Khoa học - Công nghệ

"Không làm chủ được bán dẫn, chúng ta sẽ luôn đứng bên lề của công nghệ lõi"

DNVN - Theo ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), chuỗi giá trị bán dẫn đang có xu hướng đang dịch sang các nước Đông Nam Á. Việt Nam đặc biệt có lợi thế về mảng thiết kế để đón cơ hội này. Nếu không dần làm chủ được bán dẫn, chúng ta sẽ luôn đứng bên lề của công nghệ lõi.

Ra mắt trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn tại TP Hồ Chí Minh / Việt Nam có thể làm chủ công nghiệp bán dẫn

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó giám đốc NIC cho biết, NIC hiện có 2 cơ sở tại Hà Nội. Cơ sở 1 tại Cầu Giấy và cơ sở 2 tại Hòa Lạc. NIC Hòa Lạc không chỉ được định hướng trở thành cơ sở lớn của Việt Nam mà còn lớn tầm khu vực.

Cơ sở 2 có nhiệm vụ quy tụ nhân tài và kết nối các trung tâm khởi nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu thành một mạng lưới đổi mới sáng tạo. Đó chính là sự quy tụ những nguồn lực lớn nhất để hỗ trợ cho quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

NIC Hòa Lạc được thiết kế theo hình tượng con đại bàng chính là thể hiện khát vọng của Việt Nam. Qua 4 năm được thành lập và đi vào hoạt động, trung tâm đang thực hiện một số chương trình hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Đặc biệt là hỗ trợ cho những ngành Việt Nam có lợi thế so sánh để đi ra toàn cầu.

“Quan điểm của chúng tôi là khi đã có NIC, các doanh nghiệp không chỉ nhìn vào thị trường trong nước mà phải vươn ra ra thị trường toàn cầu. Trung tâm có rất nhiều chương trình hỗ trợ cho mục tiêu này. Từ những hỗ trợ nhỏ như chỗ ngồi, kết hợp với tư vấn, ươm tạo cho tới những tham mưu, kết nối lớn hơn”, ông Thịnh cho biết.

Ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó giám đốc NIC cho rằng, Việt Nam có lợi thế khi chuỗi giá trị bán dẫn đang dịch chuyển sang Đông Nam Á. Ảnh: Hà Anh.

Cũng theo ông Thịnh, hoạt động của NIC khác với các chương trình ươm tạo tại địa phương là trung tâm thực hiện những định hướng lớn của Đảng và Nhà nước cho những ngành, lĩnh vực lớn. Ví dụ, trung tâm đang có trách nhiệm tham mưu cho các lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như cấp cao hơn về giải pháp thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.

Trung tâm đang tham gia kết nối, nghiên cứu cho lĩnh vực rất mới là bán dẫn. Những hợp tác về lĩnh vực bán dẫn được diễn ra thông qua chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa qua là kết quả của một quá trình vận động trước đó. Mục tiêu là giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

“Không làm chủ được bán dẫn, chúng ta sẽ luôn đứng bên lề của công nghệ lõi. NIC quyết tâm theo đuổi sự kết nối trong lĩnh vực này. Đây là nhiệm vụ và cũng là cơ hội của trung tâm bởi hiện nay, xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á. Việt Nam có lợi thế rất lớn về nguồn nhân lực, đặc biệt là lợi thế về mảng thiết kế”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Giải thích về lợi thế này, Phó Giám đốc NIC cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới nguồn nhân lực của Việt Nam. Trong bán dẫn, vấn đề cần nhất là nhân lực chứ không phải là câu chuyện về thiết bị. Trong chuỗi giá trị bán dẫn (sản xuất, thiết kế và lắp ráp) thì Việt Nam đặc biệt thuận lợi về mảng thiết kế. Mảng này đem lại lợi nhuận lớn nhất trong mảng bán dẫn, còn mảng sản xuất thì lợi nhuận chỉ chiếm khoảng 7%.

NIC đã ký kết được với một số tập đoàn lớn của thế giới, góp phần định hướng và giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp lớn của Việt Nam tham gia chuỗi giá trị bán dẫn thời gian tới. Cùng với đó là định hướng về lĩnh vực gần như chưa tồn tại ở Việt Nam - năng lượng hydrogen (nguồn năng lượng sạch giàu tiềm năng để phát triển trong tương lai).

Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

Về năng lượng hydrogen, ông Thịnh cho biết thêm, trung tâm đang báo cáo, kết nối và mang một số công nghệ liên quan giới thiệu tại triển lãm cho toàn bộ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hiểu được tại sao lại là tương lai năng lượng cho Việt Nam và thế giới. Đây cũng là chức năng khác biệt của NIC - chức năng mang tính dự báo quốc gia.

“Chúng tôi sẽ tổ chức các hội thảo quốc tế, một trong những hội thảo đầu tiên được tổ chức là diễn đàn cấp cao về năng lượng hydrogen. Qua đó, mời nhiều các tập đoàn lớn trên thế giới cùng các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước tham gia. Doanh nghiệp Việt sẽ hiểu và tận dụng được cơ hội tiếp cận vào lĩnh vực này”, ông Thịnh nói.

Thể hiện sự tự tin trong hoạt động của NIC, ông Thịnh cho rằng, Việt Nam được quốc tế đánh giá là 1 trong 50 nước có môi trường đổi mới sáng tạo tốt nhất. Đây là chỉ số hiếm có của Việt Nam vì thông thường các chỉ số khác chỉ đạt ngưỡng trung bình (top 60 - top 70). Kết quả này cũng phản ánh hiệu quả của NIC – là trung tâm mang tính quốc gia, dẫn dắt, có cơ hội đi nhanh hơn các trung tâm tư nhân trong khu vực.

Nếu trung tâm được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn về nguồn lực, đặc biệt là những vấn đề mà doanh nghiệp Việt đang cần như phòng thí nghiệm, thiết bị cao cấp mà doanh nghiệp không thể tự đầu tư thì việc nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được thúc đẩy hiệu quả hơn.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm