Khoa học - Công nghệ

Chuyên gia Việt Nam nghiên cứu thành công phương pháp tạo hình khuyết hổng lưỡi sau phẫu thuật ung thư

DNVN - Tạo hình khuyết hổng lưỡi sau phẫu thuật không chỉ đảm bảo chức năng nói và nuốt, mà còn đảm bảo đường thở, vị giác, và hô hấp. Đây là phương pháp tạo hình tương đối an toàn, tỷ lệ thành công đạt trên 90%, nhằm giúp bệnh nhân phục hồi chức năng của lưỡi sau điều trị ung thư, hồi phục khả năng sinh hoạt.

Thách thức trong triển khai COP26: Thiếu cơ chế minh bạch cung cấp tài chính từ các nước đang phát triển / Biến thể Alpha tiến hóa để "né" hệ miễn dịch tự nhiên của con người

Ung thư lưỡi là bệnh thường gặp ở bệnh nhân trên 40 tuổi, chủ yếu do nguyên nhân hút thuốc lá và uống rượu. Bệnh diễn tiến tại chỗ tại vùng, ít khi cho di căn xa. Phẫu thuật và xạ trị vẫn là mô thức điều trị chủ yếu cho bướu nguyên phát và hạch vùng. Việc phối hợp phẫu thuật và xạ trị cho các trường hợp bệnh tiến xa là cách điều trị tiêu chuẩn. Trên lâm sàng, phẫu thuật là phương pháp thường được lựa chọn hơn.

Tại Việt Nam, trước giai đoạn năm 2019, chưa có công trình nào được công bố về việc tạo hình khuyết hổng lưỡi lớn gần toàn bộ hay toàn bộ sau phẫu trị ung thư lưỡi. Trong khi đó, giới y khoa vẫn chưa trả lời được câu hỏi "liệu phương pháp tạo hình khuyết hổng lưỡi bằng vạt tự do hay tại vùng có an toàn về mặt ung thư không, và giúp phục hồi chức năng - thẩm mỹ của lưỡi như thế nào trong điều kiện y học Việt Nam?".

Do đó, TS.BS Nguyễn Anh Khôi cùng các cộng sự ở Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư” nhằm khảo sát tỷ lệ biến chứng sau phẫu thuật tái tạo gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi, đánh giá chức năng nói và nuốt của người bệnh sau phẫu thuật, khảo sát tỉ lệ tái phát của bệnh sau điều trị.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện tạo hình khuyết hổng lưỡi bằng các loại vạt (vạt da cơ ngực lớn, vạt động mạch trên đòn, vạt cẳng tay quay, vạt đùi trước ngoài) cho 30 bệnh nhân (26 nam, 4 nữ). Có 23 bệnh nhân (77%) trên 40 tuổi, và có 7 bệnh nhân dưới 40 tuổi (23%). Bệnh nhân lớn nhất là 73 tuổi, trẻ nhất là 30 tuổi. Tất cả bệnh nhân đến khám đều là do sang thương ở lưỡi, sùi hoặc loét, không lành. Trong số đó, có 20 bệnh nhân bị đau nhiều tại vị trí của sang thương. Tất cả đều ở giai đoạn trễ (giai đoạn III và IV) của bệnh.

. Tạo hình khuyết hổng lưỡi là phương pháp tạo hình tương đối an toàn, tỷ lệ thành công đạt trên 90%. (Ảnh minh hoạ)

Tạo hình khuyết hổng lưỡi là phương pháp tạo hình tương đối an toàn, tỷ lệ thành công đạt trên 90%. (Ảnh minh hoạ)

TS.BS Nguyễn Anh Khôi cho biết, mục đích quan trọng nhất của tái tạo toàn bộ lưỡi là phục hồi thể tích đã mất. Vì thế, tái tạo gần toàn bộ hay toàn bộ lưỡi phải hoàn thành được 4 mục tiêu gồm: Phục hồi thể tích của lưỡi hốc miệng, sàn miệng và cơ hàm móng; Phục hồi bề mặt niêm mạc của phần lưỡi đã cắt và các cấu trúc xung quanh để bảo tồn sự di động của phần lưỡi còn lại; Phục hồi và duy trì hoạt động phối hợp của lưỡi đển lưỡi có thể chạm vào vòm khẩu cái; Phục hồi cảm giác. Trong đó, yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chức năng sau tái tạo là bảo tồn được nhiều hay ít phần lưỡi còn lại và các cấu trúc hốc miệng xung quanh, đồng thời không làm hạn chế cử động của phần lưỡi còn lại và cho phép đưa khối thức ăn đến hầu.

Bệnh nhân sau khi trải qua phẫu thuật được tập hướng dẫn nuốt và nói (do bác sĩ vật lý trị liệu hướng dẫn cho bệnh nhân), ở 4 lĩnh vực chính gồm: hô hấp, vận động, nuốt và giao tiếp. Ở thời điểm 6 tháng sau phẫu thuật, chức năng nói ở các bệnh nhân có sự cải thiện rõ rệt, thậm chí có đến 17 người có thể giao tiếp tốt. Đa số các trường hợp bệnh nhân đều có thể ăn uống được thức ăn sệt, hầu hết vẫn cảm giác khó khăn khi ăn thức ăn đặc. Chỉ có duy nhất 1 trường hợp vẫn chọn lựa nhóm thức uống lỏng do bị khô miệng.

Tạo hình khuyết hổng lưỡi sau phẫu thuật không chỉ đảm bảo chức năng nói và nuốt, mà còn đảm bảo đường thở, vị giác, và hô hấp. Động tác nuốt bắt đầu từ hốc miệng, cảm giác tại đây cung cấp tín hiệu kết hợp với cơ quan hô hấp để nói và nuốt, đưa thức ăn đến hầu, và khởi động phản xạ đóng thanh quản bảo vệ đường hô hấp. Kết quả tạo hình lưỡi lý tưởng khi đạt được kích thước, hình dạng, cảm giác, vị giác, độ di động và chức năng kết hợp phát âm và nuốt.

Trong thời gian 2 năm thực hiện nghiên cứu, có 18/30 trường hợp tái phát, chiếm tỉ lệ 60% và trung vị thời gian tái phát là 7 tháng. Tỷ lệ sống còn toàn bộ sau 2 năm là 47,7% trên 30 trường hợp, phù hợp với tỷ lệ sống còn toàn bộ sau 3 năm 28,8% ở bệnh ung thư lưỡi giai đoạn III-IV. Điều này cho thấy mục tiêu chính của phẫu thuật tạo hình vi phẫu là cải thiện chất lượng cuộc sống bệnh nhân trong điều trị ung thư.

 

Với các kết quả thu được của nhiệm vụ, có thể thấy rằng tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi có tỷ lệ thành công cao, giúp phục hồi được chức năng của lưỡi sau tái tạo, và biến chứng phẫu thuật là không đáng kể. Quá trình thực hiện phẫu thuật có thể triển khai ứng dụng tại các cơ sở y tế có sẵn đội ngũ chuyên môn được đào tạo về kỹ thuật vi phẫu hoặc các trung tâm chuyên ngành về ung bướu.

Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm