Khoa học - Công nghệ

Để doanh nghiệp KH&CN phát triển bền vững: Nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ (Bài 5)

DNVN - Một trong những khó khăn mà doanh nghiệp khoa học và công nghệ (DN KH&CN) nhiều năm qua gặp phải là bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Các vụ vi phạm quyền SHTT có chiều hướng tăng, bởi vấn đề thực thi quyền SHTT còn nhiều hạn chế, đòi hỏi cần có thêm chế tài xử lý.

Khơi thông đầu tư tư nhân thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển / Đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe

Theo báo cáo của Bộ KH&CN, năm 2021, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng lượng đơn sáng chế và kiểu dáng công nghiệp vẫn tăng khá cao (tương ứng là 9,1% và 11,9%) so với năm 2020. Kết quả xử lý đơn sở hữu công nghiệp tăng 3,8%, trong đó, kết quả xử lý đơn nhãn hiệu quốc gia tăng 6,3%. Kết quả giải quyết đơn khiếu nại về sở hữu công nghiệp tăng 29% và các loại đơn, yêu cầu liên quan đến văn bằng bảo hộ tăng hơn 15%.

Việc các đơn khiếu nại về quyền SHTT có chiều hướng tăng, bởi việc thực thi quyền SHTT của các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm quyền SHTT.

Lực lượng chức năng xử lý các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở các mặt hàng liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19.

Có thể kể đến trường hợp Công ty Cổ phần KH&CN Việt Nam (Busadco) trong những năm qua đã phải xử lý hơn 20 vụ việc các doanh nghiệp khác làm giả, làm nhái sản phẩm của họ.

Ông Lê Tuấn Nghĩa, Chuyên viên pháp lý của Busadco chia sẻ: "Quá trình công ty xử lý các vụ việc xâm phạm quyền SHTT gặp rất nhiều khó khăn, có những vụ kéo dài nhiều năm, gây thiệt hại cho công ty hàng tỷ đồng. Nguyên nhân có những vụ việc xử lý kéo dài bởi các cơ quan thực thi tại địa phương chưa có kinh nghiệm trong xử lý các vụ việc liên quan đến SHTT, nhiều thủ tục còn rườm rà, Luật SHTT chưa hoàn thiện.

Việc yêu cầu các đơn vị xâm phạm quyền SHTT bồi thường thiệt hại chưa khả thi. “Tính đến nay, trong hơn 20 vụ việc, Busadco mới chỉ duy nhất nhận được tiền bồi thường khoảng 20 triệu đồng từ một đơn vị vi phạm. Một con số quá ít ỏi so với chi phí và công sức công ty bỏ ra để theo đuổi vụ việc. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm quyền SHTT xảy ra nhiều”, ông Nghĩa lý giải.

Ngoài ra, còn có trường hợp doanh nghiệp lợi dụng việc thực thi quyền SHTT để cạnh tranh không lành mạnh bằng hình thức liên tục kiện đối thủ của mình xâm phạm quyền SHTT.

Điển hình là mới đây, Công ty Entertainment One UK Limited (gọi tắt là EO, có trụ sở tại Anh) liên tục kiện Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và dịch vụ Sconnect Việt Nam (Sconnect) xâm phạm bản quyền phim hoạt hình của họ, mặc dù Sconnect đã có chứng nhận bản quyền hình ảnh bộ nhân vật Wolfoo tại Việt Nam; chứng nhận bản quyền hình ảnh bộ nhân vật Wolfoo tại Mỹ (với 20 nhân vật).

EO đã nộp đơn khởi kiện Sconnect ra tòa án Liên bang Nga. Tòa án Liên bang Nga đã ra phán quyết buộc EO không còn quyền khiếu nại, khiếu kiện về nội dung bộ nhân vật Wolfoo.

Tuy nhiên, đến nay, YouTube vẫn khóa hơn 1.000 video phim hoạt hình Wolfoo, gây thiệt hại vô cùng lớn cho Sconnect. Trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh của EO, ngày 15-9-2022, Sconnect đã gửi đơn khởi kiện EO lên Tòa án Nhân dân TP Hà Nội vì hành vi xâm hại quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh phim hoạt hình, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng Wolfoo.

Hậu trường sản xuất phim hoạt hình Wolfoo của Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và dịch vụ Sconnect Việt Nam.

Trước đó, Sconnect cũng đã khởi kiện lại EO tại Tòa án Liên bang Nga yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh mà công ty này phải chịu do EO gây ra.

Cần tăng mức xử phạt, rút ngắn thời gian xử lý đơn kiện

Để tăng cường thực thi quyền SHTT, ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội DN KH&CN Việt Nam đề xuất, cần tăng mức xử phạt và mức giá trị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm để có tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, giảm rủi ro thiệt hại cho đơn vị bị xâm phạm quyền SHTT.

Bên cạnh đó, khi các đoàn thanh tra, cán bộ tòa án tiến hành thanh tra, xác minh không nên thông báo trước thời gian làm việc để tránh trường hợp đơn vị vi phạm thực hiện hành vi tẩu tán các sản phẩm vi phạm, gây khó khăn cho việc xác minh hành vi vi phạm SHTT.

Đồng thời, các cơ quan thực thi cần rút ngắn thời gian xử lý đơn kiện trong lĩnh vực SHTT, phải có thời hạn cụ thể, không để tình trạng các vụ việc kéo dài từ năm này qua năm khác.

Phó cục trưởng Cục SHTT Trần Lê Hồng cho rằng, trước tiên phải hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật về thực thi quyền SHTT. Chiến lược SHTT đến năm 2030 của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã khẳng định rõ nhiệm vụ, giải pháp về rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ quyền SHTT; nghiên cứu, đề xuất chế tài xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT đủ sức răn đe, chú trọng chống hàng hóa giả mạo và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ.

Cùng với đó, cần nâng cao năng lực nguồn nhân lực của các cơ quan thực thi quyền SHTT, nhất là khi nguồn nhân lực chuyên nghiệp về SHTT từ Trung ương tới địa phương còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng.

“Trong thời gian tới, Cục SHTT sẽ dành nguồn lực, tăng cường phối hợp với các cơ quan thực thi triển khai nhiều hơn nữa các hoạt động đào tạo, tập huấn về SHTT để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực cho các cán bộ thực thi quyền SHTT, tránh tình trạng có những cán bộ đã làm việc nhiều năm mà chưa có cơ hội được đào tạo một cách cơ bản về SHTT”, ông Trần Lê Hồng cho hay.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT sẽ mang lại những thay đổi tích cực

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT đã được Quốc hội thông qua vào ngày 16/6/2022. Việc hoàn thiện pháp luật về SHTT là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước.

Ngày 16/6/2022, các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nhận được sự tham gia và đóng góp ý kiến tích cực từ nhiều cơ quan, tổ chức ở cả Trung ương và địa phương. Khi trình Dự án Luật lên Quốc hội, hầu hết các đại biểu Quốc hội đánh giá cao và nhất trí với những nội dung sửa đổi của Luật SHTT.

Bên cạnh đó, các quy định của Luật SHTT được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong xác lập và bảo hộ quyền SHTT, thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng và khai thác tài sản trí tuệ của Việt Nam.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt kỳ vọng rằng Luật SHTT sau khi được sửa đổi, bổ sung sẽ mang lại những thay đổi tích cực hơn nữa, góp phần tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy các tổ chức, cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, phát triển, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các đối tượng quyền SHTT, qua đó thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư cho hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp nói riêng và cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung.

Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai một số hoạt động để phổ biến, hướng dẫn thi hành Luật. Cụ thể là: Tuyên truyền, phổ biến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hội thảo, tọa đàm đến các nhóm chủ thể liên quan như cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội, doanh nghiệp…

Đồng thời thực hiện các thủ tục để xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo kế hoạch mà trước mắt là việc sửa đổi một số nghị định của Chính phủ như Nghị định số 103/2006/NĐ-CP về sở hữu công nghiệp, Nghị định số 105/2006/NĐ-CP về quản lý nhà nước và bảo vệ quyền SHTT…

(tiếp theo và hết)


Hà Anh - Quang Duy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm