Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khuyến nông
Quyết liệt 'cởi trói' cho lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo / Nắm bắt cơ hội đột phá từ ngoại giao khoa học và công nghệ
Sáng 18/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến về chiến lược phát triển khuyến nông đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 (Chiến lược Khuyến nông).
Phó Thủ tướng nêu rõ Chiến lược Khuyến nông có đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, và rất cần thiết trong bối cảnh nhiệm vụ mới, tình hình mới đối với hoạt động kinh tế nông nghiệp.
Chiến lược cần xác định rõ quan điểm, vị trí của công tác khuyến nông hiện nay sẽ kế thừa gì, đổi mới gì; phạm vi triển khai, thực hiện; có mục tiêu toàn diện, bao trùm, hiệu quả đối với cả nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đặc biệt là phải đề ra một số giải pháp mang tính cốt lõi, sống còn, đột phá đối với công tác khuyến nông, gắn với nhiệm vụ, dự án cụ thể; đổi mới mô hình, phương thức hoạt động của hệ thống khuyến nông bảo đảm hiệu quả, hiệu lực.

Mục tiêu chung của Chiến lược là đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức và hoạt động khuyến nông, tăng cường phân cấp, đảm bảo bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với từng loại hình sản xuất và địa phương; phát triển, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa khuyến nông nhà nước với khuyến nông doanh nghiệp, khuyến nông cộng đồng, theo chuỗi ngành hàng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khuyến nông; xây dựng hệ thống khuyến nông chuyên nghiệp, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đến năm 2030, 90% số xã trên cả nước có tổ khuyến nông cộng đồng; trên 50% tài liệu kỹ thuật khuyến nông được số hóa, hình ảnh hóa, cập nhật trên cơ sở dữ liệu khuyến nông quốc gia; tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ cho khoảng 100.000 nông dân; 70% số mô hình, dự án khuyến nông được xây dựng và phát triển theo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững, đem lại lợi ích và hiệu quả kinh tế cho những người tham gia và cộng đồng.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác khuyến nông đối với người nông dân trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đa dạng, bảo đảm an ninh lương thực.
Chiến lược phải rõ ràng, mạch lạc khi xác định vị trí, chức năng, nhiệm vụ của công tác khuyến nông nhằm đóng góp nhiều nhất vào việc thực hiện các chiến lược, mục tiêu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Khuyến nông phải cùng với bà con nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang canh tác nông nghiệp hữu cơ, hiện đại, thông minh; kết nối các khâu, chuỗi sản xuất - thương mại; nâng cao chất lượng, năng suất, kiểm soát an toàn thực phẩm; phát triển các vùng hàng hoá, thương hiệu nông sản cung cấp cho thị trường trong nước, quốc tế với chất lượng cao nhất; xây dựng các mô hình gắn với chiến lược phát triển từng vùng, sản phẩm nông nghiệp quốc gia, du lịch nông nghiệp, nông nghiệp đô thị;…
Bên cạnh đó, Chiến lược Khuyến nông cần bổ sung thêm cơ chế, chính sách huy động các trường, viện nghiên cứu nông nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho công tác khuyến nông, cũng như bà con nông dân; quỹ phòng ngừa rủi ro trong sản xuất nông nghiệp;…
End of content
Không có tin nào tiếp theo