Đánh giá chi tiết Xiaomi Mi A2: Nâng cấp cấu hình đã là đủ?
Xiaomi Redmi 6 Pro lên kệ tại Việt Nam với giá rẻ bất ngờ / Bảng giá điện thoại Xiaomi tháng 8/2018: Xáo trộn mạnh
Giống như Mi A1, Mi A2 gần như là phiên bản chạy Android gốc của chiếc Mi 6X mà Xiaomi đã ra mắt từ trước tại thị trường Trung Quốc. Nếu so với thế hệ trước, Mi A2 được nâng cấp khá nhiều về phần cứng với vi xử lý Qualcomm Snapdragon 660, đưa hiệu năng máy đến gần hơn với máy cận cao cấp trong khi giá bán vẫn ở tầm trung.
Thực ra câu chuyện "giá tốt so với cấu hình" cũng không quá xa lạ với các sản phẩm của Xiaomi. Tuy nhiên đến nay nhiều hãng khác, điển hình là thương hiệu Honor của "đồng hương" Huawei cũng đang có chiến lược tương tự. Liệu sản phẩm của Xiaomi có còn nổi bật như trước đây?
Clip đánh giá nhanh Xiaomi Mi A2
Xiaomi Mi A2 hiện đã được bán tại Việt Nam từ đầu tháng Tám với giá 6 triệu đồng cho phiên bản RAM 4GB, bộ nhớ 32GB và 6,7 triệu đồng cho bản RAM 4GB, bộ nhớ 64GB. Sản phẩm trong bài là phiên bản RAM 4GB, bộ nhớ 32GB.
Thiết kế
Như đã nói Mi A2 giống như một chiếc Mi 6X được cài phần mềm khác, nên thiết kế của hai máy cũng giống hệt nhau. Mặt lưng giống với Mi A1 cũ với khung kim loại cùng hai dải ăng ten ở hai đầu máy. Đây cũng là kiểu thiết kế cơ bản mà rất nhiều smartphone Xiaomi khác đã sử dụng.
Cụm camera kép đặt dọc nổi bật ở lưng máy
Dải ăng ten chạy sát hai đầu máy giống thiết kế trên iPhone 7
Điểm mới trên Mi A2 là cụm camera kép đặt dọc, giống như trên iPhone X. Nhìn vào mặt lưng, cụm camera trông rất nổi bật nhưng cũng khiến cho máy thiếu đi sự cân đối. Dù sao thì thiết kế này trông vẫn ổn hơn là cụm camera kép tách rời flash và hơi lạc lõng trên Mi A1.
Hai viền trên dưới của Mi A2 nhỏ hơn thế hệ trước nên thân máy không bị quá dài
Khác với thế hệ trước, Mi A2 đã bỏ cổng tai nghe 3,5 mm và có kèm cáp chuyển đổi trong hộp
Thân máy khá mỏng, viền bo cong nên cảm giác cầm thoải mái. Tuy nhiên do vỏ máy làm từ kim loại nên khi tay khô thì cầm máy có cảm giác hơi trơn. So với thế hệ trước, Xiaomi đã nâng cấp màn hình lên chuẩn 18:9, kích thước 5.99 inch nhưng lại thu hẹp được viền trên dưới màn hình, do vậy diện tích hiển thị lớn hơn đáng kể nhưng thân máy lại không dài hơn nhiều.
Cụm màn hình của máy hơi lồi nên tạo cảm giác không liền lạc
Trên đỉnh máy có đầu phát hồng ngoại, tính năng quen thuộc trên smartphone Xiaomi để điều khiển các thiết bị gia đình
Mi A2 có thể dùng hai Nano SIM nhưng không gắn được thẻ nhớ Micro SD
Tuy dùng thiết kế khung kim loại bao quanh màn hình và linh kiện, nhưng cụm màn hình của Mi A2 vẫn lồi hơn một chút so với phần khung nên tạo cảm giác không liền lạc khi vuốt tay từ hai bên. Bên cạnh đó, việc hãng lựa chọn cắt bỏ cổng tai nghe 3,5 mm cùng khe cắm thẻ MicroSD cũng là một bước lùi nếu so với Mi A1.
Màn hình và loa
Màn hình của Mi A2 có kích thước 5.99 inch, độ phân giải 2160 x 1080 pixel và tấm nền IPS LCD. Với độ sáng tối đa chỉ khoảng 400 nits, màn hình của Mi A2 sẽ hơi khó nhìn khi dùng ngoài trời. Góc nhìn của màn hình rộng, chỉ khi nhìn từ phía dưới lên thì hơi ngả đỏ một chút.
Về chất lượng hiển thị, màn hình của Mi A2 có cân bằng trắng hơi ngả xanh, hiển thị màu sắc bị lệch khá nhiều. Điều này dẫn đến việc chỉnh sửa ảnh trên màn hình sẽ dễ bị ra màu sắc không chuẩn nếu nhìn trên những thiết bị có màn hình chuẩn màu. Đáng tiếc là máy cũng không có tùy chọn nào để điều chỉnh màu sắc hiển thị của màn hình giống như các máy Xiaomi khác dùng phần mềm MIUI.
Khi đo bằng thiết bị chuyên dụng, màn hình của Mi A2 thể hiện không ấn tượng, màu sắc thực tế (chấm tròn) bị lệch khá xa so với chuẩn (ô vuông).
Về chất lượng âm thanh, loa ngoài của Mi A2 ở mức khá, đủ để nghe khi môi trường xung quanh không quá ồn. Máy chỉ có loa đơn chứ không phải loa kép như năm ngoái nên trải nghiệm nghe nhạc, xem phim không ấn tượng bằng.
Camera
Mi A2 vẫn mang một hệ thống camera kép giống như thế hệ trước, nhưng phần cứng và cách thiết lập đã thay đổi. Máy không còn camera tiêu cự dài (tele) như A1, mà dùng hai camera cùng có tiêu cự góc rộng, với độ phân giải 12MP + 20MP cùng khẩu độ lớn f/1.75. Camera trước có độ phân giải 20MP và khẩu độ f/2.0. Cả 3 camera của Mi A2 hiện nay đều sử dụng cảm biến của Sony.
Chức năng chính của camera phụ phía sau là thu độ sâu trường ảnh để hỗ trợ chụp xóa phông. Ngoài ra, Mi A2 còn cho phép người dùng có thể lựa chọn chụp từ camera 12MP hoặc 20MP khi chụp ở chế độ Thủ công. Thông thường thì máy chỉ chụp từ camera chính 12MP nhưng khi bật chế độ Thủ công, bạn có thể chọn chụp từ camera 12MP hoặc 20MP. Theo Xiaomi, camera 20MP với tính năng mang tên Super Pixel sẽ ghép 4 điểm ảnh lại thành một điểm ảnh cỡ lớn 2 µm để thu sáng tốt hơn so với camera 12MP với điểm ảnh 1.25 µm. Có lẽ vì vậy mà ở chế độ Thủ công, Xiaomi gọi lựa chọn camera 20MP là ống kính ánh sáng yếu, còn camera 12MP là ống kính thông thường.
Giao diện chụp ảnh của Mi A2 vẫn rất quen thuộc trên các thiết bị Xiaomi
Chế độ thủ công có thêm lựa chọn ống kính 12MP (thông thường) hoặc 20MP (ánh sáng yếu)
Với chế độ chụp thông thường, máy lấy nét nhanh và chuẩn xác, gần như chỉ cần giơ máy lên là ảnh đã lấy nét và đo sáng đúng, tốc độ chụp và xử lý cũng nhanh. Tuy nhiên khi chuyển sang chế độ chân dung, máy lưu ảnh chậm hơn hẳn.
Trong điều kiện ánh sáng thuận lợi, Mi A2 cho ra những bức ảnh với chất lượng tốt, chi tiết, độ nét cao, tương phản ổn nhưng màu sắc hơi rực. Phần bầu trời hay các gam màu nóng trong ảnh được đẩy lên cao hơn thực tế một chút nên trông nịnh mắt.
Với điều kiện ngược sáng, chênh sáng, camera của Mi A2 sẽ tự động kích hoạt tính năng HDR giúp cải thiện đáng kể dải sáng trong ảnh. Ảnh HDR của máy cho ấn tượng tốt, tự nhiên, dải sáng rộng. Ngay cả khi chụp ngược sáng mạnh hướng thẳng mặt trời, Mi A2 vẫn cho ảnh chất lượng tốt. Cả phần mặt trời nắng gắt lẫn các khu vực khuất sáng trong ảnh như chiếc xe máy vẫn được tái tạo đầy đủ. Khi chụp HDR, Mi A2 vẫn giữ được tốc độ nhanh, không có chênh lệch đáng kể nào so với khi chụp thông thường.
Ở điều kiện thiếu sáng, ảnh của Mi A2 vẫn giữ được chất lượng tốt. Độ nét, chi tiết trong ảnh được tái tạo đầy đủ, không bị bết hay làm mịn quá đà. Trong một số điều kiện rất thiếu sáng, máy đẩy mức ISO lên 1600 nên ảnh sẽ hơi nhiễu nhưng màu sắc cân bằng trắng vẫn được đảm bảo.
Khi ánh sáng không thuận lợi, máy vẫn giữ được tốc độ lấy nét và xử lý khá nhanh, chỉ lấy nét chậm hơn khi khung cảnh tối hẳn, mắt người cũng khó nhìn rõ. Ngoài ra trong chế độ thủ công, người dùng cũng có thể chuyển sáng camera 20MP mà Xiaomi gọi là Ống kính ánh sáng yếu.
Trải nghiệm thực tế cho thấy, camera 20MP quả thật cho chất lượng tốt hơn hẳn, nhất là trong điều kiện thiếu sáng. Điểm ảnh cỡ lớn giúp thu sáng hiệu quả, cho ra những bức ảnh thiếu sáng ít nhiễu, độ nét, chi tiết, nổi khối, màu sắc đều trội hơn so với ảnh chụp từ camera 12MP.
Một số ảnh thiếu sáng chụp bằng camera 20MP
Ở khả năng chụp ảnh xóa phông, dù không còn camera tele nhưng có vẻ như khi chuyển sang chế độ chụp làm mờ phông nền, camera của Mi A2 sẽ tự động zoom vào một chút để hiệu ứng xóa phông được rõ nét và tự nhiên hơn. Máy không cho phép lựa chọn mức độ xóa phông cả trước và sau khi chụp. Ảnh xóa phông cũng không thể chọn lại điểm nét.
Chất lượng ảnh xóa phông của Mi A2 tiếp tục gây ấn tượng tốt. Phần phông nền được xóa vừa phải, không quá ảo nên giữ được nét tự nhiên. Phần giao giữa chủ thể và hậu cảnh như tóc, vai không bị xóa lẹm. Như ở bức ảnh phía dưới, một vài sợi tóc của cô gái trong ảnh bị gió thổi bay lên nhưng camera của máy vẫn nhận diện được, không xóa nhầm.
Khi thiếu sáng, ảnh chụp xóa phông vẫn giữ được chi tiết, độ nét tốt, không bị nhiễu hạt nhiều. Màu sắc ảnh cũng được tái tạo tự nhiên, trung thực.
Camera selfie của Mi A2 có độ phân giải cao, tốc độ chụp nhanh và có cả đèn flash trợ sáng. Về phần mềm, máy có cả tính năng chụp xóa phông và làm đẹp tự động.
Ảnh selfie thông thường từ Mi A2 có chất lượng tốt, độ chi tiết cao khi chụp đủ sáng. Ở môi trường thiếu sáng, máy có đèn flash đủ làm sáng khuôn mặt, nhưng tốc độ chụp và lấy nét lại khá chậm nên dễ bị rung nếu cầm không chắc tay.
Ảnh selfie từ Mi A2 có độ chi tiết cao, tốc độ chụp nhanh
Chế độ làm đẹp có thể điều chỉnh tự động hoặc lựa chọn chỉnh da mặt, mắt…
Đèn flash sẽ phát huy tác dụng khi chụp selfie ở môi trường thiếu sáng, ngược sáng
Tính năng khiến tôi chưa hài lòng là selfie xóa phông. Chất lượng selfie xóa phông tốt, đủ để gây ấn tượng với người chụp, nhưng tốc độ thì có vấn đề. Mỗi lần bấm chụp máy lưu ảnh khá lâu, và trong thời gian đó giao diện ứng dụng camera cũng bị chậm, giật.
Khi chọn chế độ selfie xóa phông, máy xử lý chậm dẫn đến mất nhiều thời gian mới chụp được ảnh đúng ý
Hiệu năng và phần mềm
Mi A2 trang bị cấu hình mạnh hơn hẳn so với thế hệ trước. SoC Qualcomm Snapdragon 660 có sức mạnh không thua kém nhiều những vi xử lý Snapdragon đầu 8, vượt hơn nhiều so với Snapdragon 625 trên Mi A1 và A2 Lite. Dung lượng RAM 4GB đủ đáp ứng nhu cầu đa nhiệm thông thường, nhưng bộ nhớ trong 32GB có thể hơi ít nếu người dùng thường xuyên chụp ảnh, quay phim hay chơi nhiều game. Do máy không có thẻ nhớ nên nếu dùng nhiều bạn nên mua hẳn bản 64GB.
Vi xử lý Qualcomm Snapdragon 660 mang lại cho máy hiệu năng mượt mà, đáp ứng tốt phần lớn game
Mi A2 đáp ứng mượt các tác vụ sử dụng thông thường. Phần mềm gần với Android gốc có lẽ cũng giúp máy hoạt động nhẹ nhàng hơn, ít phải gánh những tác vụ phức tạp của MIUI. Cấu hình của máy cũng đủ đáp ứng hầu hết các game hiện nay với tốc độ khung hình từ 40 – 60 fps và thiết lập đồ họa cao, trừ những game tối ưu kém như PUBG Mobile.
Antutu đo hiệu năng tổng thể của thiết bị
Điểm GFXBench đo hiệu năng xử lý đồ họa của GPU ở độ phân giải thực của màn hình (oncscreen) và độ phân giải tiêu chuẩn Full-HD (offscreen).
Điểm Geekbench đo hiệu năng xử lý đơn lõi và đa lõi của CPU
Trong những ứng dụng đo hiệu năng, điểm số của Mi A2 tương đồng với nhiều smartphone đắt tiền hơn với cấu hình tương đương, như Nokia 7 Plus hoặc Oppo F7.Riêng với ứng dụng GeekBench, máy cho điểm số đa nhân thấp hơn hẳn những máy dùng Snapdragon 660 tương tự. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi thêm để tìm ra nguyên nhân của điểm số này.
Phần mềm Android One là điểm khác biệt lớn nhất giữa Mi A2 và Mi 6X. Mọi máy trong chương trình Android One đều được Google hỗ trợ cập nhật sớm, nên Mi A2 sẽ sớm được cập nhật lên Android Pie trong thời gian tới. Các dịch vụ gốc trong máy đều sử dụng của Google, nhưng Xiaomi vẫn giữ lại một số ứng dụng của họ như Mi Drop (chuyển file không dây) hay Điều khiển bằng hồng ngoại trên máy.
Tuy nhiên khi từ bỏ MIUI, Mi A2 cũng thiếu đi nhiều tính năng hữu ích của phiên bản này, như mở khóa bằng khuôn mặt (Mi 6X có trang bị tính năng này), sử dụng hai tài khoản mạng xã hội đồng thời (Dual Apps) hay không gian thứ hai (Dual Space).
Bên cạnh đó, MIUI cũng có kho chủ đề phong phú, cho phép bạn tùy biến điện thoại nhanh hơn. Tất nhiên một số tính năng của MIUI có thể đáp ứng bằng phần mềm bên thứ ba, nhưng nếu được tích hợp vào phần mềm gốc của điện thoại thì sẽ tiện hơn. Như vậy, Android thuần có điểm hay, nhưng không phải hoàn toàn vượt trội so với MIUI.
Thời gian sử dụng pin
Các smartphone tầm trung của Xiaomi thường có pin lớn từ 4000 mAh trở lên, nhưng riêng dòng Mi A và Mi 5X, Mi 6X lại chỉ có pin khoảng 3000 mAh. Nếu như với thế hệ Mi A1, dung lượng pin như vậy vẫn đủ để đảm bảo thời gian sử dụng dài vì máy dùng chip Snapdragon 625 tiết kiệm điện, thì Mi A2 lại dùng một dòng chip mạnh mẽ hơn. Đáng tiếc là sự cải thiện về mặt hiệu năng lại phải đánh đổi với thời gian sử dụng pin kém hơn.
Trong sử dụng thực tế, tôi thường không đạt được thời gian sử dụng một ngày, thoải mái với Mi A2. Với các tác vụ thông thường như lướt web, mạng xã hội, chụp ảnh và dùng kết nối 4G, WiFi thì máy chỉ trụ được khoảng 12 giờ, thời gian sáng màn hình chưa đến 4 giờ.
Báo cáo thời gian sử dụng trung bình sau gần 2 tuần sử dụng chiếc Mi A2, thông số trong ứng dụng AccuBattery
Con số này kém hơn so với trải nghiệm của người viết khi dùng chiếc Nokia 7 Plus, cũng sử dụng Snapdragon 660 và Android gốc nhưng pin lớn hơn. Tìm hiểu kỹ hơn với ứng dụng theo dõi AccuBattery, tôi nhận thấy máy thường có thời gian đạt trạng thái deep sleep (ngủ sâu) khá thấp khi sử dụng trong ngày, chỉ khi để máy qua đêm, không sử dụng thì máy mới đạt được trạng thái deep sleep lâu.
Như vậy, có thể thời gian mà máy cài đặt để tạm dừng hết các ứng dụng, đưa máy vào trạng thái nghỉ là khá dài, nên nếu dùng máy liên tục như khi dùng trong ngày thì pin sẽ tiêu tốn khá nhanh.
Trong các bài đánh giá pin tiêu chuẩn của VnReview, kết quả của Mi A2 cũng không mấy ấn tượng. Máy chỉ đạt chưa tới 9 giờ khi xem phim, gần 5 giờ khi lướt web và hơn 3 giờ chơi game, những kết quả thấp hơn so với các smartphone cùng tầm giá.
Kết luận
Với phiên bản Mi A2, Xiaomi đã đưa ra những nâng cấp đáng giá về hiệu năng và camera. Máy mạnh mẽ hơn hẳn so với phiên bản trước, có thể đáp ứng được tốt các game và ứng dụng yêu cầu hiệu năng cao. Camera tuy không còn tính năng chụp xóa phông với tiêu cự tele, nhưng được nâng cấp đều về chất lượng và khả năng chụp thiếu sáng.
Tuy nhiên Mi A2 cũng không phải là bản nâng cấp toàn diện của Mi A1. Điểm yếu lớn nhất của chiếc điện thoại này là pin không ấn tượng, nhất là khi so với chính những máy khác của Xiaomi. Để muốn có hiệu năng ấn tượng hơn, người dùng buộc phải chấp nhận pin của Mi A2 thua kém khá nhiều so với đời đầu, và máy cũng không còn chân cắm tai nghe hay khe cắm thẻ nhớ.
Trong tầm giá từ 6 đến 7 triệu, Mi A2 cũng sẽ phải cạnh tranh với nhiều đối thủ như Huawei Nova 3i, Honor Play với phần cứng cũng rất mạnh mẽ và nhiều tính năng camera hấp dẫn, hoặc thậm chí là iPhone 6 chính hãng đơn giản vì đó là iPhone. Mặc dù có hiệu năng và camera ổn, thời gian sử dụng pin và bộ nhớ không thể mở rộng sẽ là điểm khiến nhiều người dùng phải cân nhắc trên chiếc máy này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo