Tin tức - Sự kiện

Công dân Thủ đô gửi tâm thư tới Bộ trưởng Thăng

Ai chịu trách nhiệm về số tiền ấy trước nhân dân và chịu trách nhiệm như thế nào? Hay sau một thời gian thì đổi tướng, thay quân rồi... hòa cả làng . Vấn đề đặt ra là, bất kỳ một chính sách nào khi đi vào cuộc sống cũng là để phục vụ cho lợi ích của toàn dân nói chung chứ không phải một nhóm người nào đó, càng không phải để phục vụ cho động cơ của bất kỳ một cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào…

 

Chuyện Bộ GTVT đề xuất thu phí lưu hành ô tô, xe máy cá nhân tiếp tục thu hút được sự quan tâm của dư luận. Dưới đây là bức thư tâm huyến của một độc giả nhờ chuyển tới Bộ trưởng Đinh La Thăng, kèm theo lời nhắn: "xin ngài vui lòng kiên nhẫn đọc hết những dòng tâm huyết này".

Suốt tuần qua, khắp Thủ đô, từ các công sở cho tới quán trà ở vỉa hè, đâu đâu cũng bàn chuyện Bộ trưởng Đinh La Thăng đề xuất thu phí lưu hành ô tô, xe máy cá nhân. Tôi, với tư cách của một công dân Thủ đô cũng rất quan tâm tới vấn đề này, thưa Bộ trưởng, vì thế mà tôi theo dõi khá chăm chú, cũng tự mình tìm hiểu, đánh giá và xin gửi tới ngài vài lời chia sẻ chân thật. Để tránh hiểu lầm, xin nói thẳng với Bộ trưởng rằng, tôi không có ý định “hiến kế”, mà chỉ kể ra những điểm còn bất hợp lý trong cái kế hoạch mà theo tôi là “oái oăm” ấy của ngài.

Tôi biết ngài rất bận, thưa Bộ trưởng, nhưng cũng xin ngài vui lòng kiên nhẫn đọc hết những dòng tâm huyết này, bởi quan điểm của tôi cũng có thể được coi là đại diện của rất nhiều người dân nghèo khác. Chúng tôi tuy nghèo nhưng trọng chính nghĩa, thưa Bộ trưởng, thành thử không thể “ngậm bồ hòn” khi đã nhìn thấy quá nhiều sự mập mờ trong chuyện “thu phí lưu hành”.

Nhiều người cho rằng thu "phí lưu hành" không chống được ùn tắc

Bộ trưởng đã nêu quan điểm thu phí lưu hành xe là một giải pháp “đảm bảo công bằng xã hội”, người đi xe máy, ôtô phải cùng nhà nước xây dựng hạ tầng, người nghèo đi phương tiện công cộng thì không phải đóng góp. Trong cuộc trả lời trực tuyến chiều ngày 12/1 vừa qua, ngài một lần nữa khẳng định: “Mục tiêu của việc thu phí không chỉ để thực hiện mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, mà còn có mục tiêu tạo ra nguồn thu để đầu tư trở lại hạ tầng, để phục vụ người dân tốt hơn…”.

Nghe những phát biểu này có người bảo, Bộ trưởng thật… “khéo nói”. Thưa ngài Bộ trưởng, chẳng lẽ xưa nay không thu khoản phí này thì công bằng xã hội không được đảm bảo hay sao? Vậy từ xưa tới nay, kinh phí đầu tư cho ngành giao thông vận tải lấy từ đâu ra, chẳng phải từ ngân sách Nhà nước hay sao, mà ngân sách thì cũng là do toàn dân đóng góp đấy chứ, sao lại đặt nặng hai chữ “công bằng” như vậy, thưa Bộ trưởng?

Xe bus hiện nay thật quá tệ, đó là quan điểm của tôi (và chắc rằng cũng là nhận xét của đa số người dân), còn theo cách của ngài thì “chất lượng hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu”. Cũng vì cái lý do “chưa đáp ứng được yêu cầu” ấy, nên đa số người dân buộc phải đi bằng xe máy, thưa Bộ trưởng. Và còn một lý do khác hết sức quan trọng, xe máy chính là phương tiện phù hợp với đời sống và mưu sinh của người Việt Nam. Nói gở, chẳng may ngài trình phương án thu phí cao hơn thì dân chúng tôi vẫn phải nộp thôi, vì nếu không thì chắc chỉ còn nước để xe ở nhà rồi… chạy bộ đi làm.

Ai cũng nhận thấy có nhiều điểm còn bất hợp lý trong “bản tấu trình” của ngài, lộ nhất là chuyện tất cả xe biển xanh được đề nghị cho miễn phí (trong khi dịch vụ công đều thu tiền), còn vô vàn những người dân hàng ngày gồng mình vật lộn với cuộc sống trong mưa nắng thì lại phải chắt bóp từng hào để nộp phí… “lưu hành” cho chiếc xe máy, thứ phương tiện vốn đã phải gánh nhiều loại phí “hạng nặng” rồi. Ấy vậy mà trả lời trước nhân dân cả nước, ngài đã nói rằng “mức phí ấy chỉ là tượng trưng”. Thật không thể tin nổi!

Bộ trưởng Thăng cho rằng thu phí là đảm bảo công bằng xã hội

Tôi vốn là người thích đi nhiều, cũng vì thế mà tôi biết dân ta đang “lạm bàn” khá rôm rả về “bản tấu trình” của ngài, chỉ có điều là gần như tất cả các ý kiến đều thiên về hướng không đồng tình. Nếu lấy ý kiến công khai của nhân dân thì có lẽ chỉ có cán bộ nhân viên của ngành giao thông sẽ nhất loạt ủng hộ ngài, tôi đoán vậy. Còn lý do vì sao họ ủng hộ thì có lẽ chỉ ngài và họ biết mà thôi.

Không biết ngài đã nghe được bao nhiêu ý kiến phản hồi, còn riêng tôi thì xin nêu một loạt lý do khiến đa phần người dân không đồng tình với ngài, dù cho người ta vẫn gọi ngài là “Bộ trưởng hành động”, đó là: đa phần thu nhập của người dân sử dụng xe máy còn quá thấp; xe máy và ô tô hiện cũng đã chịu nhiều loại thuế khác nhau; vì sao lại đưa ra mức thu cao như vậy; vì sao chỉ có nhân dân ở 5 thành phố thuộc diện nộp phí; vì sao xe máy trên 175cm3 phải nộp tiền nhiều hơn; vì sao cùng là xe ô tô 4 chỗ nhưng phải nộp mức phí khác nhau căn cứ vào dung tích xi lanh thấp hơn hoặc cao hơn 2000cm3; vì sao lại có cả lý do giảm thiểu tác động môi trường khi mà mua xăng thì người tiêu dùng đã phải chịu phí rồi… nhưng điều quan trọng nhất là người dân không biết số tiền phí (nếu phải nộp) sẽ được sử dụng ra sao, ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm tới cùng nếu nguồn phí đó không phát huy hiệu quả, không được sử dụng đúng mục đích hoặc bị thất thoát?

Nói cách khác thì người dân chưa có niềm tin, rằng số tiền họ đóng góp cho cái gọi là “phí lưu hành phương tiện” sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, đó là “đường không tắc và chất lượng các con đường đạt tiêu chuẩn cao".

Tôi có đọc một bài báo mà trong đó ông Nguyễn Quốc Bình – Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội ví von rằng: “Người dân phải trả tiền trực tiếp cho việc lưu hành xe trên đường cũng có nghĩa là cơ quan quản lý đang bán sản phẩm ‘đường xá’ cho dân. Người dân nộp tiền sẽ được hưởng dịch vụ tốt, đó là đường đẹp, sẽ không còn những vụ tai nạn vì chất lượng đường kém, cũng không còn kẹt xe nữa. Nhưng nếu nộp tiền rồi mà đường vẫn tắc, chất lượng vẫn kém thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Chúng tôi cũng biết rằng, không đóng góp mà lại muốn hưởng dịch vụ tốt là điều phi lý, nhưng khi nhân dân đóng góp thì cơ quan quản lý có đảm bảo là sẽ sử dụng số tiền kia đúng mục đích không, liệu có đạt được những gì như đã công bố không và nếu không làm được như những gì đã nêu ra thì có trả lại tiền cho dân không?”.

Quả thực, vấn đề mà ông Bình nêu là rất sòng phẳng, đóng phí để hưởng “dịch vụ” tốt là chuyện đương nhiên, nhưng đằng này nộp phí xong cũng chưa biết là "dịch vụ" có tốt thật không thì thật khó hiểu, vì thế mà nhiều người dân cảm thấy ấm ức. Và cũng cần phải rành mạch với nhau rằng, người dân đóng phí để được hưởng những gì tốt đẹp hơn, chứ không phải là đóng phí thì mới được tiếp tục chạy xe trên đường.

Phát biểu trước báo chí, Bộ trưởng đã tỏ ra rất “cẩn thận”, rằng: “Tôi không thể khẳng định các biện pháp này giải quyết được hết tai nạn và ùn tắc mà chỉ góp phần giảm thiểu. Khi cuộc sống còn phát triển thì còn tai nạn, những nước tiên tiến như Mỹ cũng chưa bao giờ khẳng định hết tai nạn, ùn tắc. Quan điểm của tôi là phải thực hiện các biện pháp khẩn trương, quyết liệt và hiệu quả”.

Tới lúc này, ai cũng thấy Bộ trưởng đã rất sốt sắng và “khẩn trương” với kế hoạch thu phí, vì như chính ngài đã tự nhận trong cuộc giao lưu trực tuyến (12/1) rằng “nếu không thu phí thì lấy đâu ra đủ tiền mà đầu tư cho giao thông”. Ngài cũng “quyết liệt” khi nói sẽ gửi văn bản tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội phản ánh việc một số đại biểu không đồng tình với đề xuất thu phí lưu hành phương tiện. Thế nhưng, “hiệu quả” là điều quan trọng nhất thì đáng tiếc mới dừng lại ở những phát biểu tương đối “hàn lâm”, chứ chưa có một kế hoạch cụ thể đến với người dân (?).

Vấn đề đặt ra là, bất kỳ một chính sách nào khi đi vào cuộc sống cũng là để phục vụ cho lợi ích của toàn dân nói chung chứ không phải một nhóm người nào đó, càng không phải để phục vụ cho động cơ của bất kỳ một cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào… Nếu chứng minh được điều đó, sẽ chẳng một người dân nào lại đi phản đối cái việc có lợi cho chính mình và cộng đồng đâu, thưa Bộ trưởng. Nói như vậy để tái khẳng định rằng, người dân sẵng sàng ủng hộ Bộ trưởng, nhưng họ cần gì? Đó chính là những giá trị của niềm tin, cụ thể hơn thì đó là sự minh bạch, người dân muốn biết hàng nghìn tỷ đồng đóng góp mỗi năm được dùng vào việc gì? Dùng như thế nào? Tiến độ ra sao? Ai chịu trách nhiệm về số tiền ấy trước nhân dân và chịu trách nhiệm như thế nào? Hay là sau một thời gian thì “đổi tướng, thay quân” rồi lại… “hòa cả làng”?

Nói như một vị Bộ trưởng tại kỳ họp Quốc hội vừa qua thì nếu không minh bạch sẽ không làm được gì cả, vì “minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp”.
Theo GDVN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo