phụ huynh gây khó dễ, hù dọa này nọ. Nhưng bây giờ, người dân Kẻ Nính đã hiểu được không có con chữ thì mãi đói nghèo, lạc hậu; hạt lúa, hạt ngô làm ra cũng không đủ ăn.
Bây giờ con em Kẻ Nính được bố mẹ cho đến trường, nhiều gia đình còn lo từng bữa ăn hay quan tâm chở con cái đi học. Hy vọng rồi một ngày không xa, sự học sẽ từng bước thay đổi nhận thức người dân, giúp Kẻ Nính thoát đói nghèo và cơn mê muội của chất độc ma túy.
Ma túy đã và đang gây ra những hậu quả kinh khủng, đau thương cho bản làng Kẻ Nính, thế nhưng với nhiều người dân nơi đây vẫn còn trong cơn mộng mị của “nàng tiên nâu”. Có người ở bản nghèo này buôn bán ma túy, đã bị bắt đi tù đến ba lần, nhưng khi ra tù vẫn “ngựa quen đường cũ”, tiếp tục buôn bán để thỏa mãn cơn nghiện và có tiền ăn chơi, tiêu xài. Hình thức của các đối tượng này ngày một tinh vi, quỷ quyệt, khiến công an khó “sờ gáy”.
Hiện tại “ốc đảo” Kẻ Nính được xem là một trong những địa bàn nóng bỏng về tệ nạn ma túy của huyện Qùy Châu nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.
Mặc dù anh trai buôn bán ma túy rồi nghiện hút hít và chết vì lây nhiễm HIV nhưng điều đó không làm cho Vi Thị Viên “sáng mắt” mà tiếp tục con đường tội lỗi của anh mình. “Đi đêm có ngày gặp ma”, trong một lần xách hàng trắng, Viên bị công an bắt quả tang và bị kết án 20 năm tù, hiện đang thụ án. Tưởng chừng nhìn thấy thảm cảnh của anh trai và chị gái, Vi Thị No sẽ tránh xa ma túy, tu chí làm ăn lương thiện nhưng rồi một ngày, người ta ngỡ ngàng khi phát hiện No cũng là một trong những mắt xích trong đường dây buôn bán cái chết trắng. Bản án 15 năm khiến No phải bỏ lại hai đứa con thơ dại cho bố mẹ già nuôi.
Các cô gái HIV đi gieo cái chết
Có một thực tế hết sức nguy hiểm đang diễn ra ở ốc đảo Kẻ Nính là một số người, chủ yếu là con gái, phụ nữ, thường xuyên “đi làm ăn xa”, trong đó có những người đang mang trong mình căn bệnh HIV.
“Trong hồ sơ, giấy tạm trú, họ ghi là đi làm công nhân, lao động ở các nhà máy, xí nghiệp. Nhưng nhìn cách ăn mặc, phấn son lòe loẹt hay một số người bỗng chốc giàu lên trông thấy thì khó mà tin nổi. Có người đi đi biền biệt cả năm mới về, nhưng cũng có những người đi dăm bữa, nửa tháng, đặc biệt là những người đang bị HIV thì dù đi làm ăn ở đâu, vẫn về lấy thuốc uống theo định kỳ.
Như trường hợp của Vi Thị Tiên chồng chết vì HIV cách đây chưa lâu và bản thân mang trong mình căn bệnh HIV, đang trong thời kỳ uống thuốc kháng virus HIV nhưng Tiên vẫn thường xuyên đi vắng khỏi địa phương, có ai hỏi đi làm gì thì Tiên bảo “làm công nhân”.
Nhà nghèo, con cái nheo nhóc nhưng Tiên thay xe như thay áo, quần áo là lượt, mặt mũi lúc nào cũng phấn son, ăn mặc thì hết sức thời trang, mát mẻ. Hay như trường hợp của Vi Thị Thu có chồng cũng chết vì HIV, bản thân đang uống thuốc nhưng vì cuộc sống khó khăn, phải nuôi con nhỏ ăn học nên Thu vẫn thường xuyên vắng nhà đi “làm ăn xa”.
Theo ông Hoàng Cả Mun - một người dân ở thị trấn Tân Lạc, Quỳ Châu thì ở Kẻ Nính có rất nhiều trường hợp giống như Tiên và Thu. Họ bảo đi làm “công nhân”, nhưng dân làng ai cũng biết họ đi làm “dịch vụ nhạy cảm” tại các nhà hàng, khách sạn ở Nghi Xuân, Kỳ Anh, Hòn Câu… Mang trong mình căn bệnh đó mà đi làm những nghề như thế thì hết sức nguy hiểm, có thể truyền bệnh cho người khác, lây lan ra cả cộng đồng.
Cần cầu treo và cần… đủ thứ
Đã có dịp đi nhiều nơi ở các huyện miền núi nhưng có lẽ chưa nơi nào tôi thấy cơ sở hạ tầng lại thiếu thốn, nghèo khó như ở “ốc đảo” Kẻ Nính. Với hơn 384 hộ, 1.480 nhân khẩu nhưng ngoài ngôi trường mái tranh lụp xụp, thì nơi đây chẳng có một công trình gì đáng kể. Không nhà văn hóa hay điểm sinh hoạt cộng đồng nên mới chập tối, nhiều nhà dân đã tắt điện đi ngủ, chỉ còn lũ thanh niên choai choai tụ tập nhậu nhẹt, quậy phá, hò hét suốt đêm.
“Có hôm chúng say rượu, phê thuốc tháo ống bô xe máy, tay cầm dao kiếm tì xuống đường, chở 3 chở 5 chạy khắp thôn xóm, tạo nên tiếng kêu ghê rợn, đinh tai nhức óc. Người dân không ngủ được nhưng chẳng dám ai ra mặt nhắc nhở, sợ bị chúng hành hung. Thanh niên ở đây rất nhiều người mù chữ, nghiện hút, có đứa mang HIV nhưng không dám đi xét nghiệm hay công khai vì sợ không lấy được vợ ”, bà Vi Thị Tâm - một người dân cho biết.
Năm 2009, tại bến đò Kẻ Nính đã xảy ra vụ chìm đò, nhưng rất may 15 học sinh cấp 1 và cấp 2 được cứu sống. Cuối năm đó, UBND tỉnh Nghệ An đã cho phép lập dự án đầu từ xây dựng công trình cầu treo thuộc bản Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu. Ngày 20.10.2011, chiếc cầu treo được khởi công, mang theo bao hi vọng đổi thay cho vùng đất “ốc đảo” này. Tuy nhiên đã gần ba năm trôi qua, cầu treo Kẻ Nính vẫn bị… “treo”.
Một cán bộ lãnh đạo UBND huyện Quỳ Châu cho biết, theo kế hoạch công trình này sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng tháng 7.2012, nhưng do thiếu vốn nên đến nay vẫn còn dang dở.
“Nếu cầu treo Kẻ Nính hoàn thành, không chỉ rút ngắn khoảng cách đường đi ra trung tâm huyện cả chục cây số mà còn chấm dứt tình trạng cô lập của “ốc đảo” này vào mùa mưa lũ. Nói chung có cầu thì không chỉ kinh tế, văn hóa, xã hội của Kẻ Nính đều khởi sắc, phát triển đi lên, mà còn góp phần xóa bỏ tệ nạn ma túy và những cái chết HIV đau thương nơi đây”, ông Bùi Văn Yến – trưởng bản Kẻ Nính cho hay.
Là một người dân sinh ra và lớn lên ở Châu Hạnh, nay lại làm chủ tịch xã, ông Sầm Văn Thiết tường tận, hiểu rõ hơn ai hết về “ốc đảo” Kẻ Nính.
Theo ông Thiết thì đây là vùng đất rất đặc biệt, có những đặc thù khác với nhiều vùng đất khác của xã Châu Hạnh cũng như huyện Qùy Châu. Trong quá khứ, Kẻ Nính chịu hệ lụy nặng nề bởi các cuộc di cư ồ ạt từ khắp nơi về khai thác vàng, đá đỏ, gỗ lậu. Từ đây, các loại tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, trộm cắp, HIV… tràn về, gây nên tình trạng nghiện ngập, hút chích, lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Trong hơn 25 năm qua, vùng đất này chìm trong ma túy, bệnh tật, hàng trăm người nghiện ngập, hàng chục người đã chết vì HIV.
“Đây là vùng thuần nông nhưng đất đai canh tác tương đối ít, chủ yếu là đất trống, đồi trọc, bị xói mòn, hoang hóa, phương thức canh tác lạc hậu nên năng suất thấp kém. Đời sống nghèo khó, dân trí thấp kém, không có việc làm ổn định nên khi các chủ mỏ vàng, đá đỏ, khác thác gỗ về đây, dân bản đã kéo nhau đi làm thuê kiếm sống.
Và cũng chính từ đây dẫn đến tình trạng nghiện ngập, hút chích ma túy rồi lây nhiễm HIV cho nhau. Hàng ngày chứng kiến những cái chết tức tưởi mà không làm gì được, chúng tôi đau lắm”, ông Thiết tâm sự.
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo