Khoa học - Công nghệ

Cần hỗ trợ, tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp khoa học công nghệ

DNVN - Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam mong muốn các cơ quan ban ngành phối hợp hỗ trợ và tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp KHCN Việt Nam, trong đó có chính sách ưu đãi, chính sách đầu tư đổi mới công nghệ, cơ chế xét duyệt cấp chứng nhận doanh nghiệp KHCN.

Sáng ngày 28/9 tại Thái Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VST) tổ chức Hội nghị thường niên và Hội thảo “Giải pháp thực thi chính sách cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ”.

Theo các chuyên gia, sau hơn 2 năm bị tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, kinh tế - xã hội Việt Nam đã dần hồi phục. Mặc dù tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng các hoạt động về nghiên cứu khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp đáng kể cho toàn xã hội.

Đảng và Nhà nước xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên cơ sở khoa học tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Chiến lược này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ riêng với ngành KHCN mà còn với toàn thể hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội. Vai trò của KHCN và đổi mới sáng tạo trong 10 năm tới là đột phá chiến lược, có ý nghĩa quyết định tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cho kinh tế hội nhập.

Chủ tịch VST - Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo.

Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam ra đời và chính thức đi vào hoạt động hơn 3 năm qua. Là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam. Mục đích nhằm tập hợp các doanh nghiệp KH&CN, liên kết hợp tác ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh hiệp quả. Hiệp hội đã thu hút gần 200 doanh nghiệp KH&CN trong cả nước hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngành nghề trải dài khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Phát biểu khai mạc, AHLĐ Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch VST khẳng định, khoa học và công nghệ (KHCN) hiện đã là trở thành một lĩnh vực quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Các thành tựu nghiên cứu KHCN đổi mới sáng tạo ứng dụng vào thực tiễn đạt những kết quả đáng ghi nhận, khẳng định tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Chiến lược này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ riêng với ngành KHCN mà còn với toàn thể hệ thống chính trị xã hội và an ninh quốc phòng bởi vai trò của KHCN và đổi mới sáng tạo trong 10 năm tới là bước đột phá chiến lược, có ý nghĩa quyết định tạo bứt phá nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của thị trường trong và ngoài nước.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá cao sự đóng góp của KHCN và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã nêu lên tình hình, quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó có nhiệm vụ quan trọng đề cập đến những vấn đề liên quan đến KHCN và đổi mới sáng tạo.

Hiệp hội VST quy tụ nhiều doanh nghiệp KHCN hàng đầu Việt Nam.

Những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã tạo động lực thúc đẩy KHCN phát triển vượt bậc, mang lại những thành quả đáng kể. Năm 2022 Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam xếp thứ 54/100 trên bảng xếp hạng toàn cầu do StartupBlink công bố (tăng 5 bậc so với năm trước). Việt Nam cũng tăng từ vị trí 13 lên 12 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, dự báo có khả năng vượt qua Thái Lan, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN.

“Qua những thành tựu đó, có sự đóng góp đáng kể của cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp KHCN. Tỷ lệ đầu tư và năng suất hoạt động KHCN khá cao”, Chủ tịch VST nhấn mạnh.

Sự kiện tạo điều kiện cho các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia cùng doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, chia sẻ những vấn đề liên quan đến chính sách đầu tư và phát triển KHCN.

Thống kê tính đến hết năm 2022, cả nước có 712 doanh nghiệp khoa học công nghệ được công nhận trên tổng số 3000 doanh nghiệp tiềm năng. Đa số các doanh nghiệp đang hoạt động phát triển sản xuất tốt, tạo ra nhiều việc làm ho người lao động, đóng góp cho xã hội, trong đó có nhiều doanh nghiệp nằm trong Top 500 có tốc độ tăng trưởng hàng đầu của Việt Nam.

Doanh nghiệp KHCN ngày càng có nhiều sản phẩm, dịch vụ được thương mại hóa ra thị trường trong nước và xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, các nước Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Chỉ tính riêng hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam, nhân lực phục vụ cho KHCN cũng lên đến hơn 4.636 người. Năm 2022 các doanh nghiệp KHCN là hội viên VST đã có đóng góp nhất định cho ngân sách nhà nước (ước tính đạt 279,5 tỷ đồng).

Theo Chủ tịch VST, Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, những thành tựu nói trên ghi nhận sự đóng góp đáng kể của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp KHCN với tỷ lệ đầu tư và năng suất hoạt động KHCN khá cao. Tuy nhiên, việc thương mại hóa sản phẩm ra thị trường của nhiều doanh nghiệp chưa đạt kết quả như mong muốn, việc kết nối, chia sẻ hợp tác, chuyển giao công nghệ còn hạn chế dẫn đến không đạt hiệu quả trong kinh doanh cao và việc tái đầu tư theo yêu cầu.

Mặt khác việc thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa thật sự đồng bộ, dẫn đến việc phát triển KHCN còn khiêm tốn, các doanh nghiệp chưa xem trọng KHCN là nền tảng cốt lỗi trong kinh doanh. Chính vì vậy nhiều doanh nghiệp còn lúng túng, chưa có hướng đi đúng đắn. Trong khi đó, đổi mới sáng tạo sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xét thấy việc thực thi chính sách rất quan trọng, cấp bách, nhằm kích thích và tạo động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp có điều kiện, tạo ra những sản phẩm, công nghệ có giá trị mang hàm lượng trí tuệ cao, phục vụ hiệu quả cho đời sống, kinh tế – xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế hội nhập của đất nước, Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp thực thi chính sách cho doanh nghiệp KH&CN” nhằm tạo điều kiện cho các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia cùng doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ cũng như đóng góp những ý kiến thực tế, vấn đề liên quan đến chính sách đầu tư và phát triển KH&CN trong quá trình đầu tư kinh doanh.

Theo ThS, nhà báo Phan Thị Mỹ Yến - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội VST, Hiệp hội rất mong các cơ quan ban ngành phối hợp hỗ trợ và tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp KHCN Việt Nam, trong đó có chính sách ưu đãi, chính sách đầu tư đổi mới công nghệ, cơ chế xét duyệt cấp chứng nhận doanh nghiệp KHCN. Từ đó khích lệ các doanh nghiệp xem KHCN là nguồn động lực và tích cực đầu tư, nghiên cứu phát triển tạo ra các sản phẩm, công nghệ đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu thị trường và đủ sức cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Hiệp hội cũng kỳ vọng các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, nêu ý kiến, quan điểm, “gõ cửa” các bộ ngành nhằm kêu gọi sự hỗ trợ, kịp thời giải quyết những vấn đề khó khăn liên quan đến đầu tư nghiên cứu, chính sách phục vụ sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Chương trình Hội nghị Thường niên là sự kiện có ý nhĩa được tổ chức hằng năm. Năm nay tổ chức tại Thái Bình, quy tụ nhiều doanh nghiệp KHCN cả nước tham dự. Sự kiện tạo điều kiện cho các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia cùng doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, chia sẻ những vấn đề liên quan đến chính sách đầu tư và phát triển KHCN trong quá trình đầu tư kinh doanh.

Tham gia sự kiện, doanh nghiệp có điều kiện tham quan các gian hàng trưng bày của các doanh nghiệp tiêu biểu có những sản phẩm KH&CN nghiên cứu thành công.

“Tôi rất mong lãnh đạo các bộ, ngành tích cực và quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để các doanh nghiệp KHCN có cơ hội phát triển đầu tư kinh doanh. Sau hội nghị hôm nay, các doanh nghiệp có thể nắm bắt nhiều thông tin, tìm cơ hội và phát triển mạnh hơn nữa để góp phần cho khoa học công nghệ nước nhà ngày càng sánh vai cùng các nước trên thế giới”, Chủ tịch VST nhấn mạnh.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo