Khoa học - Công nghệ

Cố Giáo sư Vũ Đình Cự: “Chỉ có doanh nghiệp mới đi đến cùng với công nghệ cao”

DNVN - Nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), DNVN giới thiệu bài viết chia sẻ cảm nhận, suy nghĩ của ông Nguyễn Mạnh Cường về Cố Giáo sư Vũ Đình Cự, người đã sáng lập Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia vào năm 1984 và ông là nhà khoa học đã nghĩ về phát triển KH&CN từ rất sớm.

Việt Nam đồng bộ hóa thị trường khoa học và công nghệ với các thị trường khác / KHCN và đổi mới sáng tạo – “Bệ phóng mới” cho phát triển KTXH toàn diện và bền vững

Giáo sư Vũ Đình Cự (thứ 2 từ trái sang) là người ký quyết định thành lập FPT ngày nay.

Cố Giáo sư Vũ Đình Cự (thứ 2 từ trái sang) là người ký quyết định thành lập FPT ngày nay.

Hôm nay, trong khí thế ‘hùng cường” đầy hy vọng về một ngày mai tươi sáng cho Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nước nhà, tôi lặng lẽ nghĩ về một người mà tôi luôn kính trọng, tôi coi ông như “Thầy” mặc dù không được học một ngày ông dạy.

Những năm cuối đời, về nghỉ chế độ, ông sống một mình nên thường đến cơ quan cũ làm việc, như một niềm vui cuộc sống (là tôi đoán vậy). Tại cơ quan cũ, căn phòng cũ mộc mạc vẫn được nhiều thế hệ “đóng cửa” đợi ông về. Khi làm quan lớn, quyền lợi lớn, Ông thỉnh thoảng quay về ngồi trong căn phòng này... tôi may mắn ngồi phòng bên cạnh, vậy là sếp và quân có nhiều dịp trao đổi, đúng hơn là tôi nghe ông kể chuyện. Nhiều câu chuyện cũ, luôn tươi mới, giầu nhiệt huyết, có lẽ khi đã là “tâm” là “ước vọng” của một nhà cải cách thì không cái gì là cũ. Ông là nhà khoa học lớn, tuy nhiên tôi luôn nhìn ông là nhà cải cách bởi những quan điểm của ông về phát triển KH&CN đến nay đang thực sự còn nóng.

Tôi cảm thụ từ ông 3 điều cụ thể: Một là khái niệm “ứng dụng công nghệ”; hai là “công nghệ cao”; ba là “doanh nghiệp công nghệ”.

Quay lại thời gian, vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi mà khoa học hàm lâm, nghiên cứu siêu đỉnh cao luôn được tôn vinh tại một đất nước còn nhiều khó khăn, mới thoát chiến tranh và đang lần mò “triết lý” phát triển thì ông đã tự chọn cho mình một lối rẽ. Ông xin thành lập một tổ chức nghiên cứu phát triển nhưng tập trung vào ứng dụng công nghệ. Tôi không có ý tranh luận hay chứng minh nhận định “công trạng” vừa nêu, cũng phải nói rõ là khi ông có lựa chọn này đồng nghĩa phải chấp nhận nhiều cái giá rất cực đoan phải trả, như việc không được tự đào tạo sau đại học (Viện nghiên cứu nào cũng tự đào tạo sau đại học, để cho anh em có tấm bằng cao trong khoa học).

 Ảnh : Bút tích Giáo sư Vũ Đình Cự, gửi Viện Nhân dịp 25 năm thành lập Nacentech. Ảnh : Bút tích Giáo sư Vũ Đình Cự, gửi Viện Nhân dịp 25 năm thành lập Nacentech.

Ảnh : Bút tích Giáo sư Vũ Đình Cự, gửi Viện Nghiên cứu công nghệ quốc gia nhân dịp 25 năm thành lập Nacentech.

Ở cái tổ chức mang nặng văn hóa ứng dụng đó, họ tôn trọng các kỹ sư giỏi, các nhà kỹ thuật lớn đủ tâm, đủ sức đem công nghệ mới, công nghệ cao vào giải quyết các yêu cầu từ xí nghiệp, công trường, nhưng họ lại không có nhiều nhà khoa học “khả kính” bằng cấp đầy mình. Chấp nhận cuộc chơi ứng dụng công nghệ là phải vui với “chân lấm tay bùn” nơi khoa học, không còn những bài báo đầy chất “thi thơ”, không có những hội nghị thơm mùi nước hoa quốc tế.

Mọi so sánh đều khập khiễng, nhìn lại thời gian đó, tiềm lực khi đó, tôi tin ông có thể hài lòng vì cái định chế ông tạo lập đã đáp ứng một phần nào thực tế đất nước đòi hỏi. Người làm ứng dụng chỉ vui khi máy chạy, không ham lưu lại hậu thế, không màng những tham chiếu hay trích dẫn liên miên. Ông không chỉ chấp nhận cái giá của lựa chọn, nhiều thứ ông cũng đòi hỏi ghê gớm, cơ chế đột phá và chỉ có những điều kiện “vượt rào” mới có thể nhanh đạt mục đích của cuộc chơi thử nghiệm. Ông luôn kể cho tôi về sự ủng hộ của nhiều nhà Lãnh đạo nổi tiếng khi ấy, mọi chuyện chỉ có thể khi có được một số cơ chế thí điểm rất mạnh lúc bấy giờ như xuất nhập khẩu trực tiếp, được sử dụng đồng ngoại tệ mạnh, được đi nước ngoài (đặc biệt các nước phương Tây)…Tất nhiên đó là câu chuyện có tính lịch sử, nhìn lại thì càng ưu đãi càng tạo điều kiện cho nhiều “thói hư tật xấu”, tôi không có trình độ, trách nhiệm đánh giá chuyện này, chỉ nói rằng nó có tính quy luật, đặc biệt trong bối cảnh năng lực quản lý của ta khi đó còn nhiều vấn đề. Trong chuyện này xin chỉ nói về một tầm nhìn của một người cải cách. ông luôn nói “muốn ứng dụng công nghệ được, phải tiếp cận nhanh nhất, thuận nhất với công nghệ nguồn”, chính vì vậy mọi ưu đãi sớm nhằm đạt mục đích này.

Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia

Cố Giáo sư Vũ Đình Cự (bên trái) người đặt nền móng xây dựng Viện Nghiên cứu công nghệ quốc gia.

Về công nghệ cao, tôi vẫn nhớ, năm ấy lâu rồi không còn nhớ, tôi cũng rất ngây ngô, trong một hội nghị, khi đó ông ở cương vị rất to của đất nước, lên phát biểu ông đưa ra một cái ca vát mầu đỏ, món quà ông nhận được từ một hội nghị khoa học quốc tế. Điều đặc biệt, ca vát được dệt bằng sợi sử dụng công nghệ Nano, nó có cơ chế tự làm sạch không bao giờ phải giặt.

Hôm đó, ông nói về tương lai công nghệ cao, tương lai công nghệ Nano. Mãi sau này tôi thấy cả nước “lên đồng” với công nghệ Nano như ông từng nhận định, mà cả thế giới chứ chả phải riêng chúng ta. Lần khác, cũng trong hội nghị ông lên phát biểu, ông đặt câu hỏi “Tại sao Tổng thống Mỹ đề nghị loại bỏ vũ khí hạt nhân?”.

Câu hỏi được làm rõ, chủ nghĩa tư bản là kiếm tiền vô tận và vũ khi hạt nhân là công cụ quan trọng để họ thực hiện việc này, vậy nếu chối bỏ, phải chăng họ sẽ sắp đưa ra hình thái xã hội mới không còn là tư bản đơn thuần hay họ đã chuẩn bị loại công nghệ cao nào đó kinh khủng hơn cả hạt nhân? Hiểu công nghệ cao khá phức tạp, nhưng mong muốn phát triển công nghệ cao như một ưu tiên quốc gia thì tôi luôn thấy rõ trong từng tâm chuyện của ông. Chả phải nói suông, đầu những năm 80 thế kỷ trước, ông đã chủ thuyết phát triển những chuyện như Laser, Optoelectronics, MicroElectronics, BioTech… đó thực sự là công nghệ cao ở thời điểm này.

Về doanh nghiệp công nghệ, đây là điều cá nhân tôi kính nể và là lý do chính để tôi nhận định ông là nhà “cải cách” nhiều hơn là nhà khoa học.

Ông kể lại, khi ông xin các vị Lãnh đạo nổi tiếng (tầm quốc gia) về việc sớm ra đời tổ chức nghiên cứu phát triển định hướng ứng dụng, các vị Lãnh đạo hỏi “Anh cần gì để xây dựng Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia”. Ông trả lời ngay “cùng với nghiên cứu công nghệ cao tôi xin lập ngay các Doanh nghiệp để có thể gắn bó lâu dài với công nghệ cao”. Như ông kể, 3 đồng chí Lãnh đạo thoáng chút ngạc nhiên rồi bất ngờ trả lời như đồng thanh “tại sao không?!”.

Tháng 10/1984, Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia được thành lập với một loạt các lĩnh vực công nghệ cao, cùng với định hướng ứng dụng, Ông xin thành lập ngay nhiều doanh nghiệp trong đó. Trong một lần ngồi nói chuyện riêng, tôi gặng hỏi, ông trả lời điềm tĩnh “chỉ có doanh nghiệp mới đi đến cùng với công nghệ cao, với ứng dụng công nghệ”. Rồi ông lý giải, các nhà khoa học, nhà chuyên môn chỉ đi được đoạn đầu của bài toán phát triển công nghệ kể cả hàn lâm hay ứng dụng, không có doanh nghiệp đón nhận, ứng dụng và sử dụng thì việc làm công nghệ cũng vô nghĩa. Khi đó doanh nghiệp ở ta làm gì có rõ ràng, nên buộc ông phải thiết lập hệ thống doanh nghiệp để đi tiếp giai đoạn sau phòng thí nghiệm, bây giờ chúng ta hay nói “thương mại hóa kết quả nghiên cứu” và doanh nghiệp ông đề xuất giờ gọi là “doanh nghiệp công nghệ”.

Thời điểm những năm 80 thế kỷ trước, ý kiến này được đề xuất từ một nhà khoa học cả đời trong phòng thí nghiệm, không biết thị trường, không hiểu thương trường, vậy phải chăng cái tố chất “cải cách” nó là thiên bẩm ông có.

Ngày truyền thống là dịp để nhớ lại, để nghĩ về, với tôi ông luôn là một nhân cách lớn, tấm gương lớn, người Thầy mà tôi chưa bao giờ dám mơ được học. Ông là cố GS.TSKH. Vũ Đình Cự (1936-2011).

Nguyễn Mạnh Cường, nguyên Phó Viện trưởng Viện ứng dụng công nghệ( Bộ Khoa học và công nghệ)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm