Đánh giá chi tiết Xiaomi Mi 8 Lite
98% người dùng Internet Việt Nam mua hàng qua mạng / Tại sao Microsoft không từ bỏ Cortana?
Đúng là không thể đánh giá thấp khả năng "mắn đẻ" của Xiaomi. Dù đã có tới ba phiên bản Mi 8 gồm Mi 8 thông thường, Mi 8 Explorer Edition và Mi 8 SE, hãng điện thoại Trung Quốc này vẫn ra mắt thêm hai biến thể nữa là Mi 8 Pro và Mi 8 Lite. Điều này đưa tổng số thành viên của dòng Mi 8 lên con số 5, đồng thời biến nó thành dòng máy có nhiều phiên bản nhất của Xiaomi từ trước đến nay.
Trong đó, Mi 8 Lite, "nhân vật chính" trong bài đánh giá này là em út với cấu hình và mức giá thấp nhất, nhưng chắc chắn chiếc smartphone này sẽ không dễ bị "bắt nạt", nhất là so với các sản phẩm ở tầm giá 7 triệu đồng hiện nay.
Mi 8 Lite - "em út" trong gia đình Mi 8
Xiaomi Mi 8 Lite chính thức lên kệ từ đầu tháng 11 với hai màu xanh và đen, giá bán là 6,69 triệu đồng cho phiên bản bộ nhớ 4GB + 64GB và 7,49 triệu đồng cho phiên bản bộ nhớ 6GB và 128GB. Sản phẩm trong bài đánh giá của VnReview hôm nay là phiên bản màu xanh mộng mơ (dream blue) dung lượng RAM/ROM là 4GB/64GB.
Thiết kế gây chú ý với mặt lưng chuyển màu lạ mắt, thân máy mỏng nhẹ
Bên cạnh "tai thỏ", thiết kế với mặt lưng hiệu ứng chuyển màu (gradient) đang trở thành xu hướng lớn nhất trên thị trường smartphone trong năm 2018 hoặc ít ra thì đây là điều mà các hãng smartphone Trung Quốc đang cố thực hiện. Hiệu ứng chuyển màu là sự kết hợp giữa hai hoặc nhiều màu sắc khác nhau, biến chuyển một cách mềm mại từ màu này sang màu khác mà không có sự gián đoạn, tạo cảm giác vui tươi, nổi bật hơn các màu đơn sắc khác.
Kiểu thiết kế "tai thỏ" tiếp tục được Xiaomi sử dụng trên Mi 8 Lite
Xiaomi hẳn không muốn đứng bên ngoài bất kỳ trào lưu nào và hiệu ứng chuyển màu không phải là ngoại lệ. Mi 8 Lite và Mi 8 Pro là hai chiếc smartphone đầu tiên của "Tiểu Mễ" được thiết kế với mặt lưng chuyển màu, nhưng điều đó không có nghĩa là họ "non tay". Màu xanh mộng mơ của Mi 8 Lite chắc chắn sẽ khiến bạn nhớ đến màu xanh chạng vạng (twilight) của chiếc Huawei P20 ra mắt hồi đầu năm nay. Đây cũng là smartphone đánh dấu sự "lột xác" về thiết kế của Xiaomi ở phân khúc tầm trung, sau hàng tá sản phẩm với mặt lưng nhàm chán.
Máy có mặt lưng chuyển màu dạng gradient khá giống chiếc Huawei P20 Pro hay Huawei Nova 3i
Theo sở thích của người viết, màu xanh mộng mơ là đẹp nhất trong số 2 tùy chọn màu của Mi 8 Lite hiện nay (màu xanh và đen). Màu đen của Mi 8 Lite trông hơi đơn điệu nhưng màu xanh mộng mơ thì khác, nó là sự pha trộn giữa màu xanh biển và màu tím khiến sản phẩm thực sự nổi bật khi cầm trên tay.
Mặt lưng kính bóng bảy kết hợp cùng màu sắc lạ mắt giúp Mi 8 Lite dễ gây chú ý
Tuy nhiên, mặt lưng kính của Mi 8 Lite rất bám mồ hôi và vân tay, và màu xanh mộng mơ càng khiến nó dễ nhận thấy hơn. Chỉ cần cầm máy khoảng 5 phút để kiểm tra email và tin nhắn Facebook, mặt lưng chiếc Mi 8 Lite đã bám đầy các vết lem nhem. Người dùng sẽ liên tục phải lau chùi để giữ thẩm mỹ cho máy, hoặc mua một chiếc ốp lưng trong suốt nào đó khác, vì ốp lưng nhựa dẻo mà Xiaomi tặng kèm trong hộp cũng khá bám vân tay.
Có vẻ như đã "chán" xoay dọc camera như iPhone X và nhiều máy Xiaomi gần đây, cụm camera kép của Mi 8 Lite được đặt trở lại nằm ngang giống các máy Redmi 6 và Redmi 6A cùng với một chiếc đèn LED flash ở bên cạnh. Ở chính giữa mặt lưng là cảm biến vân tay một chạm.
Camera kép của Mi 8 Lite được xoay ngang, bên cạnh là đèn flash và phía dưới là cảm biến vân tay
Mặt trước của Mi 8 Lite là màn hình IPS LCD 6.26-inch có "tai thỏ". Như vậy, dù là phiên bản "Lite" nhưng Mi 8 Lite lại là thiết bị có kích thước màn hình lớn nhất trong số 5 anh em. "Tai thỏ" của Mi 8 Lite khá nhỏ gọn, chỉ đủ chứa camera selfie, loa thoại, cảm biến và đèn LED thông báo, giúp máy có tỷ lệ màn hình/mặt trước đạt 82,5%, chỉ thua kém một chút so với đàn anh Mi 8 Pro dùng màn Super AMOLED (83,8%). Tuy nhiên, phần "cằm" của Mi 8 Lite vẫn khá dày và do là phiên bản giá rẻ nên Mi 8 Lite không được tích hợp công nghệ nhận diện khuôn mặt bằng hồng ngoại.
Phần tai thỏ của Mi 8 Lite khá nhỏ gọn, đủ chỗ cho loa thoại, cảm biến ánh sáng, camera trước và đèn LED thông báo.
Phần cằm máy vẫn tương đối dày
Khung nhôm của Mi 8 Lite được phủ một lớp sơn bóng màu xanh biển trông khá bắt mắt, nhưng nó cũng bám vân tay và mồ hôi như mặt lưng và chưa rõ độ bền của lớp sơn này sẽ ra sao khi sử dụng trong thời gian dài. Cạnh trái của máy chỉ có khe sim lai (2 sim nano hoặc 1 sim + 1 thẻ microSD), còn cạnh phải là hai phím tăng giảm âm lượng và phím nguồn. Cạnh trên của máy chỉ có lỗ mic, không hề có cổng hồng ngoại để điều khiển các thiết bị gia dụng như một số điện thoại khác của Xiaomi.
Khe sim lai của Mi 8 Lite
Khung nhôm của Mi 8 Lite được phủ lớp sơn bóng màu xanh bắt mắt nhưng bám vân tay
Cạnh dưới của Mi 8 Lite có thiết kế cân đối, hoàn thiện tốt. Loa ngoài của Mi 8 Lite chỉ là loa đơn, và máy không có cổng tai nghe 3.5mm.
Cạnh dưới của Mi 8 Lite được thiết kế cân đối, tuy chỉ có một loa ngoài nhưng Xiaomi vẫn đục một dải lỗ ở bên trái để tạo sự thẩm mỹ. Ở chính giữa là cổng kết nối kiêm cổng sạc USB type C. Xiaomi đã loại bỏ cổng tai nghe 3.5mm trên Mi 8 Lite, hãng tặng kèm trong hộp một cáp chuyển đổi từ 3.5mm sang USB type C.
Mi 8 Lite cho cảm quan tốt về thiết kế với độ hoàn thiện cao, chất liệu khung kim loại, mặt lưng kính
Về tổng thể, độ hoàn thiện của Mi 8 Lite ở mức tốt, các cổng kết nối và điểm giao tiếp giữa màn hình và khung máy không có chi tiết thừa. Kích thước màn hình 6,26-inch không thực sự là một trở ngại quá lớn, nhất là với những người có bàn tay lớn như người viết. Ưu điểm lớn nhất trong thiết kế của Mi 8 Lite là phần khung kim loại chắc chắn, thân máy mỏng, viền màn hình khá gọn và mặt lưng với hiệu ứng chuyển màu bắt mắt.
Màn hình chất lượng hiển thị khá, loa ngoài trung bình
Với màn hình IPS LCD kích thước 6,26-inch độ phân giải FullHD+ (2280x1080 pixel), tỷ lệ 19:9, mật độ điểm ảnh 403 ppi, Mi 8 Lite cho chất lượng hình ảnh khá sắc nét, không có hiện tượng rỗ và không bị giảm độ tương phản quá nhiều khi nhìn nghiêng. Màn hình thể hiện màu sắc trung tính, khá trong trẻo và góc nhìn rộng. Tuy vậy, độ sáng tối đa của màn hình ở vừa phải, chỉ đủ dùng khi ở ngoài trời âm u hay dưới bóng râm. Bạn sẽ gặp chút khó khăn nếu ánh nắng quá gắt.
Trên điện thoại này, Xiaomi tiếp tục đưa vào các tùy chọn chế độ màu sắc (mặc định, ấm áp và lạnh) và độ tương phản khác nhau (tự động, tăng độ tương phản và tiêu chuẩn). Tùy nhu cầu, bạn có thể lựa chọn chế độ màu sắc tương ứng. Ví dụ, khi cần đọc nhiều văn bản đỡ mỏi mắt, bạn có thể chọn chế độ màu mặc định và độ tương phản tiêu chuẩn sẽ giảm bớt ánh sáng xanh cũng như duy trì độ ổn định về độ tương phản.
Với tỉ lệ 19:9, màn hình có thể hiển thị đầy đủ video trên YouTube (thường có tỉ lệ 16:9) mà không bị lẹm vào phần tai thỏ. Trong phần lớn ứng dụng khác, Xiaomi cũng xử lý phần mềm khá tốt, trường hợp đáng chú ý nhất có lẽ là tựa game PUBG Mobile, khi phần rãnh đen sẽ che mất một số nội dung hiển thị của trò chơi. Xiaomi có tích hợp khả năng ẩn đi tai thỏ, nhưng làm vậy sẽ khiến phần viền trên trở nên dày hơn đáng kể, và màu đen của màn hình LCD cũng không đủ để ẩn nó đi hoàn toàn.
Đối với một số tựa game chưa được tối ưu hóa, chẳng hạn như PUBG Mobile, phần tai thỏ sẽ che đi một phần nội dung
Màn hình lớn 6,26 inch cho trải nghiệm giải trí tốt, nhưng chất lượng âm thanh chưa tương xứng.
Tuy nhiên, loa ngoài nói riêng và chất lượng âm thanh nói chung không phải là điểm sáng của Mi 8 Lite. Âm lượng của cả loa ngoài lẫn tai nghe đều hơi nhỏ. Người viết phải để âm lượng ở trên mức khuyến cáo để đủ nghe và chất âm cũng không có gì đặc sắc. Việc Xiaomi tặng kèm cáp chuyển tai nghe từ 3.5mm sang Type-C là một điều đáng hoan nghênh, giúp bạn tận dụng được kho tai nghe chất lượng cao nếu có. Nên nhớ rằng những chiếc iPhone XS, XS Max và XR với mức giá đắt hết nhiều lần còn không được Apple tặng kèm sợi cáp chuyển kiểu này, buộc người dùng iPhone và iPad đời mới phải tốn tiền mua thêm với giá tới 9 USD (khoảng hơn 200 nghìn đồng).
Phần mềm vẫn chỉ là MIUI 9
Giao diện chính của MIUI 9.6.4 trên Mi 8 Lite
Mi 8 Lite hiện chạy phần mềm Android 8.1 với giao diện MIUI 9.6.4 Global. Được biết, quá trình cập nhật MIUI 10 cho Mi 8 Lite đã xảy ra lỗi, và bản cập nhật này đã bị dời xuống cuối tháng 11. Tuy nhiên, đây cũng không hẳn là điều gì đáng buồn vì không ít người dùng Xiaomi phàn nàn rằng phiên bản MIUI 10 có nhiều lỗi vặt, nóng máy và thời lượng pin không ổn định.
Bạn có thể lựa chọn giữa dùng phím ảo truyền thống và dùng cử chỉ điều hướng. Với màn hình lớn 6,26 inch, dùng cử chỉ điều hướng sẽ tiện lợi hơn đáng kể.
Mi 8 Lite cho phép bạn lựa chọn giữa hai phương thức điều hướng là sử dụng ba phím ảo truyền thống (back, home, recent) hoặc sử dụng các thao tác cử chỉ. Các thao tác cử chỉ hoạt động mượt mà, ít có cảm giác bị khựng như các dòng máy giá rẻ hơn của Xiaomi. Tuy nhiên, có một vấn đề là Xiaomi không tích hợp cử chỉ để mở nhanh trung tâm điều khiển, người dùng phải vuốt từ cạnh trên của máy xuống, khiến ngón tay phải di chuyển một đoạn khá dài (ở trang chính bạn có thể vuốt xuống từ bất cứ đâu để mở trung tâm điều khiển, nhưng trong ứng dụng thì không).
Nhận diện khuôn mặt trên Mi 8 Lite
Mi 8 Lite không được trang bị hệ thống mở khóa khuôn mặt bằng hồng ngoại như đàn anh Mi 8 Pro nhưng tốc độ mở khóa bằng camera trước vẫn rất nhanh. Khi tôi ấn phím nguồn để bật máy thì màn hình khóa chưa kịp hiện lên, máy đã mở khóa xong, khá tiện lợi trong trường hợp bạn không thể mở khóa bằng vân tay. Thử nghiệm trong môi trường cực thiếu sáng, Mi 8 Lite vẫn nhận diện được khuôn mặt chỉ với ánh sáng hắt ra từ màn hình dù số lần thành công thấp hơn, khoảng 40-50%.
Tuy nhiên, Xiaomi cảnh báo hệ thống bảo mật khuôn mặt có thể bị đánh lừa bởi ảnh chụp 2D. Người viết đã thử nghiệm với một bức ảnh selfie đăng trên Facebook và trong một số trường hợp, máy vẫn nhận dạng và mở khóa, nên người dùng cần cân nhắc khi lựa chọn phương thức bảo mật này.
Còn lại, về cơ bản, MIUI trên Mi 8 Lite không có gì khác biệt so với những máy Xiaomi khác. Tuy nhiên, phiên bản mà người viết trải nghiệm vẫn còn tồn tại một vài lỗi vặt, như không có nút dọn dẹp toàn bộ ứng dụng chạy nền ở giao diện đa nhiệm mà phải vuốt thủ công từng ứng dụng một hay thỉnh thoảng ứng dụng bị lag khi thoát.
Màn hình đa nhiệm MIUI 9.6.4 trên Mi 8 Lite.
Hiệu năng nhanh nhẹn, "cân ngon" game nặng
Về hiệu năng, là biến thể có cấu hình thấp nhất trong dòng Mi 8, Mi 8 Lite được trang bị SoC Qualcomm Snapdragon 660 AIE (Artificial Intelligence Engine) tối ưu cho các tác vụ xử lý AI, GPU Adreno 512 với ba tùy chọn bộ nhớ bao gồm 4GB RAM/64GB bộ nhớ trong, 6GB RAM/64GB bộ nhớ trong và 6GB RAM/128GB bộ nhớ trong. Phiên bản máy chính hãng được bán tại Việt Nam là 4GB RAM/64GB bộ nhớ trong và cũng là bản tôi sử dụng trong bài viết này.
Snapdragon 660 trên Mi 8 Lite có 4 nhân Kryo 260 xung nhịp 2.2GHz hiệu năng cao và 4 nhân Kryo xung nhịp 1.8GHz tiết kiệm năng lượng. Con chip này có hiệu năng cao hơn 20% so với Snapdragon 636 và cao hơn 79% so với Snapdragon 625. Không chỉ thế, so sánh với Exynos 7885 có trên một số thiết bị phân khúc cận cao cấp của Samsung, Snapdragon 660 cũng cho hiệu năng mạnh mẽ hơn tới 21%. RAM 4GB là quá đủ để đáp ứng nhu cầu đa nhiệm thông thường, và nếu bạn chưa thỏa mãn với 64GB bộ nhớ trong, bạn vẫn có thể mở rộng dung lượng lưu trữ bằng thẻ microSD khi Mi 8 Lite hỗ trợ thẻ lên tới 512GB.
Trong thực tế sử dụng, Mi 8 Lite cho tốc độ xử lý nhanh, mượt khi mở ứng dụng, thời gian chờ khi tải game hay xử lý ảnh cũng không bị đợi quá lâu. GPU Adreno 512 có thể dễ dàng "cân" những tựa game nhẹ như Liên Quân Mobile hay CrossFire Legends mà không gặp vấn đề gì. Trong hai tựa game "nặng đô" hơn là Dead Trigger 2 và PUBG Mobile, Mi 8 Lite vẫn đáp ứng rất tốt kỳ vọng của người viết.
Thử nghiệm với tựa game Liên Quân Mobile ở mức thiết lập đồ họa cao nhất, Mi 8 Lite vẫn luôn duy trì được FPS tối đa là 60 với độ ổn định 85%.
Dead Trigger 2 cũng chưa thể làm khó được Mi 8 Lite, khi máy duy trì được mức FPS trung bình là 59 FPS dù ở thiết lập đồ họa cao nhất với độ ổn định là 81%.
Với PUBG Mobile, tựa game bị khóa ở mức 30FPS. Thiết lập cấu hình cao nhất, bật khử răng cưa (anti-aliasing), Mi 8 Lite vẫn có thể duy trì mức 30FPS với độ ổn định 98%, dù ván chơi của người viết kéo dài gần 30 phút và máy đã nóng lên đáng kể.
Trên các ứng dụng đo hiệu năng, Mi 8 Lite cũng đạt điểm số ngang ngửa với những sản phẩm khác thuộc phân khúc tầm trung. Không thể kỳ vọng Mi 8 Lite có hiệu năng đột phá như Pocophone F1, nhưng chắc chắn nó sẽ đủ để bạn hài lòng với số tiền bỏ ra.
Điểm AnTutu đánh giá hiệu năng tổng thể
Điểm GeekBench đo hiệu năng xử lý đơn nhân và đa nhân của CPU
Bài test Manhattan trên ứng dụng GFXBench đo hiệu năng xử lý đồ họa của GPU ở độ phân giải thực của màn hình (onscreen) và độ phân giải mặc định Full-HD (offscreen).
Thời lượng pin khá, đủ dùng một ngày với cường độ vừa phải
Pin Li-Po của Mi 8 Lite có dung lượng 3.350 mAh, chỉ nhỏ hơn 50 mAh so với chiếc Mi 8 và lớn hơn ba anh em còn lại. Qua một số bài test quen thuộc của VnReview, Mi 8 Lite có thời lượng pin ở mức khá, ngang ngửa các máy cùng tầm. Máy xem phim liên tục được 10 giờ 42 phút, chơi game liên tục được 4 giờ 54 phút.
Thời gian xem phim HD chép vào máy ở độ sáng và âm lượng 70%, tính từ lúc pin đầy đến lúc còn 10% thì dừng.
Thời gian chơi game, cũng tính từ lúc pin đầy đến 10% thì dừng.
Sử dụng Mi 8 Lite làm máy chính trong một vài ngày từ 6h sáng, với kết nối 4G/Wi-Fi luôn bật, các tác vụ chính bao gồm lướt web, Facebook, xem Youtube, thỉnh thoảng chơi game nhẹ và nghe nhạc để giải trí, máy vẫn đáp ứng tốt một ngày làm việc. Về đến nhà vào lúc khoảng 6h chiều, Mi 8 Lite sẽ còn khoảng 1/3 lượng pin, và nếu dùng "tằn tiện" cho đến lúc kiệt pin, người viết có thể dùng máy đến khi đi ngủ vào lúc 11h đêm và cắm sạc qua đêm để sáng hôm sau ngủ dậy có thể tiếp tục sử dụng cho ngày mới. Tất nhiên, người viết không khuyến khích độc giả sử dụng thiết bị đến mức cạn kiệt pin vì điều này có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của pin.
Theo dữ liệu của AccuBattery, Mi 8 Lite có thể on-screen khoảng 7 giờ 44 phút, với thời gian sử dụng hỗn hợp là 40 giờ 15 phút. Ở chế độ chờ, máy hao khoảng 0,8% mỗi giờ khi bật 4G/Wi-Fi liên tục để nhận thông báo từ các ứng dụng.
Mi 8 Lite tích hợp công nghệ sạc nhanh Quick Charge 3.0 của Qualcomm, nhưng củ sạc kèm theo máy chỉ là củ sạc thường với đầu ra 5V-2A, công suất 10W. Nếu muốn sạc nhanh thì bạn cần bỏ tiền mua thêm củ sạc hỗ trợ. Mi 8 Lite cũng không có sạc không dây.
Camera chất lượng ổn, AI và chế độ tự động ít khác biệt
Ngày nay, camera được coi là một trong những thành phần quan trọng nhất có yếu tố quyết định để người tiêu dùng chọn mua smartphone. Và trước đây, camera luôn là "điểm yếu bền vững" của các sản phẩm Xiaomi, đặc biệt là những sản phẩm giá rẻ và tầm trung. Tuy nhiên, kể từ chiếc Xiaomi Redmi Note 5 ra mắt hồi đầu năm cho đến những sản phẩm tầm trung gần đây, camera trên smartphone Xiaomi đã không còn là điểm đáng bị nhận "gạch đá" như trước nữa.
Với Mi 8 Lite, máy được trang bị hệ thống camera kép ở phía sau gồm camera chính độ phân giải 12MP, khẩu độ f/1.9, kích thước điểm ảnh 1.4µm và tích hợp công nghệ lấy nét pha kép Dual Pixel cùng camera phụ cảm biến chiều sâu 5MP, khẩu độ f/2.0. Theo Xiaomi, cả hai camera đều sử dụng cảm biến IMX363 của Sony. Camera trước của máy có độ phân giải 24MP, kích thước điểm ảnh 0.9µm, khẩu độ f/2.2. Máy cũng hỗ trợ tính năng chụp selfie xóa phông dù chỉ có 1 camera.
Giao diện ứng dụng camera trên Mi 8 Lite.
Giao diện camera của Xiaomi khá giống với iPhone và nhiều hãng khác, khi xoay ngang sẽ có một bên là các chế độ quay chụp và một bên là các tùy chỉnh bật/tắt HDR, đèn flash, AI, hiệu ứng,…
Hòa theo trào lưu camera AI hiện nay, Mi 8 Lite hỗ trợ tính năng tự động điều chỉnh thông số máy ảnh dựa trên ngữ cảnh. Máy sẽ tự động nhận diện các cảnh chụp như chụp đồ ăn, động vật, chân dung rồi tối ưu màu sắc, độ nét… Ưu điểm của Mi 8 Lite so với nhiều smartphone hỗ trợ AI khác là máy cho phép bật hoặc tắt tính năng này. Như vậy, nếu không thích cách điều chỉnh của AI thì bạn có thể tắt đi để chủ động chụp theo ý mình. Ngoài ra, camera của Mi 8 Lite có hỗ trợ làm đẹp với công nghệ AI Smart Beauty cho cả với ảnh chụp và quay video.
Trong nhiều trường hợp, ảnh chụp khi bật và tắt AI trên Mi 8 Lite không có quá nhiều sự khác biệt. Tuy nhiên, một số tình huống chụp ảnh đồ ăn hay một số phong cảnh có bầu trời, ảnh chụp ở chế độ AI được đẩy màu sắc lên trông tươi tắn, nịnh mắt hơn so với chế độ tự động.
Về chất lượng, ảnh chụp trong điều kiện đủ sáng ban ngày của Mi 8 Lite có độ chi tiết khá, độ tương phản tốt, dải sáng ở mức trung bình. Chế độ HDR cải thiện đáng kể dải sáng của ảnh cũng như độ tách bạch giữa các vùng sáng tối. Tốc độ ghép khung hình ở chế độ HDR khá nhanh, không bị hiệu ứng bóng ma với chủ thể chuyển động như trên chiếc Redmi Note 6 Pro mà VnReview mới đánh giá gần đây.
Ảnh chụp ở chế độ tự động.
Ảnh chụp ở chế độ AI, màu sắc của chiếc bánh được đẩy lên trông bắt mắt hơn.
Ảnh bật AI (phải) có màu sắc tươi tắn và nền trời xanh hơn một chút so với ảnh tắt AI (trái)
Nhờ cảm biến có kích thước điểm ảnh lớn 1.4 micron cùng công nghệ lấy nét pha kép Dual Pixel PDAF, Mi 8 Lite có khả năng chụp thiếu sáng tốt. Ảnh chụp tái tạo được màu sắc tự nhiên, độ sáng và độ chi tiết ổn, chế độ HDR tỏ ra rất hiệu quả ở những ảnh chụp trong điều kiện chênh sáng hoặc nguồn sáng phức tạp. Ở điều kiện ánh sáng cực thấp, Mi 8 Lite đẩy sáng của bức ảnh lên khá nhiều, chấp nhận bị nhiễu hạt. Tuy nhiên, máy bắt nét hơi chậm khi chụp thiếu sáng và AI xử lý ảnh tối không tốt như ban ngày.
Chất lượng xóa phông của Mi 8 Lite có thể nói là tốt trong tầm giá. Ở điều kiện đủ sáng, máy tách biệt rõ chủ thể với phần nền, hậu cảnh được xóa mịn, ít bị lẹm vào đối tượng chính. Máy cho phép xóa phông theo thời gian thực – tức bạn chỉ cần giơ máy về phía chủ thể, camera sẽ tự nhận diện và xóa phông, thay vì chụp xong mới xử lý ảnh. Tất nhiên, sau khi chụp bạn vẫn có thể điều chỉnh độ xóa mờ cũng như các hiệu ứng bokeh giống như một số điện thoại Samsung. Tuy nhiên, khi chụp xóa phông ở điều kiện thiếu sáng hoặc ánh sáng phức tạp, Mi 8 Lite "hụt hơi" thấy rõ. Ảnh có độ nét thấp, vỡ, nhòe khá rõ rệt.
Máy hỗ trợ xóa phông tối ưu nhất ở khoảng cách sau 2 mét. Khi chụp, lúc đạt được khoảng cách tối ưu thì giao diện camera sẽ hiện lên chữ xóa phông. Tuy vậy, với các ảnh chụp cận thì máy vẫn xóa phông khá tốt như ảnh bánh mỳ phía trên.
Camera selfie của Mi 8 Lite có độ phân giải cao, lên tới 24MP, cao nhất trong các điện thoại Xiaomi hiện nay. Chất lượng hình ảnh ở môi trường đủ sáng khá tốt: nhiều chi tiết, màu sắc tự nhiên và góc chụp rộng. Giống như cụm camera kép phía sau, camera selfie của Mi 8 Lite cũng hỗ trợ chụp xóa phông thời gian thực dù chỉ là camera đơn. Ở môi trường đủ sáng, ảnh xóa phông khá tốt dù đôi lúc bị lẹm nhẹ vào tóc. Khi thiếu sáng, phần viền chủ thể của ảnh như ngọn tóc và vai mẫu dễ bị lẹm hơn. Khác với camera sau, ảnh xóa phông từ camera trước không điều chỉnh được mức độ xóa phông, có lẽ nguyên nhân là do máy ảnh trước chỉ có một camera.
Ảnh chụp ở chế độ thông thường
Ảnh chụp ở chế độ xóa phông
Ảnh chụp thông thường (trái) và xóa phông (phải)
Ảnh chụp thông thường (trái) và bật AI (phải)
Ảnh selfie xóa phông ở điều kiện thiếu sáng
Tổng kết
Có thể nói, Mi 8 Lite là một thiết bị thú vị. Tuy là em út trong số 5 anh em dòng Mi 8, Mi 8 Lite vẫn có được những lợi thế của riêng mình như màn hình lớn, pin khá, hiệu năng nhanh nhẹn, chụp ảnh rất ổn và nhất là thiết kế khung kim loại kính với mặt lưng có hiệu ứng chuyển màu lạ mắt.
Nếu so sánh vui, Mi 8 Lite giống như một cô em út trong gia đình đông anh em cần phải khẳng định giá trị, tiếng nói của bản thân để được mọi người công nhận. Tất nhiên, chiếc smartphone này vẫn còn vài điểm trừ nhỏ như phần mềm chưa phải bản mới nhất, loa âm lượng hơi nhỏ và camera AI chưa thực sự khác biệt nhưng xét ở tầm giá 7 triệu đồng chính hãng hiện nay, đây rõ ràng là sản phẩm đáng cân nhắc, đặc biệt với những người thích một sản phẩm có đầy đủ những ưu thế đặc trưng của Xiaomi lại có thiết kế bắt mắt.
Video mở hộp, trên tay Xiaomi Mi 8 Lite
End of content
Không có tin nào tiếp theo