"Cây ATM" ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát gạo miễn phí giữa tâm dịch Sài Gòn
Việt Nam nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19 một liều tiêm theo công nghệ Mỹ / Những hiểu nhầm và sự thật về vắc-xin COVID-19
Ý tưởng về cây ATM phát gạo cho người nghèo ứng dụng trí tuệ nhân tạo không mới, bởi từ năm 2020 một cây ATM gạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã từng được lắp đặt tại tâm dịch Đà Nẵng. Thế nhưng, giữa thời điểm tháng 7/2021, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh đang diễn ra căng thẳng, nhiều người lao động mất việc, một lần nữa cây ATM gạo của “mạnh thường quân” lại xuất hiện, lan tỏa việc làm thiện nguyện, nhân văn phần nào giúp người nghèo vượt qua đại dịch.
Đây là cây ATM gạo do doanh nhân Lê Hải Bình - Chủ tịch AXYS Group và Mắt Bão cùng cộng sự sáng lập. Cây ATM gạo được đặt tại 12A Núi Thành, Phường 12, Tân Bình và bắt đầu phát gạo từ ngày 13/7, mỗi suất được nhận 5kg. Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, cây ATM này có thể nhận diện được người đã được nhận gạo (hệ thống có thể nhận diện khuôn mặt chính xác từ 98% trở lên nếu không đeo khẩu trang và từ 95% trở lên nếu đeo khẩu trang).
Một người dân đang nhận gạo. Ảnh: FB Lê Hải Bình.
Hỗ trợ hoạt động phát gạo là tổng đài ATM gạo giúp bà con không cần xếp hàng chờ đợi, không tập trung đông người. Chỉ cần gọi lên tổng đài theo số 028 77777788, hệ thống sẽ tự động tra cứu và báo giờ bà con đến nhận gạo. Sau đó, tin nhắn của Mắt Bão sẽ được gửi đến điện thoại người dân.
Chỉ cần gọi hotline 028 77777788 để được xếp lịch nhận gạo.
Theo qui định tại điểm đặt cây ATM gạo, bà con được đề nghị xếp hàng, rửa tay sát khuẩn, đứng theo vạch và nhìn vào camera để hệ thống nhận diện. “Bà con cần 7 ngày đến lấy một lần”, Ban tổ chức dặn dò.
Nói về cây ATM gạo, trên trang Facebook cá nhân, doanh nhân Lê Hải Bình chia sẻ: “Tình cờ đọc đâu đó những chia sẻ về bà con khó khăn trong mùa dịch, mình muốn triển khai ngay việc làm ATM gạo và nhu yếu phẩm”.
Doanh nhân Lê Hải Bình.
Doanh nhân này cho hay: Trao đổi với team AXYS, ngay trong ngày, anh em trong công ty đã lên phương án thiết kế vẽ tay để có thể nhanh chóng chế tạo. Huy động mọi nguồn lực và mối quan hệ, rất nhanh chóng team AXYS đã sở hữu được van điện chuyên đổ thức ăn được ứng dụng trong nông nghiệp để ra gạo (mua từ Hà Nội), rồi mua bồn inox, thực hiện các công việc hàn, cưa, cắt... Sau đúng 1 ngày, phiên bản cơ khí của máy đã hoàn chỉnh. Khi được cấp điện, máy đã cho ra gạo một cách suôn sẻ.
Chi phí để làm ra 1 cây ATM gạo khoảng 5 triệu đồng với thùng gạo inox tầm 2,5 triệu đồng, van điện 900.000 đồng, chuông cửa màn hình loại rẻ mua trên Shopee giá từ 700.000 – 900.000 đồng/bộ…
Người dân đảm bảo giãn cách 2m khi xếp hàng nhận gạo. Ảnh: Facebook Lê Hải Bình.
“Vâng, làm cái ATM thì quá đơn giản, ít nhất là đối với team Axys siêu rảnh tụi mình. Cái quan trọng hơn cả là gạo”, doanh nhân Lê Hải Bình nhấn mạnh: Khi mình đăng status hỏi chỗ mua gạo, rất nhiều bạn bè Facebook chỉ chỗ, hướng dẫn nhiệt tình. Thậm chí nơi bán gạo đã tin tưởng chuyển xong 6 tấn đầu tiên mà… chưa cần nhận tiền, cho dù mới biết nhau qua Facebook. Rồi được anh em cộng sự trong công ty bảo nhau góp trước 10 tấn để phát cho bà con. Khi mình chưa chính thức chạy thì con số đã lên gấp 3 lần dự tính.
Hiện nay team AXYS đang tiếp tục hoàn thiện máy, phần mềm, quy trình để bà con cần gạo có được gạo cũng như nhu yếu phẩm khác trong tương lai. Ngoài ra website atmgao.com cũng đang được xây dựng và hoàn thiện để mọi người có thể biết gạo của mình ủng hộ đang được sử dụng ra sao.
Cây ATM đang phát gạo. Ảnh: Facebook Lê Hải Bình.
“Phải ra tận nơi mới thấy nhiều chuyện và phải cải tiến mỗi ngày. Chuyện không vui đó là: Có bà con xếp hàng lấy gạo xong, quay ra sau xếp hàng tiếp. Khi máy báo đỏ và không ra gạo, cô cẩn thận chạy về nhà thay áo và… ra nhận tiếp nhưng máy vẫn đỏ. Cô không đáng trách, nhưng tụi con vẫn phải từ chối vì còn nhiều người khác như thế - những người cần hiện thông báo màu xanh. AI, Deep Learning không phải để làm khó ai, chỉ để gạo của những ai có tấm lòng đến được nhiều người cần hơn nữa”, vị doanh nhân này chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo