Ngành chăn nuôi sẽ đón nhận thách thức lớn từ TPP và AEC
Tại Hội thảo tác động của Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến ngành chăn nuôi Việt Nam do Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 9/9, nhóm nghiên cứu VEPR đã đưa ra những tác động của việc gia nhập TPP và AEC đến ngành chăn nuối.
Sức ép từ nước ngoài
Theo nghiên cứu của VEPR, trong tiến trình hội nhập sắp tới, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực nhiều nhất. " Khi hội nhập TPP và AEC nhiều sản phẩm của các đối thủ có sức cạnh lớn trong lĩnh vực nông nghiệp trên thế giới như Mỹ, Úc, New Zealand, Canada,…sẽ có nhiều cơ hội hơn “tấn công” vào thị trường Việt Nam. Trong khi đó, chăn nuôi ở Việt Nam chủ yếu vẫn tập trung nhỏ lẻ ở hộ gia đình, hộ chăn nuôi nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỉ lệ cao", ông Nguyễn Đức Thành cho biết.
Cũng theo ông Thành, các nước Mỹ, Úc, New Zealand…đều là những nước có nền nông nghiệp rất mạnh, sản phẩm của họ có khả năng tác động làm thay đổi cấu trúc thị trường trong toàn bộ khối TPP nói chung và ảnh hưởng đến cấu trúc ngành chăn nuôi của các nước khác và ngành chăn nuôi Việt Nam nói riêng.
Đại diện nhóm nghiên cứu VEPR cũng cho rằng, khi hội nhập TPP và AEC, sản lượng của các ngành chăn nuôi đều giảm, ngoại trừ nhóm động vật sống. Trong đó, sản lượng phân ngành thịt các động vật khác (lợn, gia cầm,…) bị thiệt hại mạnh nhất.
Bên cạnh đó, sản lượng giảm cũng khiến cho cầu lao động trong các ngành chăn nuôi giảm rõ rệt, cả đối với lao động phổ thông và lao động có kỹ năng, dịch chuyển dòng thương mại và phúc lợi của ngành chăn nuôi cũng là những yếu tố bị ảnh hưởng sau khi tham gia TPP và gia nhập AEC.
Cũng theo ông Thành, hiện nay số các doanh nghiệp tham gia vào ngành chăn nuôi còn rất non trẻ và mới, quy mô chưa lớn đang đặt ra lo ngại về khả năng thích ứng khi hội nhập. Trong khi đó, doanh nghiệp mới là nơi có thể kết nối đầu vào, đầu ra, nguồn lực và nắm bắt được thị trường để mang tính chủ động hơn. Các doanh nghiệp Việt có thể sẽ bị lấn át bởi các doanh nghiệp có sức cạnh tranh lớn đến từ nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan…
Nỗ lực để bước vào hội nhập
Trước những thách thức lớn của ngành chăn nuôi khi bước vào hội nhập, nhóm nghiên cứu VEPR cho rằng, để nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của các sản phẩm trong nước là cần chú trọng khuyến khích đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, đi cùng với hệ thông giết mổ tập trung và phân phối, bán lẻ có làm lạnh.
Nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị, ngoài việc cải cách các yếu tố thương mại, phi thương mại cũng cần phải cải cách về điều kiện kỹ thuật. Trong khía cạnh ngành chăn nuôi, cần cụ thể hóa và đẩy nhanh quá trình thực hiện các đề án tái cấu trúc, các kế hoạch hành động.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng nhận định, Nhà nước nên có định hướng rõ ràng hơn về thuế phí, đặc biệt trong khuyến khích áp dụng công nghệ cao, hợp tác xã kiểu mới. "Chăn nuôi ở quy mô nông hộ không nên được khuyến khích quá đà, các hỗ trợ cho nông hộ nên tập trung chủ yếu vào chuyển đổi từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn nhờ liên kết thông qua hợp tác xã hoặc chuyển đổi sang các ngành nghề khác".
Nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị, ngành chăn nuối nên ưu tiên vào các phân ngành không phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ hàng ngoại nhập do thói quen tiêu dùng (thịt tươi hơn thịt đông lạnh), do các rào cản thương mại tự nhiên (sữa tươi, trứng…) hoặc các sản phẩm mang tính đặc sản như gà thả đồi, lợn mán, lợn cắp nách… Nếu áp dụng các biện pháp tạm thời như lộ trình cắt giảm thuế quan, các biện pháp phi thuế quan thì cũng không nên duy trì quá lâu.
"Các giải pháp phát triển thị trường của doanh nghiệp cần được gắn liền với các chương trình quốc gia về khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa, đặc biệt là những mặt hàng chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm", nhóm nghiên cứu khuyến nghị.
Cũng theo nhóm nghiên cứu VEPR, hiện nay vấn đề thiếu minh bạch thông tin thị trường cũng là một trong những cản trở lớn với các doanh nghiệp. Chính vì thế, cần đề xuất lập quy chuẩn về truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm ngành chăn nuôi, cho phép truy xuất được các thành phần, ngày sản xuất, vùng nuôi, trại giống… qua các giai đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương