Đánh giá Xiaomi Mi 11 5G: Đối thủ xứng tầm của Samsung Galaxy S21 5G
Smartphone 5G, RAM 8 GB, pin 4.400 mAh, sạc 55W, màn hình 120Hz, giá gần 5 triệu đồng / Smartphone RAM 12 GB, pin 4.500 mAh, sạc 55W, màn hình 120 Hz, giá hơn 8 triệu đồng
Ở sân chơi smartphone Android chính hãng, ngoại trừ Samsung "một mình một cõi", phân khúc cao cấp trên 20 triệu đồng vẫn là một "cửa ải" khiến nhiều nhà sản xuất phải e dè, trong đó có Xiaomi. Liên tục có những sản phẩm mới ở các phân khúc thấp hơn, thương hiệu đến từ Trung Quốc chưa từng có sản phẩm nào thực sự cạnh tranh với thế độc tôn ấy của Samsung, khi thế hệ Mi 10 và Mi 10 Ultra năm ngoái không được bán tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi, với sự xuất hiện của Mi 11.
Là smartphone đầu tiên trang bị chip xử lý cao cấp Snapdragon 888 của Qualcomm, Mi 11 còn gây sự chú ý tại thị trường Việt Nam khi đi kèm với mức giá bán 21,99 triệu đồng. VnReview cũng đã thẳng thắn nhận định Mi 11 không chỉ là sự thách thức với Samsung mà còn cả với cộng đồng người hâm mộ của Xiaomi. Nhưng sau một thời gian trải nghiệm và sử dụng, người viết thấy Xiaomi có cơ sở để mạnh dạn đưa ra mức giá đó.
Thiết kế cao cấp, tiệm cận giới hạn
Nếu không kể đến những thử nghiệm của ngành công nghiệp như màn hình gập hay camera ẩn dưới màn hình, Mi 11 có thể nói đã tiệm cận đến giới hạn về thiết kế của smartphone ở thời điểm hiện tại. Đó là gì? Một smartphone "sandwich kính nhôm", màn hình cong hai cạnh, camera đục lỗ kích thước nhỏ và các viền màn hình mỏng cho trải nghiệm nhìn ngắm thoáng đãng. Nhưng vì sao nói tiệm cận? Vì dù là một flagship, Mi 11 vẫn không đạt chuẩn kháng nước/bụi IP Rating, rõ ràng là sự cắt giảm không nên có ở tầm giá này.
Màn hình của Xiaomi Mi 11 5G.
So với Mi 10, Mi 11 đã có những sự cải tiến nhất định về ngoại hình, cụ thể là chiều cao và cân nặng. Sở hữu màn hình lớn hơn nhưng Mi 11 mỏng hơn (8.1mm so với 9mm) và nhẹ hơn (194g so với 208g). Cùng với việc Mi 11 bo cong ở khắp mọi nơi trên toàn bộ thiết kế, flagship mới nhất của Xiaomi cho cảm giác cầm nắm dễ chịu, thoải mái hơn đàn anh. Dù vậy, nó cũng đi kèm với một sự đánh đổi nhỏ khi Mi 11 bị cắt đi tới 280 mAh dung lượng viên pin, chỉ còn 4.600 mAh.
Mặt trước, màn hình của Mi 11 được bảo vệ bởi kính cường lực Gorilla Glass Victus, bo cong hai cạnh. Kích thước camera selfie đục lỗ 20MP đã được thu nhỏ hơn nữa để tăng tối đa diện tích hiển thị, các cạnh viền mỏng cho cảm giác nhìn thoáng đãng. Một điều khá thú vị là hai mép trên dưới màn hình của Mi 11 bo cong mạnh hơn, dày hơn so với phần viền còn lại, giống với cách làm của Huawei P40 Pro, có thể là để tăng khả năng "sống sót" cho màn hình khi bị rơi.
Mi 11 trang bị cảm biến vân tay dưới màn hình dạng quang học. Trải nghiệm thực tế, cảm biến này có tốc độ mở khóa nhanh, tuy nhiên thỉnh thoảng không nhận diện được ngay lần đầu tiên mà phải ấn lại lần thứ hai, đặc biệt là khi tay bị ướt.
Mặt lưng của Mi 11 cũng được bảo vệ bởi kính cường lực Gorilla Glass Victus, phiên bản màu xám gần như không có hiệu ứng chuyển màu khi phản chiếu ánh sáng và cũng bám vân tay nhiều hơn màu xanh.
Cụm camera sau của Mi 11 có thiết kế khác hẳn Mi 10, vốn được xếp liền nhau theo chiều dọc, và những máy gần đây của Xiaomi nhưng vẫn có sự "học hỏi" nhất định, chẳng hạn như ống kính camera chính có vòng viền kim loại nổi bật đánh lừa kích thước thực tế giống cách Xiaomi đã làm với Mi 10T Pro. Các ống kính và đèn flash được sắp xếp tạo sự tương phản trắng đen khá thú vị.
Cấu hình cụm camera gồm camera chính 108MP F1.9, camera góc rộng 13MP và camera macro 5MP, không có sự hiện diện của camera tele. Cũng cần lưu ý, cảm biến camera chính của Mi 11 là Samsung ISOCELL HMX giống với Mi 10, nên đây là một trong những sự "dậm chân tại chỗ" đáng chú ý nhất trên mẫu flagship này.
Mi 11 tiếp tục bỏ rơi jack tai nghe 3.5mm, cạnh dưới gồm cổng USB-C, khe cắm sim và dải loa, thứ sẽ kết hợp với loa thoại phía trên tạo hiệu ứng âm thanh stereo và được tinh chỉnh bởi Harman Kardon. Cổng USB-C của Mi 11 không rõ vì lý do gì lại bị đặt lệch so với khay SIM và loa thoại, khiến cạnh dưới mất đi sự cân đối. "Đặc sản" cổng hồng ngoại của Xiaomi vẫn được giữ lại và nằm ở phía cạnh trên. Mi 11 cũng không có khe thẻ nhớ microSD.
Màn hình mang đến chất lượng hiển thị "xịn xò"
Không loại trừ khả năng, Mi 11 sở hữu tấm nền giống hệt với Galaxy S21 Ultra của Samsung. Hãy nhìn vào thông số: Cả hai đều là tấm nền cong LTPO OLED kích thước 6.8 inch tần số quét 120Hz, độ phân giải 3200 x 1440 pixel và độ sáng tối đa 1.500 nit. Là một người đã được trải nghiệm cả hai mẫu máy này, chất lượng hiển thị giữa Mi 11 và Galaxy S21 Ultra cũng rất tương đồng, cả về độ sắc nét chi tiết lẫn tương phản và tái tạo màu sắc.
Mi 11 cho phép người dùng lựa chọn giữa hai độ phân giải là WQHD+ và Full HD+, cũng như tần số quét 60Hz và 120Hz, nhưng máy có thể tự điều chỉnh dựa trên loại nội dung đang được hiển thị để tiết kiệm năng lượng. Tất nhiên, độ phân giải WQHD+ 120Hz sẽ mang đến trải nghiệm tối ưu, chi tiết sắc nét và cuộn vuốt mượt mà, nhưng đồng thời cũng sẽ tiêu tốn một lượng lớn pin.
Bên cạnh những tùy chỉnh như bảng màu, chế độ nền tối,… Mi 11 còn có thêm một số công cụ hình ảnh AI gồm Siêu phân giải, Tăng cường hình ảnh AI, Tăng cường HDR AI và tính năng bù trừ chuyển động MEMC. Những tính năng này sẽ cải thiện chất lượng hiển thị trong một vài tình huống nhất định và dựa trên AI để đưa ra điều chỉnh phù hợp. Dù vậy, người viết khuyến cáo bạn nên luôn luôn tắt tính năng MEMC, khi nó sẽ tạo ra hiệu ứng bóng mờ khi ở tần số quét cao gây khó chịu. Trên Mi 10T Pro người dùng không tắt được MEMC, nên việc Mi 11 có thêm công tắc bật tắt có thể coi là một điểm cộng.
Dải loa kép của Mi 11 cho âm lượng khá to, không bị rè, chúng được "tinh chỉnh bởi Harman Kardon" nhưng có lẽ mang tính PR nhiều hơn, khi chất âm không quá nổi bật ở bất kỳ dải nào.
Camera đủ tốt, nhưng chưa xứng tầm
Ở thế giới công nghệ và smartphone nói riêng, chỉ cần đứng yên thôi là bạn đã thụt lùi, và điều đó đúng với trường hợp của cụm camera chính trên Mi 11, khi Xiaomi trang bị cảm biến Samsung ISOCELL HMX từng dùng trên Mi 10 năm ngoái cho ống kính chính. ISOCELL HMX có thể không tệ, nhưng nó không còn phù hợp với "vị thế" của Mi 11 nay đã thuộc phân khúc cao cấp, chưa kể Samsung cũng đã tung ra các bản nâng cấp cho cảm biến này. Ngoài ra, Mi 11 cũng không có camera tele, việc zoom sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào độ phân giải 108MP của camera chính.
Với độ phân giải 108MP, mặc định camera chính của Mi 11 sẽ ghép bốn điểm ảnh vào làm một, cho ra ảnh độ phân giải 27MP. Tuy những ngày gần đây, thời tiết tại Hà Nội không ủng hộ, bầu trời thường xám xịt và nhiều mây, ảnh từ camera chính của Mi 11 nhìn chung vẫn giàu chi tiết, cân bằng sáng hợp lý, ít noise, nước ảnh chân thực nếu không lạm dụng tính năng AI. Tốc độ chụp và lấy nét của máy nhanh.
Ảnh chế độ tự động (trên) và chụp đêm Night Mode (dưới)
Ảnh chế độ tự động (trên) và chụp đêm Night Mode (dưới)
Ảnh chế độ tự động (trên) và chụp đêm Night Mode (dưới)
Trong điều kiện thiếu sáng, có vẻ như Xiaomi đã có những sự nâng cấp nhất định về thuật toán, khi dù ống kính chính có khẩu độ F/1.9 nhỏ hơn so với Mi 10, ảnh của Mi 11 vẫn sáng và giàu chi tiết, đồng thời kiểm soát được noise không gây ảnh hưởng tới tổng thể bức ảnh. Chế độ chụp đêm giúp lấy lại lượng lớn chi tiết mất đi ở gần vùng sáng, nhưng tất nhiên, nó yêu cầu người dùng phải giữ thật chắc tay khi chụp.
Camera góc rộng của Mi 11 có độ phân giải 13MP, cho góc nhìn 123 độ. Trong phần cài đặt camera có tùy chỉnh cho phép máy tự động hiệu chỉnh biến dạng khi chụp camera góc rộng, và chúng hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, camera này chỉ có điểm lấy nét cố định, nên khả năng sáng tạo của người dùng khi chụp đôi khi cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Camera telemacro của Mi 11 cho khoảng cách lấy nét xa hơn
Ống kính Macro trên Mi 11 thực tế lại là điểm sáng của cụm camera. Độ phân giải 5MP mang lại nhiều chi tiết hơn so với những ống kính macro 2MP mà các hãng khác thường đưa vào để PR, và cũng không phải ngẫu nhiên mà Xiaomi gọi đây là ống kính ‘telemacro' - ống kính này có thể lấy nét trong khoảng từ 3 đến 9 cm, tránh được tình trạng phổ biến khi chụp ảnh macro là chính bản thân chiếc máy ảnh che đi lượng ánh sáng tự nhiên khi người dùng cố tiến lại gần chủ thể để chụp.
Chế độ chân dung, camera sau
Ảnh chụp từ camera selfie của Mi 11
Ảnh chân dung (portrait) và selfie của Mi 11, đáng tiếc, vẫn chỉ dừng lại ở mức "đủ dùng". Dù đôi lúc chế độ làm đẹp khiến da bị thiếu tự nhiên, nhưng bù lại Mi 11 cho ảnh với phông nền xóa mịn, tách bạch chủ thể, ít bị lem, dù cả hai camera trước và sau đều không có ống kính đo độ sâu trường ảnh hỗ trợ. Nếu không quá khắt khe, nhu cầu chỉ up ảnh lên Facebook, Mi 11 có thể đáp ứng, nhưng là một mẫu máy flagship, người viết kỳ vọng nhiều hơn so với những gì mà máy mang lại.
Hiệu năng mạnh mẽ nhưng dễ bị "bóp", thời lượng pin dưới trung bình
Mi 11 là smartphone đầu tiên trên thế giới được trang bị chip xử lý Snapdragon 888 mới nhất của Qualcomm. Phiên bản bán chính hãng tại Việt Nam có 8GB RAM và 256 GB bộ nhớ trong (dù model VnReview trên tay chỉ có 128GB bộ nhớ trong). Mi 11 được cài sẵn Android 11, giao diện MIUI 12 ngay khi xuất xưởng, và sẽ là một trong những máy đầu tiên được nâng cấp lên MIUI 12.5.
>> Xem thêm: Bảng giá điện thoại Samsung tháng 4/2021: Loạt sản phẩm mới lên kệ
Vi xử lý Snapdragon 888 cùng 8GB RAM có thể "cân" được mọi tác vụ mà người dùng đưa ra một cách mượt mà, gần như không có độ trễ, ngay cả khi ở độ phân giải WQHD+. Các bài benchmark đều cho điểm số cao, chẳng hạn như GeekBench 5, Mi 11 đạt 1128 điểm đơn nhân và 3618 điểm đa nhân. Tuy nhiên, lượng nhiệt mà Snapdragon 888 tỏa ra là rất lớn, đặc biệt là khi chơi game, có thể khiến xung nhịp bị giảm xuống và số khung hình trên giây (fps) cũng giảm theo.
Tựa game Dead Trigger 2 đã hỗ trợ tần số quét 120Hz. Ở thiết lập đồ họa cao nhất, Mi 11 vẫn có thể đạt fps trung bình lên tới 117, rất mượt mà, không có tình trạng sụt giảm khung hình đáng kể
PUBG Mobile thiết lập đồ họa HDR không làm khó được Mi 11. Người viết chọn thiết lập này vì UltraHD chỉ mở khóa tối đa 40 fps, mà những tựa game bắn súng như PUBG Mobile quan trọng khung hình trên giây hơn là chất lượng hiển thị. Và ở thiết lập này, Mi 11 dễ dàng đạt mức fps trung bình 59.5
Một trong những tựa game "khó nhằn" nhất hiện nay, Genshin Impact là đối thủ rất xứng tầm của Mi 11. Ở thiết lập đồ họa cao nhất, Mi 11 cũng chỉ đạt fps trung bình 55.8, và chủ yếu thời gian chơi người viết làm nhiệm vụ ở trong thành phố. Sau khoảng hơn 20 phút chơi, hiện tượng quá nhiệt xảy ra và Mi 11 bị giảm xung để bảo vệ linh kiện, khiến fps trung bình tụt xuống chỉ còn trên dưới 30. Những thông số ấy không được ghi lại trong quá trình đo này.
Về thời lượng pin, màn hình độ phân giải WQHD+ cùng tần số quét 120Hz khiến dung lượng pin 4.600 mAh của Mi 11 thật nhỏ bé. Thật vậy, dù người viết không thường xuyên chơi game, chủ yếu đọc báo và lướt Facebook, Tiktok nhưng pin của Mi 11 vẫn giảm khá nhanh, thời gian on-screen trung bình chỉ được khoảng 5 tiếng. Muốn kéo dài được đủ một ngày làm việc, người viết phải giảm độ phân giải xuống Full HD+.
>> Xem thêm: Bảng giá điện thoại Oppo tháng 4/2021: Thêm 2 sản phẩm mới
Độ phân giải WQHD+, tần số quét 120Hz của Mi 11 sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn
Sạc nhanh 50W được tặng kèm trong máy
Một điều an ủi là Mi 11 sạc đầy pin nhanh, với việc hỗ trợ công suất sạc tối đa 50W với củ sạc đi kèm máy. Từ 0%, Mi 11 chỉ mất khoảng 45 phút là đã sạc đầy viên pin.
>> Xem thêm: Bảng giá điện thoại Bphone tháng 4/2021
Tổng kết
Khó có thể nói Mi 11 là một smartphone hoàn hảo, nhưng đây là một tiền đề quan trọng nếu Xiaomi muốn tìm kiếm và khẳng định chỗ đứng tại phân khúc cao cấp. Hiệu năng và giá bán vẫn là lợi thế chính của Xiaomi, nhưng thương hiệu này cũng cần hiểu rằng khi đã ở trên này, nhu cầu và đòi hỏi của người dùng sẽ khác hẳn so với phân khúc giá rẻ hay tầm trung.
>> Xem thêm: Smartphone chip 768G 5G, RAM 8 GB, màn hình 144 Hz, sạc siêu tốc, giá hấp dẫn
- Video trên tay Xiaomi Poco F3 5G. Nguồn GSMArena.End of content
Không có tin nào tiếp theo