Cần có quy trình hướng dẫn doanh nghiệp, người dân phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn
DNVN - Khái niệm nông nghiệp tuần hoàn (NNTH) ở Việt Nam hiện còn tương đối mới mẻ. Trên thực tế, việc phát triển mô hình này đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ để xóa rào cản.
Trí tuệ nhân tạo đang là công nghệ được ứng dụng hàng đầu hiện nay / Ký kết hợp tác Dự án Báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2022
Khung chính sách chưa hoàn thiện
Trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường do sản xuất nông nghiệp gia tăng, cùng với biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và mạnh hơn so với dự báo... gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, việc phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu.
Tại hội thảo khoa học "Kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và định hướng phát triển ở Việt Nam" do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Viện Tư vấn công nghệ và Đào tạo toàn cầu tổ chức sáng 15/9 tại Hà Nội, TS Trần Đức Viên đến từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, khái niệm NNTH ở Việt Nam còn tương đối mới mẻ và chỉ được đề cập trong một vài năm gần đây.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam có 3 loại mô hình KTTH phổ biến trong lĩnh vực nông nghiệp. Đó là mô hình tạo và dùng khí đốt từ chất thải, nước thải trong chăn nuôi, trồng trọt. Ngày càng phổ biến mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; mô hình nông - lâm kết hợp, mô hình vườn - rừng. Loại mô hình tuần hoàn lấy phế phụ phẩm trồng trọt làm chất xúc tác.
Tại sự kiện, các diễn giả đều có chung nhận định, tiềm năng phát triển KTTH trong nông nghiệp là rất lớn và còn nhiều triển vọng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, phát triển mô hình NNTH ở Việt Nam cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Ông Cao Trường Sơn - đại diện nhóm nghiên cứu Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, việc phát triển KTTH trong nông nghiệp Việt Nam hiện đối mặt với nhiều khó khăn khi nhận thức của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp (DN) và nông dân về NNTH chưa đầy đủ.
Năng lực tái chế, tái sử dụng phụ, phế phẩm nông nghiệp còn hạn chế. Thiếu đội ngũ cán bộ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải, phế, phụ phẩm trong nông nghiệp.
Một số địa phương chưa quan tâm đến quản lý chất thải hay đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật đối với các cơ sở sản xuất. Vì vậy, hiện nay mới có khoảng hơn 10% phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm chất đốt tại chỗ, 5% là nhiên liệu công nghiệp, 3% làm thức ăn gia súc; còn hơn 80% chưa được sử dụng và thải trực tiếp ra môi trường hoặc đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường.
Nhấn mạnh đến khó khăn liên quan đến chính sách, bà Tạ Thu Trang, đại diện nhóm nghiên cứu về phát triển KTTH trong lĩnh vực nông nghiệp của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn nhận định, khung chính sách về phát triển mô hình KTTH chưa được hoàn thiện.
Theo bà Tạ Thu Trang, đại diện nhóm nghiên cứu về NNTH của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, khung chính sách về phát triển mô hình KTTH chưa được hoàn thiện.
Các quy định liên quan đến KTTH nói chung, nông nghiệp nói riêng nằm rải rác ở các luật, nghị định khác nhau, thiếu hướng dẫn và chưa có tiêu chuẩn hóa về KTTH. Chưa đưa ra được các quy định, các tiêu chí, tiêu chuẩn để nhận diện, đánh giá, các tiêu chuẩn về công nghệ cho các mô hình KTTH trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, còn thiếu các quy định trách nhiệm của DN về thu hồi, phục hồi tài nguyên từ các sản phẩm đã qua sử dụng; các công cụ, chính sách kinh tế như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường...
Trong khi đó, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa hiệu quả trong khi phát triển KTTH phải gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến. Hiện tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển chỉ chiếm khoảng 0,6% GDP, trong khi đó năm 2018 ở Mỹ là 2,83%, Trung Quốc 2,14%, Nhật Bản 3,28%, Malaysia 1,04%...
"Hiện tại, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn chỉ đáp ứng khoảng 55 - 60% so với nhu cầu. Đầu tư còn dàn trải và thiếu trọng tâm, trọng điểm. Việc xã hội hóa nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học còn chậm, tỷ lệ đầu tư ngoài ngân sách cho nông nghiệp còn thấp, chưa có giải pháp hữu hiệu để huy động được các nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp và toàn xã hội cho nghiên cứu và chuyển giao KH&CN trong nông nghiệp", bà Tạ Thu Trang thông tin.
Thêm vào đó, năng lực ứng dụng khoa học - công nghệ trong các mô hình KTTH còn yếu. Thực tế cho thấy, hoạt động R&D trong DN Việt Nam còn ít, sự gắn kết giữa các tổ chức R&D với các trường đại học và các DN còn lỏng lẻo. Các DN quy mô nhỏ và vừa khó khăn trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ. Đặc biệt, Việt Nam còn thiếu các DN đủ năng lực về công nghệ về tái chế, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng. Việc ứng dụng các công nghệ số mới chỉ dừng lại ở một số mô hình điển hình và các DN có tiềm lực tài chính.
Cần có chiến lược riêng
Từ thực trạng trên, ông Cao Trường Sơn - đại diện nhóm nghiên cứu Học viện Nông nghiệp Việt Nam kiến nghị cần nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý Nhà nước về KTTH trong nông nghiệp.
Tạo động lực để các địa phương, DN, người nông dân đầu tư vào NNTH. Theo đó, hỗ trợ về vốn, công nghệ, thị trường; hướng dẫn nông dân, DN thực hiện sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị theo từng chu trình: sản xuất - phân phối - tiêu dùng - tái chế; sản xuất - chế biến (tái chế) - phân phối - tiêu dùng (sản xuất).
Khuyến khích các DN, tập đoàn có tiềm lực lớn đầu tư khai thác, chế biến, phụ phế phẩm nông nghiệp để tạo phân bón và giá thể hữu cơ. Đẩy mạnh quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện môi trường...
Trong khi đó, bà Tạ Thu Trang cho rằng, cần xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa KTTH trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, xây dựng các hướng dẫn thực hiện mô hình KTTH cho đối tượng là các hộ dân, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có quy mô từ nhỏ đến lớn.
Cùng chung quan điểm về việc cần hoàn thiện hành lang pháp lý về thực hiện KTTH nói chung và nông nghiệp tuần hoàn nói riêng, GS.TS Trần Đức Viên kiến nghị cần ban hành chiến lược, kế hoạch riêng cho việc thực hiện KTTH quốc gia để từ đó các bộ, ngành và địa phương có thể căn cứ vào đó xây dựng và thực hiện kế hoạch riêng cho từng lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp.
Ngoài ra, phải có cơ chế khuyến khích và thúc đẩy thực hiện NNTH. Cụ thể, tập trung vào xây dựng thị trường cho các vật liệu xây dựng và sản phẩm NNTH. Xây dựng quỹ tài chính hỗ trợ người dân và DN tham gia mô hình này...
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo
Quang cảnh hội thảo.