Phân tích

Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tạo ra làn sóng đầu tư vào Việt Nam

(DNVN) - Đó là nhận định của ông Đào Văn Hùng - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển tại buổi Hội thảo “Thuận lợi và thách thức trong thu hút đầu tư nước ngoài vào một số ngành của Việt Nam khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vừa qua.

Theo nhận định của ông Đào Văn Hùng - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập sẽ mang lại nhiều thuận lợi và thách thức trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Ông Hùng cho biết, thu hút FDI của Việt Nam từ các nước trong AEC chủ yếu từ 3 nước là Singapore, Malaysia và Thái Lan (chiếm 95% tổng FDI đến từ AEC tính đến tháng 6/2015). Quy mô vốn bình quân 1 dự án của ASEAN là 20,7 triệu USD/dự án (trung bình cả nước khoảng 14 triệu USD/dự án) và các dự án tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 1009 dự án và 22,2 tỷ USD tổng vốn đầu tư (chiếm 38% tổng số dự án và 40,8% tổng số vốn đầu tư từ các nước trong AEC).

Quang cảnh Hội thảo.

Cũng theo ông Hùng, việc Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập vào cuối tháng 12/2015 tới cùng với xu hướng tăng lên của FDI toàn khu vực sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư mới vào ASEAN, trong đó có Việt Nam, tạo ra một thị trường thống nhất với quy mô gấp 7 lần quy mô của thị trường đơn lẻ từng quốc gia và GDP bình quân đầu người sẽ cao gấp 2,3 lần GDP bình quân đầu người của Việt Nam. Góp phần làm gia tăng lợi ích cho các nhà đầu tư, bên cạnh đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư có thể tiêu thụ hàng hóa trên toàn thị trường ASEAN.

Ngoài ra, thị trường nguyên liệu được mở rộng làm tiết kiệm thời gian và giảm chi phí sản xuất cho các nhà đầu tư. Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) và Hiệp định khung về hội nhập các ngành ưu tiên trong ASEAN làm tăng tính hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư (khi nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam và doanh nghiệp này đầu tư sang các nước ASEAN khác sẽ được hưởng tất cả các ưu đãi như một nhà đầu tư trong AEC).

Vị lãnh đạo Học viện Chính sách và Phát triển cũng cho rằng, bên cạnh những thuận lợi mà Cộng đồng kinh tế ASEAN mang lại, Việt Nam cũng sẽ phải đón nhận nhiều thách thức. Cụ thể, theo ông Hùng, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam những năm gần đây cải thiện không đáng kể so với các nước ASEAN khác.

Bên cạnh đó, môi trường đầu tư chưa hấp dẫn và đang mất dần các lợi thế cạnh tranh về lao động; các ngành thu hút được nhiều FDI và có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam cũng chính là các ngành được ưu tiên phát triển của nhiều nước ASEAN.

Ngoài ra, chiến lược mở rộng cơ sở sản xuất Thái Lan đã khiến khả năng cạnh tranh của Thái Lan tăng cao trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, khắc phục điểm yếu về giá lao động; tiềm lực tài chính từ các ngân hàng Trung Quốc cho các doanh nghiệp Thái Lan, Malaysia, Indonesia... khiến cho cơ hội thu hút vốn đầu tư ngoại của Việt Nam đối mặt không ít khó khăn.

 

Cũng theo ông Hùng, Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng sẽ mang lại nhiều thuận lợi và thách thức trong thu hút đầu tư của Việt Nam vào một số ngành đang được chú trọng là: dệt may và da giày, điện tử, ô tô, hàng không và nông nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hơn nữa trình độ lao động của chúng ta vẫn còn hạn chế nên việc nghiên cứu Đề án những thách thức, thuận lợi trong thu hút đầu tư nước ngoài vào một số ngành khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN là vô cùng cần thiết.

HOÀNG THIÊN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo