Còn nặng sức ép thoái vốn
Còn chậm so với yêu cầu
Theo Bộ Tài chính, kế hoạch thực hiện trong 2 năm 2014 và 2015, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, ngân hàng tài chính, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư), ngoài ngành nghề sản xuất kinh doanh chính theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.
Giá trị các khoản đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thực hiện thoái vốn trong giai đoạn 2014- 2015 là 22.504.588 triệu đồng. Trong đó: lĩnh vực chứng khoán là 473.044 triệu đồng, lĩnh vực ngân hàng tài chính là 14.899.287 triệu đồng, lĩnh vực bảo hiểm là 1.543.976 triệu đồng, lĩnh vực bất động sản là 5.069.472 triệu đồng, Quỹ đầu tư là 518.809 triệu đồng.
10 tháng đầu năm 2014 số vốn thoái ước đạt 2.415.000 triệu đồng so với thực hiện năm 2013 (965.459 triệu đồng) tăng gấp 2,5 lần. Trong đó: Trong 9 tháng đầu năm 2014, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thực hiện thoái vốn được 2.300.137 triệu đồng; ước thực hiện trong tháng 10-2014 là 114.863 triệu đồng. Như vậy số vốn phải thoái hết đến năm 2015 là rất lớn, gấp gần 10 lần số vốn đã thoái trong 10 tháng đầu năm 2014 (20.089.588 triệu đồng). Sức ép hoàn thành tiến độ thoái vốn vẫn còn khá nặng nề.
Theo Bộ Tài chính, qua 2 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu, tình trạng các tập đoàn, tổng công ty đầu tư dàn trải, đầu tư vào các ngành, lĩnh vực không phải ngành kinh doanh chính đã từng bước được khắc phục và chấn chỉnh.
Các tập đoàn, tổng công ty đã quyết liệt trong việc thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hoá hoạt động trong lĩnh vực nhà nước không cần chi phối. Tuy nhiên, việc thoái vốn còn chậm so với yêu cầu, nguyên nhân là do thị trường chứng khoán và ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên việc thực hiện thoái vốn của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn đặc biệt là việc thoái vốn của các doanh nghiệp phải thực hiện theo nguyên tắc bảo toàn vốn.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành, ngày 15-9-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, đã cho phép doanh nghiệp được trích lập dự phòng bổ sung vào thời điểm xây dựng phương án chuyển nhượng vốn thay vì thời điểm cuối năm tài chính như quy định trước đây.
Muốn hoàn thành, phải có lộ trình cụ thể
Bộ Tài chính cho rằng, để hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo kế hoạch đề ra đến hết năm 2015 đối với 5 lĩnh vực nêu trên, các tập đoàn, tổng công ty phải có kế hoạch, lộ trình thoái toàn bộ số vốn đầu tư ngoài ngành còn lại.
Trong đó, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện ngay việc thoái vốn trong quý 4-2014. Trong quá trình triển khai, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, các đơn vị cần kịp thời báo cáo để các cơ quan có thẩm quyền xem xét và đưa ra biện pháp tháo gỡ.
Trả lời báo chí, nhiều lần Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh, mặc dù đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc đảm bảo an toàn, tránh bị lợi dụng gây thất thoát vốn Nhà nước.
Đến nay, lộ trình thoái vốn đã được các tập đoàn, tổng công ty có kế hoạch cụ thể, về thủ tục hồ sơ đã hoàn thiện nhưng đang phải thực hiện theo quy định. Mặc dù, so với những năm trước đây, con số thoái vốn đã có một số kết quả khả quan, tuy nhiên theo Bộ Tài chính vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thoái vốn. Đó là, các khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, một số thua lỗ, không bảo toàn được giá trị ban đầu. Trong khi đó, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hoá và thoái vốn.
Trong những tháng cuối năm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đẩy nhanh tốc độ thoái vốn. Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện đúng quy định của Chính phủ chế độ báo cáo về tình hình triển khai tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN; cũng như tình hình hoạt động, kết quả sản xuất kinh doanh, việc thực hiện nhiệm vụ được giao sẽ là yêu cầu của Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc thực hiện.
Đồng thời, công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu DNNN cũng tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Công Thương lý giải quy định gỡ bỏ “tầng nấc trung gian” trong kinh doanh xăng dầu
Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí
Cân nhắc kỹ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp