Chủ tịch FPT: Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi trong lĩnh vực khoa học công nghệ
Chiến lược cho con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam / Năng lượng tái tạo giúp hiện đại hóa lưới điện
Nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng đầu tư vào Việt Nam
Tọa đàm với chủ đề: "Đầu tư phát triển công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh" được tổ chức ngày 21/1 (theo giờ địa phương), tại Davos, Thụy Sĩ, trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao và các tập đoàn FPT, VinaCapital phối hợp tổ chức. Sự kiện thu hút hơn 30 tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực công nghệ, đầu tư, tài chính, bán dẫn, y tế, hạ tầng. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước cũng góp mặt như FPT, Viettel, Vietnam Airlines, VNPT, EVN, BIDV, Vietcombank, VietinBank, Techcombank, Sovico.
Tại sự kiện, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã giới thiệu về những tiềm năng thu hút đầu tư vào Việt Nam nhờ thế mạnh công nghệ cao sẵn có và sự hỗ trợ toàn diện từ Chính phủ với các định hướng chiến lược quốc gia trong công nghệ.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình giới thiệu về tiềm năng thu hút đầu tư vào Việt Nam nhờ thế mạnh công nghệ cao sẵn có và sự hỗ trợ toàn diện từ Chính phủ.
Chủ tịch FPT nhấn mạnh, Việt Nam đã xác định chọn khoa học công nghệ làm động lực quan trọng để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng hai con số những năm tới. Mục tiêu này sẽ được hiện thực hoá thông qua các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số, bán dẫn và giáo dục. Đây là mong muốn, cũng như yêu cầu của cả hệ thống chính trị.
Cũng theo ông Bình, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi trong lĩnh vực khoa học công nghệ mà hiện nay trên thế giới cũng chỉ có Ấn Độ tương xứng. Minh chứng cho điều này là việc mới đây Nvidia đã chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư như quê hương, ngôi nhà thứ hai. Việt Nam cũng sở hữu 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin và hệ thống giáo dục tốt trong lĩnh vực này.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam đang nỗ lực cải cách môi trường, thủ tục đầu tư để trở thành điểm đến an toàn, hiệu quả và cạnh tranh so với các nước trong khu vực - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nhiều doanh nghiệp quốc tế bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Chủ tịch Google khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Sanjay Gupta, đánh giá Việt Nam có vị thế "độc nhất, vô nhị" để trở thành quốc gia phát triển trong khu vực. Ông khuyến nghị Chính phủ đẩy mạnh kết nối internet và mở cửa kho dữ liệu để phát triển AI.
Lãnh đạo Schneider Electric muốn hợp tác với Nvidia phát triển trung tâm dữ liệu và kỳ vọng Việt Nam đột phá trong hạ tầng giao thông, sân bay, cảng biển. Ông Kim Fejer, Giám đốc điều hành A.P Moller Capital, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào logistics và hạ tầng nhưng mong Việt Nam nới lỏng giới hạn vốn ngoại trong các lĩnh vực quan trọng.
Ông Roger Leitner, Chủ tịch Phòng Thương mại ASEAN - Thụy Sĩ, tin rằng Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm tài chính quốc tế như Thụy Sĩ và Singapore, đồng thời thúc đẩy du lịch chữa bệnh. Theo nguyên Phó Thủ tướng Đức Philip Rosler, đây là thời điểm vàng để đầu tư vào Việt Nam nhờ chính trị ổn định, dân số trẻ, tinh thần doanh nghiệp cao, và khả năng nhảy vọt lên công nghệ 5G. "Đúng cơ hội, đúng thời điểm, đúng quốc gia. Hãy đến Việt Nam," ông nhấn mạnh.
Chính phủ cam kết hỗ trợ doanh nghiệp
Sau khi ý kiến của doanh nghiệp trong và ngoài nước, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam đang cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư để trở thành điểm đến an toàn, hiệu quả và cạnh tranh trong khu vực. Ông dẫn chứng, nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao giờ chỉ cần đăng ký là có thể triển khai ngay, nhờ quy chuẩn sẵn có và cơ chế hậu kiểm.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư để trở thành điểm đến an toàn, hiệu quả và cạnh tranh trong khu vực.
Về trung tâm tài chính quốc tế, ông cho biết Quốc hội đã thông qua chủ trương xây dựng tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài đóng góp ý kiến chính sách và kinh nghiệm.
"Chúng tôi sẽ cung cấp điều các bạn cần, không chỉ cái Việt Nam có," ông nhấn mạnh, cam kết xây dựng trung tâm tài chính phù hợp thông lệ quốc tế nhưng cạnh tranh hơn.
Bộ trưởng cũng nghiêm túc xem xét đề xuất nâng tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào sân bay, cảng biển nhằm thu hút thêm vốn cho hạ tầng.
Thay mặt Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tọa đàm, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ cao trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và cạnh tranh, đồng thời là chìa khóa đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại và xây dựng nền kinh tế tri thức, bền vững.
Ông khẳng định Việt Nam sở hữu lợi thế về môi trường chính trị ổn định, chính sách ngoại giao hòa bình, nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ sở hạ tầng hiện đại, thu hút nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Intel, Google và các doanh nghiệp trong nước như Viettel, FPT.
Chính phủ cam kết hỗ trợ doanh nghiệp với chính sách ưu đãi, phát triển nhân lực chất lượng cao và hợp tác quốc tế, tập trung vào công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo.
Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh kêu gọi các nhà đầu tư đồng hành, chia sẻ tầm nhìn, xây dựng chuỗi giá trị bền vững và thực hiện "3 cùng": cùng lắng nghe, cùng hành động, cùng phát triển bền vững.
End of content
Không có tin nào tiếp theo