Khoa học - Công nghệ

Thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp

DNVN - Phát biểu tại Hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, sáng 12/2, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong doanh nghiệp.

Vinaseed - Doanh nghiệp khoa học công nghệ tiêu biểu / Kangaroo chính thức trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ

Trao đổi về “Giải pháp phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, ĐMST hàng đầu cả nước” tại Hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệHuỳnh Thành Đạt cho rằng đồng bằng Sông Hồng là vùng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng KHCN và ĐMST.

Toàn vùng có trên 500 tổ chức KHCN, 291 tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D), có 14/17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; tốc độ đổi mới công nghệ (giai đoạn 2016-2020) đạt 51,7%, tỷ lệ đóng góp của KHCN vào tăng trưởng kinh tế vùng giai đoạn 2016-2020 đạt 48,1%.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy hoạt động KHCN và ĐMST trong doanh nghiệp.

Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST phát triển mạnh mẽ, trong đó hạt nhân là Thủ đô Hà Nội. Hoạt động KHCN đã có tác động tích cực tới phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng an ninh của vùng ĐBSH; thể hiện rõ vai trò đồng hành của KHCN trong sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Các địa phương đã xác định được danh mục sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế, đặc thù để đề ra chương trình phát triển; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

“Nhiều dự án, đề án KHCN liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức KHCN đã được triển khai. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án sản xuất công nghiệp hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành công như: Tập đoàn Sam Sung, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn TH, Công ty Dabaco, Công ty Sao Thái Dương, Công ty CP Đồng Giao…”, ông Đạt nói.

Tuy nhiên, tiềm lực KHCN của một số tổ chức KHCN do UBND các tỉnh, thành phố quản lý còn yếu. Đầu tư cho KHCN còn hạn chế, tỷ lệ chi cho KHCN chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của vùng.

Chưa có nhiều sản phẩm KHCN mang tính đột phá được thương mại hóa, doanh nghiệp chưa trở thành trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp nội địa chủ yếu vẫn đang ở mức trung bình nên khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước chưa cao.

Ngoài ra, chưa đề xuất và thực hiện được các nhiệm vụ KHCN lớn để giải quyết các vấn đề liên tỉnh, liên vùng, việc liên kết hoạt động KHCN giữa các địa phương trong vùng cũng như ngoại vùng chưa thực sự chặt chẽ.

Nhằm triển khai các giải pháp KHCN và ĐMST thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bộ KH&CN đề xuất 6 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu sau.

Về cơ chế chính sách, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về KHCN. Đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, triển khai các nhiệm vụ KHCN các cấp theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chuyển đổi số quy trình quản lý, cơ sở dữ liệu các nguồn lực KHCN và ĐMST.

Về phát triển hạ tầng, phát triển hệ thống các trung tâm ĐMST vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát triển, tích hợp hình thành các cụm liên kết ĐMST với các khu công nghệ cao, trường đại học, viện nghiên cứu.

“Tiếp tục hỗ trợ phát triển mạnh mẽ các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung. Phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc theo mô hình mở, là đầu mối quan trọng của hệ thống ĐMST quốc gia, có hạ tầng hiện đại và thông minh, là nơi thúc đẩy phát triển chuỗi hoạt động tri thức và công nghệ giữa trường đại học, tổ chức nghiên cứu và triển khai, doanh nghiệp và thị trường.

Phát triển Khu công nghệ cao Hà Nam, các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các địa phương như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Quảng Ninh, Hưng Yên”, ông Đạt đề xuất.

Phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc theo mô hình mở, là đầu mối quan trọng của hệ thống ĐMST quốc gia.

Cùng với đó là xây dựng Hà Nội trở thành Trung tâm ĐMST, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hoà Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học.

Xây dựng Hải Phòng trở thành Trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển KHCN với các ngành nghề hàng hải, đại dương học, kinh tế biển.

Về đầu tư, cần tăng cường đầu tư, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho KHCN và ĐMST. Bảo đảm chi cho KHCN và ĐMST từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp khoa học và công nghệ. Tăng số lượng và quy mô của quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp.

Tạo thuận lợi tối đa để khuyến khích các doanh nghiệp thành lập quỹ, sử dụng hiệu quả kinh phí của quỹ đầu tư cho hoạt động KHCN và ĐMST. Hoàn thiện cơ chế đối tác công tư, huy động vốn đầu tư, các nguồn lực đầu tư cho KHCN, ĐMST.

Về phát triển nguồn nhân lực, cần kết nối giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để thống nhất nhu cầu về nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST của doanh nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng hóa các chương trình đào tạo cho nhân lực quản trị công nghệ và quản lý cho doanh nghiệp ở các trình độ/cấp độ khác nhau.

Xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội và một số trường đại học công nghệ trở thành hạt nhân, nòng cốt và đầu tàu trong hệ thống giáo dục, đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm đầu châu Á về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và ĐMST phục vụ ĐMST của vùng ĐBSH và địa phương.

Đối với giải pháp thúc đẩy hoạt động KHCN, ĐMST trong doanh nghiệp, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận thông tin công nghệ trong nước và quốc tế.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, mua bán, chuyển giao các sản phẩm KHCN, triển khai các mô hình, giải pháp ĐMST, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa.

Thúc đẩy nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ trong các thoả thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia.

“Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KHCN và ĐMST tạo động lực phát triển vùng đồng bằng sông Hồng rất có ý nghĩa vì nó không chỉ quan trọng đối với vùng ĐBSH mà nó còn cho cả nước”, ông Đạt nói.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm