Khoa học - Công nghệ

Chế biến thành công nước tăng lực từ cây đinh lăng lá nhỏ

DNVN - Trước tình trạng các loại nước tăng lực hiện nay dễ gây béo phì và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, dựa trên một đề tài nghiên cứu của Bộ KH-CN, TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm cùng cộng sự đã tạo ra một loại nước tăng lực tốt cho sức khỏe, không đường, chứa nhiều chất bổ dưỡng từ thảo dược Việt Nam - nước tăng lực từ cây đinh lăng lá nhỏ.

Dự báo Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn năng lượng trong tương lai / Sau 22 ngày phóng lên quỹ đạo, vệ tinh NanoDragon vẫn chưa có tín hiệu

Mặc dù là loại nước uống cung cấp năng lượng nhanh chóng, đặc biệt cần thiết với những người lao động nặng nhọc hoặc luyện tập thể thao với cường độ cao song hầu hết mọi người đều có ấn tượng xấu với nước tăng lực. Bởi vì thành phần chính trong các loại nước tăng lực thông thường là đường, caffeine, các chất tạo màu, hương vị,... dễ gây béo phì và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nếu dùng thường xuyên. Đây là lý do khiến TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm ở Công ty Thiên Dược nghĩ đến việc tạo ra “một loại nước tăng lực tốt cho sức khỏe, không đường, chứa nhiều chất bổ dưỡng từ thảo dược Việt Nam” - nước tăng lực từ cây đinh lăng lá nhỏ.

Là một loại cây phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là miền Bắc, đinh lăng được mệnh danh là “nhân sâm của người nghèo” do chứa nhiều hoạt chất quý. Trong mỗi bộ phận của cây đinh lăng thì cả rễ, vỏ thân và lá đều có chứa các hoạt tính sinh học khác nhau bao gồm: Saponin, các ankaloit, các vitamin B1, B2, B6, vitamin C, 20 axit amin, trong đó có methionin, lyzin và cysteine là những loại axit amin cực kỳ quan trọng. Từ lâu, đinh lăng đã được sử dụng làm rau ăn và xuất hiện trong các bài thuốc cổ truyền với nhiều công dụng khác nhau: Trị suy nhược, bồi bổ cơ thể, chữa ho, phong thấp, cảm sốt, mụn nhọt, một số bệnh về tiêu hóa,...

Tuy nhiên, không phải loại đinh lăng nào cũng giống nhau. Trên thực tế, cây đinh lăng của Việt Nam có rất nhiều loại, có tới sáu bảy giống đinh lăng khác nhau, trong đó phổ biến nhất là cây đinh lăng lá nhỏ (Polyscias Fruticosa (L) Harms).

“Thông qua đề tài Nghiên cứu phát triển nguồn gene cây đinh lăng lá nhỏ ở miền Đông Nam Bộ” Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) do TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm thuộc Công ty Thiên Dược làm chủ nhiệm đề tài, đã nghiên cứu, bảo tồn nguồn gene, giống và xây dựng quy trình trồng và thu hoạch cây đinh lăng lá nhỏ sao cho thu được hàm lượng hoạt chất tối ưu, ít sâu bệnh mà không phải dùng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại.

TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm và nhóm nghiên cứu.

TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm và nhóm nghiên cứu.

Không chỉ giúp nhóm nghiên cứu hiểu cặn kẽ về đặc tính của cây đinh lăng lá nhỏ ở Việt Nam, dự án này còn giúp họ phát triển thành công vùng trồng đinh lăng lá nhỏ có diện tích 5 ha ở Long Thành (Đồng Nai). Đây cũng là nơi đặt vùng trồng dược liệu của Công ty Thiên Dược - tất cả những loại dược liệu ở đây, bao gồm cả những cây “lâu đời” đã tạo thương hiệu của công ty như trinh nữ hoàng cung, cho đến những loại cây mới gia nhập như đinh lăng đều được nuôi trồng, chăm sóc, thu hái và bảo quản theo tiêu chí GACP - WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo Tổ chức Y tế thế giới).

Thành phần chính trong nước tăng lực đinh lăng do nhóm nghiên cứu phát triển là dịch chiết từ lá, vỏ thân và rễ cây đinh lăng lá nhỏ. Việc chiết xuất sao cho thu được hàm lượng saponin cao là một trong những yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm.

Theo TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm, để ra được phương pháp chiết xuất chuẩn, nhóm nghiên cứu đã phải thử nghiệm rất nhiều lần chiết với nhiều quy mô, phương pháp khác nhau rồi định lượng saponin trong dịch chiết ra. Sau khi đánh giá cái nào cao nhất thì nhóm mới lựa chọn làm quy trình chiết chuẩn.

Khi chiết xuất từng loại bột rễ, bột lá và bột vỏ thân cây đinh lăng lá nhỏ thì tiến hành kiểm tra saponin trong bã chất chiết đã kiệt hay chưa bằng thuốc thử Lieberman-Burchard. Nếu xuất hiện màu xanh đặc trưng của phản ứng giữa thuốc thử với saponin có trong bã chất chiết, màu xanh này bền vững trong một thời gian, phản ứng (+) thì saponin vẫn còn trong bã chất chiết, do đó tiếp tục chiết bã chất chiết cho đến khi chiết hết saponin trong bã chất chiết, TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm cho biết thêm.

Để giải quyết vấn đề lượng đường cao không tốt cho sức khỏe trong hầu hết các loại nước tăng lực, nhóm nghiên cứu đã sử dụng cỏ ngọt (Stevia rebaudiana) để thay cho đường. Kết hợp các yếu tố này lại, sau nhiều lần thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã phát triển thành công sản phẩm nước tăng lực từ đinh lăng với công thức: 80% dịch chiết toàn phần của cây đinh lăng lá nhỏ, 10% dung dịch chất làm ngọt và 10% nước. Nhiều người lo ngại sản phẩm từ thảo dược thường có mùi vị kém hấp dẫn, song nước tăng lực đinh lăng không gặp phải vấn đề này.

Nhờ tính mới và khả năng áp dụng trong thực tế cao, sản phẩm này đã được được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2-0002718, được công bố vào ngày 25/10/2021.

Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm