Thúc đẩy năng suất quốc gia từ lợi thế vốn có
Triển lãm quốc tế về công nghệ, thiết bị điện 2025: Cầu nối đổi mới công nghệ, thu hút đầu tư / Gỡ rào cản trong nghiên cứu khoa học: Chấp nhận rủi ro và khoán chi

Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của Việt Nam đề ra mục tiêu tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm. Việt Nam đã xác định quan điểm về đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng "Chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo".
Mới đây, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đặt mục tiêu đến năm 2030: Tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng lao động phải sớm được triển khai, đi vào thực tiễn.
Yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế
Theo Tiến sỹ Trần Hậu Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, năng suất lao động chính là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và từng doanh nghiệp.
Số liệu từ Viện Năng suất Việt Nam (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia) cho thấy, trong ba năm từ 2020 đến 2023, tốc độ tăng năng suất lao động đã giảm hơn so với giai đoạn trước do ảnh hưởng của COVID-19 đến sản xuất của doanh nghiệp, cùng với đó là một số bất ổn chính trị trong khu vực cũng như thế giới. Giai đoạn 2016 - 2023, Việt Nam có tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 5,6%/năm, được ghi nhận là có tốc độ tăng năng suất trong nhóm nước dẫn đầu trong khu vực châu Á. Giai đoạn này, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của một số nước: Singapore là 3,3%/năm, Malaysia tăng 2,6%/năm, Thái Lan tăng 2,6%/năm, Indonesia tăng 2,4%/năm, Philippines tăng 2,8%/năm, Brunei giảm 2,5%/năm, Hàn Quốc tăng 3,8%/năm và Nhật Bản giảm 0,2%/năm.
Tổng Thư ký Tổ chức Năng suất châu Á (APO), Tiến sỹ Indra Pradana Singawinata nhận định, trong quá trình phát triển, hiện nay, Việt Nam gặp nhiều thách thức trong đó có thách thức về việc thiếu nguồn lực con người, năng lực quản lý hạn chế, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) còn khiêm tốn. Kế hoạch tổng thể về nâng cao năng suất lao động thông qua khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có nhiều tăng trưởng tuy nhiên vẫn tồn tại hạn chế.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Minh Khương, thời gian qua, Việt Nam có tiến bộ đáng kể trong thúc đẩy tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất hiện còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Nếu không tăng tốc đáng kể về tăng trưởng năng suất, Việt Nam sẽ khó đạt được vị thế quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Đưa năng suất trở thành động lực phát triển
Tiến sỹ Indra Pradana Singawinata cho rằng, Việt Nam đã có những nền tảng quan trọng để tiếp tục nâng cao năng suất, đạt được nhiều thành tựu phát triển hơn nữa thời gian tới: Người dân cần cù, nỗ lực; sự ổn định về chính trị, xã hội và trong phát triển kinh tế; nền kinh tế đang có đà phát triển tốt với các kế hoạch, lộ trình hiệu quả để thực hiện các mục tiêu phát triển tới năm 2030, 2045.
Thới gian tới, Việt Nam cần tận dụng những lợi thế vốn có; xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực, tạo môi trường thuận lợi không chỉ cho doanh nghiệp trong nước mà còn cả các doanh nghiệp ngoài nước phát triển. Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển; tăng cường liên kết giữa cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, cần thống nhất chương trình đào tạo, đảm bảo tiếp cận nhân lực chất lượng và bình đẳng, tăng cường tính minh bạch.
Việt Nam cũng cần xây dựng phong trào cải thiện năng suất quốc gia phù hợp với bối cảnh mới, kết hợp tái cấu trúc nội dung của chương trình năng suất phù hợp với các giai đoạn phát triển: “Nhận thức về năng suất - Hỗ trợ cải tiến năng suất - Tự đầu tư cải tiến năng suất”. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng xây dựng chương trình hỗ trợ nâng cao năng suất đúng trọng tâm, trọng điểm và tập trung kinh phí để có được kết quả tốt nhất.
Chia sẻ các chiến lược và chính sách Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đang thực hiện để thúc đẩy năng suất quốc gia, Tiến sỹ Trần Hậu Ngọc cho biết, để cụ thể hóa những chủ trương theo nghị quyết Đại hội Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch liên quan đến thúc đẩy năng suất. Cụ thể, Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 (ban hành theo Quyết định số 1322/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/8/2020 - Chương trình 1322) có mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Cùng với đó là Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 36/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/1/2021) với mục tiêu đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực. Đồng thời, Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 (Quyết định số 1305/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/11/2023) cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trong đó, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy liên kết vùng, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là các trụ cột chính.
Mới đây, Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị đã đưa ra mục tiêu rất cụ thể trong nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng lao động như: Tỷ lệ đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%. Hiện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 03/NQ-CP triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã chủ động đưa ra chương trình triển khai Nghị quyết này của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã giao Viện Năng suất Việt Nam nghiên cứu các yếu tố đầu vào để đạt tăng trưởng TFP thời gian tới nhằm góp phần phần triển kinh tế - xã hội bền vững. Về các giải pháp cụ thể nâng cao năng suất quốc gia, Tiến sỹ Trần Hậu Ngọc cho rằng, cần tăng cường công tác xây dựng thể chế chính sách, pháp luật, trong đó, có Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng Sản phẩm hàng hóa. Dự kiến, hai Luật sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV năm 2025.
End of content
Không có tin nào tiếp theo