Cơn khát kỹ năng sống: Kẽ hở từ sự ôm ấp của gia đình
Môi trường sống, quan hệ tình thân gia đình chính là điều kiện vun bồi khả năng cảm xúc của trẻ.
Sự trưởng thành của con người là một tiến trình xuyên suốt nên không thể học một vài khóa kỹ năng sống là thành nhân. Những khóa học chỉ là phần hỗ trợ, phần chính là do cách giáo dục và môi trường trong gia đình.
Quên dạy con cách tìm cha mẹ khi bị lạc
Cách đây vài tuần, ở chợ Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình có một cháu bé bị lạc. Cháu đã sáu tuổi nhưng không biết số điện thoại ba mẹ. Rất may, sau hơn 2 tiếng đồng hồ tìm kiếm khi cháu đang đứng khóc ở quầy bán cá thì ba cháu tìm đến đón. Chị Hạnh, người mua cá có mặt lúc đó, nói: “Thấy thằng nhỏ mà tôi giật mình. Hè năm ngoái tôi cho thằng con bốn tuổi đi học mấy lớp kỹ năng sống mà quên chỉ cho nó khi bị lạc thì phải làm sao. Kiểu này phải về dạy cho con nhớ số điện thoại của mình mới được, lỡ đâu đi lạc người ta còn biết đường mà đưa về giùm”.
Một đứa trẻ đi lạc khiến gia đình mất ăn mất ngủ nhưng chuyện đó vẫn thường diễn ra, trên báo đài, tivi hay có tin nhắn tìm trẻ lạc. Trên diễn đàn www.webtretho chủ đề Cách tìm trẻ lạc thu hút rất nhiều người tham gia. Nhiều người cũng giật mình giống chị Hạnh. Có người mỗi lần tới đám đông đều dặn con nếu có bị lạc thì hãy quay lại vị trí A. đứng đó chờ người nhà, bất kể ai đến dắt đi cũng không đi.
Thành viên Linhcana chia sẻ kinh nghiệm: “Khi em còn nhỏ mẹ em bắt em học thuộc số điện thoại, tên bố mẹ, địa chỉ nhà. Vì thời đó ở bến xe gần nhà em có một bé bị đi lạc, chừng năm, sáu tuổi mà hỏi tên gì không biết. Hỏi bố mẹ tên gì thì nói tên là “bố mẹ”. Mình hay ôn bài cho đứa con gần ba tuổi: Con tên gì, mẹ/ba tên gì, nhà ở đâu, con học trường nào, lớp cô nào... Mình hỏi lúc tắm cho bé, lúc nằm chơi với con trước khi đi ngủ, lúc ôm con trên võng...”. Nhiều thành viên cho biết sẽ áp dụng cách này cho con.
Cũng tại diễn đàn này, thành viên MythuyenNJ cho biết: “Hôm mình có việc tại công an phường trên đường Huỳnh Tịnh Của, quận 3. Đang ngồi nói chuyện với mấy anh công an thì có bé kia (đeo bảng tên lớp 1) bước vào nói rất dạn dĩ: Mấy chú cho con mượn điện thoại gọi cho mẹ con, mẹ con nói 5 giờ đến đón con mà sao 6 giờ rồi con không thấy. Mình nghĩ bé hành động được như thế chắc phụ huynh chỉ dẫn chứ nhà trường thì không có dạy vụ này rồi”.
Ủ con
Chị Trinh có con gái tên Uyên, từ nhỏ đến lớn, chị không sai con làm bất cứ việc gì. Nhiều người thân khuyên hãy tập cho con làm việc trong nhà để con có khả năng tự lập. Đến năm lớp 10 chị mới bắt đầu tập cho con lặt rau, rửa chén, giặt quần áo. Mỗi lần Uyên giặt vài bộ đồ mất hết cả tiếng đồng hồ, làm xong em vào giường nằm xụi lơ, bỏ cả bữa cơm. Lo quá, chị đi tìm tư vấn tâm lý. Chuyên gia hỏi lần ra và kết luận chị đã ấp ủ con quá nhiều.
Nhà ở chung cư, con ba tuổi, chị vẫn không dám cho xuống dưới đất chơi. Mỗi lần con đi chơi đều phải có người giúp việc đặt vào xe đẩy đi vì sợ con chơi bẩn sinh bệnh. Con vào lớp 1 chị vẫn đút cho ăn từng muỗng. Nhà cách trường chỉ hơn cây số, chị không cho con tự đạp xe đi học mà để người lớn đưa đón cho đến nay.
Ông Trương Chí Thông, Trung tâm Ứng dụng Tâm lý học TP.HCM, cho rằng có những kỹ năng hình thành từ khi còn nhỏ mà chỉ có cha mẹ mới rèn cho con được. Chẳng hạn trẻ tám tháng tuổi đã có thể tự cầm bình bú sữa, trẻ hai tuổi đã phải tập ăn thức ăn đa dạng, thức ăn cứng, trẻ ba tuổi tự thay quần áo… “Nhiều phụ huynh hay than phiền là mỗi khi ăn thức ăn lạ như mỡ, vật cứng là con ói ra.
Tôi khuyên họ bỏ hẳn cái máy xay thức ăn đi và hãy cứ đưa cho đứa con một cục xương để tự con gặm trong sự quan sát của mình, trẻ sẽ bôi đầy tay, đầy miệng cũng chẳng sao, dần dần trẻ sẽ thích nghi thức ăn cứng. Có những đứa trẻ đã học cấp 2 rồi vẫn chưa biết chợ là cái gì vì mẹ chỉ đưa đi siêu thị, sợ đi chợ sẽ bẩn.
Tôi khuyên những bà nội trợ khi đi chợ hãy tranh thủ dắt con theo, vào đó nó sẽ biết cá là gì, mặc cả ra sao, không gian văn hóa trong chợ thế nào… Trực giác và thị giác đối với trẻ rất quan trọng. Kỹ năng được hình thành từ tất cả những trải nghiệm trong cuộc sống chứ không chỉ qua một vài khóa học là được” - ông Thông nói.
Dạy thế nào
Ông Ngô Minh Uy, Giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố, cho rằng kiểu yêu thương “cha mẹ là lá chắn che chở suốt đời con” là có hại cho con. Những trẻ này tới tuổi trưởng thành dễ trục trặc chuyện này chuyện kia trong đời sống. “Đứa trẻ được chăm bẳm quá cũng hại không kém như tình trạng trẻ bị bỏ bê. Đứa trẻ được ôm ấp quá sẽ không hình thành cái riêng, không biết bản thân mình là ai, không dám ra quyết định cho bản thân mà lúc nào cũng chờ đợi cha mẹ quyết định thay” - ông Uy lưu ý.
Theo chuyên viên tư vấn tâm lý tổng đài 1088 Lê Thị Minh Hoa thì có hai dạng kỹ năng sống. Với những kỹ năng sống còn thì cha mẹ phải là người dạy con. Những kỹ năng này gồm: cách ăn uống, cách băng qua đường, không chạm tay vào lửa hoặc ổ cắm điện, không nhảy xuống từ độ cao (có em nhỏ đã từng nhảy từ trên lầu xuống vì cứ tưởng mặc áo người dơi vào là biết bay như phim siêu nhân)…
Còn với những kỹ năng tâm lý xã hội như kỹ năng khám phá bản thân, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng giải quyết vấn đề… thì không phải cha mẹ nào cũng có thể dạy. Nếu có điều kiện, cha mẹ nên lựa chọn cho con đi học những kỹ năng xã hội này nhưng sự nghiệp trồng người phải trăm năm, phải được gom góp từng ngày trong chính gia đình.
Chuyên viên tâm lý Minh Hoa nhấn mạnh: “Cha mẹ cho con đi học kỹ năng sống về cách rèn luyện bản thân nhưng khi về nhà con làm lâu, làm chưa được, cha mẹ nóng ruột làm thay cho con thì cũng hỏng”.
Kỹ năng sống được hiểu là năng lực tâm lý xã hội, giúp các cá nhân thỏa mãn có hiệu quả những nhu cầu (sống, học tập, lao động, vui chơi…) và giải quyết thách thức (tệ nạn, căng thẳng, mâu thuẫn…) của cuộc sống. Bên cạnh đó, con người cần biết cách giữ sức khỏe khỏe mạnh, biết cách chống chọi với biến đổi của thiên nhiên, cần biết cách tồn tại khi tính mạng bị đe dọa hoặc đối phó với những bất trắc xảy ra… Thực tế hiện nay, giáo dục kỹ năng sống cho giới trẻ quá chú trọng năng lực tâm lý-xã hội có vẻ thiên về những vấn đề, những giải pháp tâm lý hơn so với những vấn đề sinh học, thể chất hoặc bản năng. TS ĐINH PHƯƠNG DUY
Một người lớn lên trở thành người như thế nào là do môi trường sống từ lúc nhỏ quyết định. Trẻ trong khoảng ba tuổi cho đến khi học hết cấp 3 thì vai trò của gia đình rất quan trọng, tiếp đó mới nói đến nhà trường và xã hội. Một môi trường tốt để trẻ thành nhân là nơi phải có những giá trị tốt như tấm gương của cha mẹ, anh em, các thành viên trong gia đình thể hiện sự quan tâm chia sẻ với nhau ra sao, trong gia đình có tủ sách nào để cho con khám phá thế giới và bồi dưỡng tâm hồn hay không… Để con thích ứng được với môi trường xung quanh, cha mẹ nên cho con cọ xát thực tế dưới tầm ngắm của mình rồi sau đó thả dần cho con tự bơi, cha mẹ lúc này sẽ trở thành chuyên gia cố vấn. Cha mẹ phải dành từng chút một thời gian ở bên con để tâm sự, chia sẻ, khuyến khích con bày tỏ quan điểm, cùng tranh luận về những câu chuyện đang diễn ra trong thực tế đời sống hằng ngày ở hàng xóm, trên báo chí, tivi… Ông TRƯƠNG CHÍ THÔNG, |
Theo PL TPHCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dê trên cao nguyên Tây Tạng: Có thể nhảy và chạy trên vách đá dựng đứng, tại sao không bị rơi?
Vén màn bí mật lịch sử khiến người Việt Nam gọi người Trung Quốc là ‘người Tàu’
Trong 'Tây Du Ký', đây là 5 người không có đối thủ khắp Tam giới, Phật Như Lai và Ngọc Hoàng đều không có tên trong danh sách
Một con cua có thể đầu độc 40.000 con chuột, tại sao cua lại độc? Chất độc đến từ đâu?
CLIP: Cuộc đụng độ kịch tính giữa sói đồng cỏ và báo sư tử, màn quyết chiến căng thẳng đến phút cuối
Tại sao ngựa ngủ đứng cả ngày lẫn đêm thay vì nằm? Đọc xong tôi có thêm kiến thức