Những hiểu nhầm và sự thật về vắc-xin COVID-19
Vắc xin COVID-19: Hai mũi tiêm hai loại vắc xin khác nhau có được không? / Covid-19: Đại dịch thay đổi thế giới
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 có khiến người tiêm bị kết quả dương tính trong xét nghiệm kháng thể không? Hay thông tin về việc một số nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19 nhưng vẫn mắc bệnh, đã khiến nhiều người phải thắc mắc về loại chủng ngừa này. Sau đây là một số hiểu nhầm và sự thật về vắc xin COVID-19.
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 có khiến người tiêm bị kết quả dương tính trong xét nghiệm kháng thể không?
Đây là một thắc mắc của rất nhiều người. Theo trang web CDC của Mỹ, thì câu trả lời là “Không”. Không có loại vắc-xin COVID-19 được cho phép và khuyên dùng nào gây ra tình trạng xét nghiệm dương tính với các xét nghiệm vi-rút, loại xét nghiệm được dùng để kiểm tra xem liệu một người có đang mắc bệnh không.
Ngoài ra, nếu cơ thể bạn phát triển phản ứng miễn dịch với việc tiêm chủng, thì đó chính là mục đích của vắc-xin. Nghĩa là, trong trường hợp này, người tiêm có thể xét nghiệm dương tính với một số xét nghiệm kháng thể. Xét nghiệm kháng thể cho biết người đó đã từng bị lây nhiễm trước đây và có thể được bảo vệ khỏi loại vi-rút này ở một mức độ nhất định. Các chuyên gia hiện đang tìm hiểu xem việc tiêm chủng COVID-19 có thể ảnh hưởng như thế nào đối với kết quả xét nghiệm kháng thể.
Đã tiêm đủ 2 liều vắc xin COVID-19 nhưng vẫn mắc bệnh, vì sao?
Đây là một câu hỏi hoàn toàn khác với câu hỏi ở trên. Ở câu hỏi trên, vấn đề cần giải quyết là người tiêm vắc xin COVID-19 có thể bị xét nghiệm dương tính khi xét nghiệm virus hay không. Còn câu hỏi này, vấn đề đặt ra là đã tiêm đủ 2 liều vắc xin COVID-19 nhưng người tiêm vẫn mắc bệnh.
Vừa qua, thông tin một số nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19 nhưng vẫn mắc bệnh, khiến nhiều người lo ngại và băn khoăn. Tuy nhiên, theo giải thích của TS.BS Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thì điều này khá dễ hiểu. Trên báo Lao Động, bác sĩ Phạm Quang Thái cho rằng vắc xin COVID-19 không đem lại sự bảo vệ tức thì. Tiêm vaccine rồi vẫn có thể bị mắc bệnh. Ít nhất 12-14 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên, cơ thể mới bước đầu có tác dụng. Sau tiêm mũi thứ 2, vaccine COVID-19 đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu từ một tháng trở lên. Ngoài ra, hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60-90% tùy theo từng loại vaccine.
Đối với những người chỉ mới tiêm 1 mũi vắc xin, tỷ lệ bảo vệ chỉ khoảng 30-50%, thậm chí thấp hơn. Vì vậy, họ vẫn có khả năng nhiễm bệnh. Đặc biệt, nếu vừa tiêm xong, cơ thể chưa đủ thời gian tạo ra kháng thể, mà phải sau khoảng 12 ngày trở lên, cơ thể mới có kháng thể. Chính vì thế, người dân vẫn cần thận trọng và đảm bảo đủ nguyên tắc 5K.
Tiêm vắc xin COVID-19 phải sốt, đau người mới tốt, có đúng không?
Đây là câu hỏi rất nhiều người thắc mắc sau khi tiêm vắc xin COVID 19. Một số người có những phản ứng như sốt, đau người, tuy nhiên một số người có thể không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ. Vậy đâu mới là trường hợp ‘tốt”?
Trên báo điện tử VTCNews, theo giải thích của PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, sau tiêm vắc xin, cơ thể sẽ tiếp xúc với một kháng nguyên lạ.
Phản ứng bình thường của cơ thể là huy động hệ miễn dịch chống lại và tiêu diệt kháng nguyên lạ đó, đồng thời tạo trí nhớ miễn dịch, hay còn gọi là kháng thể để chống lại những đợt tấn công tiếp theo của kháng nguyên. Những phản ứng miễn dịch đó biểu hiện ra bên ngoài như đau tại chỗ tiêm, sốt, đau người, đau mệt mỏi… ở mức độ khác nhau.
Tuy nhiên, tùy cơ địa mỗi người phản ứng sau tiêm vaccine là khác nhau. Không phải ai sau tiêm cũng có biểu hiện phản ứng và điều này không phản ánh việc tạo miễn dịch của vaccine. Để đánh giá miễn dịch sau tiêm chính xác cần xét nghiệm máu định lượng kháng thể.
Việc cơ thể phản ứng hay không phản ứng sau tiêm vắc xin không nói lên được người đó có hay không có kháng thể. PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng về cơ bản có hay không sinh kháng thể phụ thuộc từng người, và người đó phải được xét nghiệm mới biết được. Cũng không thể khẳng định người bị sốt sau khi tiêm sẽ có kháng thể hoặc nhiều kháng thể hơn người không phản ứng gì. Việc này tuỳ thuộc vào thể trạng của từng người. Thậm chí có trường hợp người gặp phản ứng nhưng không sinh nhiều kháng thể bằng người chẳng có phản ứng gì.
Câu trả lời ngay là Không. Việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 sẽ không làm bạn bị nhiễm từ, kể cả tại vị trí tiêm chủng, thường là ở bắp tay. Vắc-xin ngừa COVID-19 không chứa các thành phần tạo ra trường điện từ tại vị trí tiêm. Toàn bộ vắc-xin ngừa COVID-19 đều không chứa kim loại như sắt, ni-ken, co-ban, li-ti và hợp kim đất hiếm cũng như các sản phẩm chế tạo như vi điện tử, điện cực, ống na-nô các-bon và chất bán dẫn dây na-nô. Ngoài ra, một liều vắc-xin ngừa COVID-19 thông thường chưa đến một milliliter, không đủ để nam châm có thể bị hút vào điểm tiêm chủng trên bắp tay của bạn, nếu vắc-xin chứa kim loại gây từ tính.
Nếu có ý định chuẩn bị sinh con, tiêm vắc-xin COVID-19 có an toàn không?
Có an toàn. Nghĩa là, nếu bạn đang cố gắng mang thai hoặc muốn mang thai trong tương lai gần, bạn vẫn có thể tiêm vắc-xin COVID-19.
Hiện không có bằng chứng cho thấy việc tiêm chủng vắc-xin COVID-19 gây ra bất kỳ vấn đề nào đối với việc mang thai, kể cả sự phát triển của nhau thai. Ngoài ra, không có bằng chứng cho thấy tác dụng phụ của vắc-xin, kể cả vắc-xin ngừa COVID-19 liên quan tới các vấn đề về thụ thai.
Giống như tất cả các loại vắc-xin, các nhà khoa học đang nghiên cứu kỹ lưỡng về vắc-xin COVID-19 để phát hiện các tác dụng phụ hiện tại và sẽ tiếp tục nghiên cứu trong nhiều năm nữa.
Vắc-xin COVID-19 có làm thay đổi ADN không?
Không. Vắc-xin COVID-19 không làm thay đổi hay ảnh hưởng đến ADN của người tiêm.
Hiện có hai loại vắc-xin COVID-19 được cho phép và khuyên dùng tại Mỹ là vắc-xin truyền tin RNA (mRNA) và vắc-xin véc-tơ vi-rút. Cả hai loại vắc-xin COVID-19 mRNA và véc-tơ vi-rút đều hướng dẫn các tế bào trong cơ thể chúng ta xây dựng hàng rào bảo vệ chống virus gây bệnh COVID-19. Tuy nhiên, vật liệu đó không xâm nhập vào nhân tế bào nơi chứa ADN. Điều này có nghĩa là vật liệu gen trong vắc-xin không thể tác động hoặc tương tác với ADN của chúng ta dù dưới bất kỳ hình thức nào. Tất cả vắc-xin COVID-19 đều hỗ trợ hàng rào bảo vệ tự nhiên của cơ thể để phát triển khả năng miễn dịch đối với bệnh một cách an toàn.
Vắc xin mRNA và các loại vắc-xin véc-tơ vi-rút là hai loại vắc-xin COVID-19 hiện đang được phép sử dụng.
Vắc-xin COVID-19 mRNA là gì?
Vắc-xin Messenger RNA, còn được gọi là vắc-xin mRNA, thuộc một số loại vắc-xin COVID-19 đầu tiên được phép sử dụng tại Mỹ. Đây là loại vắc-xin mới để bảo vệ chống lại các bệnh lây nhiễm.
Để kích hoạt phản ứng miễn dịch, nhiều vắc-xin đã đưa mầm bệnh yếu hoặc bất hoạt vào cơ thể chúng ta. Nhưng vắc-xin mRNA không hoạt động theo cách đó. Ngược lại, vắc xin mRNA dạy các tế bào của chúng ta cách tạo ra một protein - hay chỉ là một mảnh protein - kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể chúng ta. Phản ứng miễn dịch đó sẽ tạo ra các kháng nguyên để bảo vệ chúng ta không nhiễm bệnh nếu có vi-rút thực sự xâm nhập cơ thể chúng ta.
Cụ thể, đầu tiên, vắc-xin COVID-19 mRNA được tiêm bắp tay trên. Sau khi các hướng dẫn (mRNA) vào trong tế bào miễn dịch, các tế bào dùng chúng để tạo ra mảnh protein. Sau khi tạo ra mảnh protein, tế bào phá vỡ hướng dẫn đó và loại bỏ chúng.
Tiếp theo, tế bào thể hiện mảnh protein đó trên bề mặt của nó. Hệ miễn dịch của chúng ta nhận ra rằng protein đó không quen thuộc và bắt đầu tạo dựng phản ứng miễn dịch và tạo ra các kháng thể, giống như những gì xảy ra trong nhiễm bệnh tự nhiên chống lại COVID-19.
Cuối quy trình, cơ thể chúng ta đã học cách bảo vệ chống lại các virus lây nhiễm trong tương lai. Lợi ích của vắc-xin mRNA, giống như tất cả các loại vắc-xin, là những người được tiêm chủng sẽ có được sự bảo vệ mà không phải chịu các hậu quả nghiêm trọng nếu nhiễm bệnh COVID-19.
Đặc điểm nổi bật của vắc xin mRNA là chúng không dùng vi-rút còn sống gây bệnh COVID-19 và chúng không ảnh hưởng hoặc tương tác với ADN của cơ thể con người. Bởi vì, mRNA không bao giờ xâm nhập nhân tế bào, nơi ADN (vật liệu gen) được lưu giữ. Tế bào bị phá vỡ và loại bỏ mRNA sớm ngay sau khi nó hoàn tất mọi việc theo hướng dẫn của mRNA.
Vắc-xin véc-tơ vi-rút COVID-19 là gì?
Vắc-xin véc-tơ vi-rút sử dụng một phiên bản điều chỉnh của một vi-rút khác (véc-tơ) để truyền hướng dẫn quan trọng đến các tế bào trong cơ thể con người. Tương tự như tất cả các loại vắc-xin, vắc-xin véc-tơ vi-rút sẽ bảo vệ những người đã tiêm chủng không có nguy cơ chịu các hậu quả nghiêm trọng vì COVID-19. Vắc-xin véc-tơ vi-rút cũng là một trong số những vắc-xin COVID-19 được cho phép sử dụng tại Mỹ.
Vắc-xin véc-tơ vi-rút hoạt động bằng cách sử dụng một phiên bản điều chỉnh của một vi-rút khác (véc-tơ) để truyền hướng dẫn quan trọng đến các tế bào của chúng ta. Trước tiên, véc-tơ (không phải là vi-rút gây ra bệnh COVID-19, mà là một loại vi-rút vô hại khác) sẽ xâm nhập vào tế bào trong cơ thể chúng ta, sau đó dùng cơ chế của tế bào để tạo ra một mảnh vô hại của vi-rút gây ra bệnh COVID-19. Mảnh này được biết là một protein gai và chỉ có thể tìm thấy trên bề mặt của vi-rút gây bệnh COVID-19.
Tiếp theo, tế bào này thể hiện protein gai trên bề mặt và hệ miễn dịch của chúng ta nhận thấy nó không thuộc về cơ thể. Việc này kích hoạt hệ miễn dịch bắt đầu sản sinh kháng thể và kích hoạt các tế bào miễn dịch khác chiến đấu với thứ mà nó cho là một bệnh truyền nhiễm.
Sau quá trình đó, cơ thể chúng ta đã học được cách bảo vệ mình khỏi bệnh truyền nhiễm trong tương lai với vi-rút gây bệnh COVID-19. Lợi ích chính là chúng ta được vắc xin bảo vệ.
Cũng như vắc xin mRNA, vắc xin véc-tơ vi-rút COVID-19 không làm cho người tiêm mắc COVID-19 hay bệnh truyền nhiễm khác. Chúng không gây ảnh hưởng hoặc tương tác với ADN của chúng ta dưới bất kỳ hình thức nào. Vật liệu di truyền mà véc-tơ vi-rút mang cũng không trở thành một phần trong ADN của người.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
OpenAI mất lợi thế độc nhất trên 365 Copilot sau quyết định của Microsoft
Cách xác thực tài khoản Facebook để tránh bị khóa 2025
Nga lên kế hoạch thực hiện 15 vụ phóng tên lửa Angara từ năm 2027 đến 2033
Đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
Nhìn lại thế giới 2024: Bản giao hưởng vang khắp không gian