Còn độc quyền vàng, còn tình trạng đầu cơ
Sau thời gian ngắn tạm lắng, ăn theo giá vàng thế giới tăng 8 – 9 USD/ounce trong các phiên giao dịch gần đây, giá vàng miếng SJC trong nước đã lập tức vọt lên sát mức 47 triệu đồng rồi vượt qua mức 47,1 triệu đồng/lượng. Với giá này, vàng miếng SJC tiếp tục cao hơn giá vàng nguyên liệu thế giới từ 3,5 – 4 triệu đồng/lượng; cao hơn giá vàng miếng, vàng nữ trang “4 số 9” khác trên dưới 3 triệu đồng/lượng.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chính cơ chế quản lý thị trường vàng hiện nay tạo nên nghịch lý. Khi chỉ với cái tên SJC, chưa phải thương hiệu vàng miếng quốc gia SBV và chưa đạt chuẩn quốc tế, loại vàng này đã nghiễm nhiên được hưởng chênh lệch quá cao.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng, trong vòng 20 năm qua lượng vàng nhập khẩu về trong nước khoảng 500 tấn. Trong khi đó, lượng vàng thỏi xuất sang các ngân hàng Thụy Sỹ chỉ chừng 1 tấn/năm, năm cao nhất cũng chỉ xuất khẩu được 20 tấn. Số vàng còn lại chủ yếu dùng để gia công thành vàng miếng SJC và các thương hiệu vàng khác, ở mức 12 triệu lượng.
Trước đây, thị trường vàng trong nước khá yên ả, chỉ chênh lệch với giá vàng nguyên liệu trên thế giới ở mức chạm ngưỡng đầu cơ, khoảng 300 – 400 ngàn đồng/lượng. Giữa các thương hiệu vàng miếng, giá bán cũng chênh lệch không đáng kể. Nhưng kể từ khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện lộ trình kiểm soát thị trường vàng bằng cách chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia; rồi nâng cao điều kiện kinh doanh vàng miếng để loại bỏ bớt các tổ chức kinh doanh vàng… người dân đổ xô đi chuyển đổi từ vàng nọ sang vàng kia khiến khối lượng vàng dự trữ khổng lồ trong dân đã bị xáo trộn nghiêm trọng.
Trong khi đó, thực hiện lộ trình kiểm soát thị trường vàng, lượng vàng miếng SJC đang lưu thông trên thị trường đến nay cũng chỉ có vài triệu lượng.
Mặc cho việc khan hiếm vàng miếng SJC, Ngân hàng Nhà nước cũng mới chỉ giao cho SJC dập mới, dập lại hơn 400.000 lượng và số này vẫn chưa hoàn tất. Số lượng vàng miếng SJC ít ỏi trước nhu cầu đổi, cất trữ vàng miếng lớn như vậy, việc thiếu vàng miếng SJC lưu thông trên thị trường là điều tất yếu. Tuy nhiên, theo giới kinh doanh vàng tại TP Hồ Chí Minh, kẽ hở này còn tạo cơ hội cho giới đầu cơ vàng.
Chỉ cần một vài ngân hàng mua gom vàng để chi trả cho người gửi hoặc một vài đầu nậu bỏ tiền thu gom trong vài phiên, thị trường sẽ trở nên cạn nguồn cung và giá vàng miếng SJC sẽ lập tức bị đẩy lên...
Vàng miếng SJC khan hiếm, đẩy giá lên cao nhưng phản ứng tăng nguồn cung để bình ổn thị trường lại quá chậm chạp. Để làm nhẹ trách nhiệm, đại diện SJC đã giải thích rằng cần thời gian để kiểm định chất lượng các loại vàng miếng khác trước khi nấu chảy, dập lại thành vàng SJC do nhiều loại vàng miếng không đạt chuẩn chất lượng “4 số 9”.
Trong khi đó, dù dư luận đã lên tiếng yêu cầu cho sử dụng vàng tạm nhập nhằm mục đích bình ổn trong kho ngoại quan để dập gấp, đưa vào thị trường, thì đến nay phía Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có động thái chính thức.
Như vậy, hiệu quả từ việc kiểm soát, bình ổn thị trường vàng đâu chưa thấy, chỉ biết rằng cơ chế quản lý thị trường hiện nay đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho người có vàng thương hiệu khác và tạo kẽ hở để giới đầu cơ hưởng lợi.
Anh Khuê (Theo CAND)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững