Công dụng của dầu gạo
(kienthuc) Ngoài việc sử dụng trong thực phẩm, dầu gạo còn được sử dụng nhiều trong lĩnh vực mỹ phẩm, làm đẹp, đặc biệt là trong các dòng sản phẩm dưỡng da, chống lão hóa...
Nguồn dưỡng chất thiên nhiên vô giá
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, lớp vỏ lụa của hạt gạo là nơi lưu giữ một lượng dồi dào vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo thiết yếu, các chất dinh dưỡng và chống oxy hóa, giúp phòng ngừa nhiều bệnh tật và tăng cường sức khoẻ. Đây chính là nguồn nguyên liệu quý giá để sản xuất ra một loại dầu ăn cao cấp với những lợi ích tuyệt vời cho sức khoẻ - Dầu gạo (Rice bran oil). Dầu gạo đẳng cấp và khác biệt so với những loại dầu ăn thông thường nhờ thành phần rất giàu những chất chống oxy hóa tự nhiên như Tocopherol, Tocotrienol, Gamma Oryzanol, 80% axit béo không no và một số loại vitamin như E, K. Trong đó, Gamma Oryzanol là thành phần đặc biệt nhất, chỉ được tìm thấy trong dầu gạo.
Gamma Oryzanol được biết đến lần đầu vào những năm 1950, đến đầu những năm 1960, người Nhật đã biết sử dụng Gamma Oryzanol như một loại thuốc cho các bệnh nhân có biểu hiện lo lắng. Đến cuối những năm 1980, trị liệu Gamma Oryzanol đã được công nhận và cho phép dùng trong việc chữa trị các trường hợp bị cholesterol trong máu cao. Gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy, công dụng nổi bật nhất của Gamma Oryzanol là giúp làm chậm đáng kể quá trình lão hóa của cơ thể.
Mặc dù Vitamin E nổi tiếng là một chất chống oxy hóa hiệu quả nhưng Gamma Oryzanol còn có tác dụng mạnh gấp 4 lần Vitamin E trong việc ngăn chặn các mô bị oxy hóa. Ngoài ra, Gamma Oryzanol còn có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi tia cực tím, do đó người ta còn sử dụng Gamma Oryzanol trong các loại mỹ phẩm như kem chống nắng, giúp bảo vệ làn da khỏi các hư tổn do oxy hóa gây ra dưới tác động của môi trường bên ngoài.
Ngoài những công dụng tốt cho sức khoẻ, Gamma Oryzanol có trong dầu gạo còn có tác dụng dễ tiêu hóa và giúp ngon miệng khi trộn với salad; tạo hương vị nhẹ nhàng đặc biệt thích hợp cho món rán, nướng mà không làm thay đổi mùi vị của thực phẩm sau khi nấu. Dầu gạo có sức chịu nhiệt và điểm bốc khói rất cao (khoảng 2900C), do vậy rất phù hợp để rán, chiên, xào mà không làm thức ăn trở nên khô cứng, dầu bị bốc khói, hay sủi bọt. Khi chế biến cùng thực phẩm, dầu gạo cũng được sử dụng bình thường như các loại dầu thực vật khác. Tuy nhiên, do dầu gạo chứa hàm lượng axit béo không no cao nên dễ bị oxy hóa hơn. Vì thế, dầu gạo cần được bảo quản cẩn thận, đậy nắp kín sau khi sử dụng và để xa nguồn nhiệt, ánh sáng.
Xu hướng tiêu dùng mới
Hiện nay, dầu gạo đang được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan... với số lượng tiêu thụ lớn. Càng ngày, nhu cầu sử dụng dầu gạo càng tăng và đang trở nên phổ biến ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Australia, New Zealand... Bởi nơi đây, người dân ngày càng quan tâm đến giá trị dinh dưỡng mà dầu ăn mang lại chứ không chỉ sử dụng dầu ăn vì một mục đích đơn thuần là chế biến thực phẩm.
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo