Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và ý nghĩa với thế hệ trẻ
Thừa Thiên Huế: Tôn vinh 12 trí thức Khoa học Công nghệ tiêu biểu / Thừa Thiên Huế xét tặng Giải thưởng Cố đô về Khoa học và Công nghệ năm 2021
Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam ra đời thế nào?
Cách đây 58 năm, tại Đại hội Đại biểu Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất (tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đến dự và chúc mừng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Đại biểu Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất năm 1963 (ảnh tư liệu).
Tại sự kiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu, tổng kết những luận điểm quan trọng nhất về phát triển khoa học công nghệ.
Người khẳng định: "Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học và công nghệ của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp... Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó... Khoa học phải tự sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi...”.
Và Người căn dặn: “Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học và kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ...".
Khoa học và Công nghệ không chỉ khẳng định vai trò và sức mạnh to lớn trong các lĩnh vực công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà còn trở thành động lực then chốt của sự nghiệp đổi mới và phát triển.
Đến ngày 18/6/2013, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Luật Khoa học và Công nghệ được thông qua; đồng thời thống nhất lấy ngày 18/5 hàng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Đây thực sự trở thành ngày truyền thống nhằm biểu dương tôn vinh đội ngũ cán bộ Khoa học và Công nghệ, tuyên truyền phổ biến rộng rãi các thành tựu Khoa học và Công nghệ phục vụ cho sự phát triển đất nước, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của Khoa học và Công nghệ, động viên thế hệ trẻ say mê nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trong tương lai.
Trong những ngày này, nhiều hoạt động được Ngành Khoa học và Công nghệ tổ chức, là dịp để nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước.
Thế hệ trẻ với công cuộc phát triển Khoa học và Công nghệ
Những năm qua, Khoa học và Công nghệ không chỉ khẳng định vai trò và sức mạnh vô cùng to lớn trong các lĩnh vực công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà còn trở thành động lực then chốt của sự nghiệp đổi mới và phát triển.
Tuổi trẻ cả nước đã chủ động tiến quân, làm chủ lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Với chủ trương coi Khoa học và Công nghệ là động lực cho sự phát triển, thời gian qua, tuổi trẻ cả nước đã chủ động tiến quân, làm chủ lĩnh vực này. Qua đó, khai thác triệt để thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm phục vụ cho học tập, lao động, sản xuất.
Nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phát minh, sáng chế được thực hiện từ trí tuệ, đam mê, nhiệt huyết của lực lượng đoàn viên thanh niên cả nước đã phát huy tính ứng dụng vào thực tiễn. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất lao động, làm lợi kinh tế, phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan, đơn vị.
Những năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai các phương thức hỗ trợ kinh phí, đầu tư cho các đề tài bằng cơ chế Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted). Qua đó, các nhà khoa học trẻ có cơ hội được hỗ trợ nghiên cứu khoa học cơ bản, tiếp cận trình độ khu vực và thế giới.
Theo TS. Ðỗ Tiến Dũng, Giám đốc Quỹ Nafosted, từ khi Quỹ đi vào hoạt động (năm 2008) đến nay đã có hơn 3.000 đề tài nghiên cứu được tài trợ, với sự tham gia của hơn 15.000 lượt nhà khoa học tại các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước.
“Trong đó, số đề tài có chủ nhiệm không quá 40 tuổi chiếm từ 55 đến 65%. Tỷ trọng nhà khoa học trẻ được hỗ trợ lớn, đóng góp quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tương lai”, TS. Ðỗ Tiến Dũng cho biết thêm.
Các nhà khoa học trẻ mong muốn có nhiều cơ hội thử thách để thể hiện năng lực bản thân, nhằm cống hiến trí tuệ cho sự phát triển của quê hương, đất nước.
Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, nhiều nhà khoa học trẻ cho biết, dù ngày càng nhiều thuận lợi trong nghiên cứu, nhưng họ cũng có nhiều áp lực, quan trọng nhất là phải tạo được niềm tin, hoài bão, say mê, thể hiện được năng lực bản thân, cạnh tranh với đồng nghiệp và các nhóm nghiên cứu trên thế giới.
“Hy vọng thời gian tới, sẽ có những cơ chế, chính sách tốt hơn về lương, thưởng cho những nhà khoa học, nhất là những người làm việc tốt, có công bố khoa học xuất sắc. Lãnh đạo các cấp cũng cần cho cán bộ trẻ, nhà khoa học trẻ nhiều cơ hội thử thách để thể hiện năng lực bản thân, nhằm cống hiến trí tuệ cho sự phát triển của quê hương, đất nước”, một nhà khoa học trẻ tại TP.HCM chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo