Đi tìm cha đẻ của “quái vật” Momo và những rắc rối trên mạng xã hội
Đọ thời lượng pin Galaxy S10+ với loạt smartphone đình đám / Hướng dẫn 4 cách chuyển ảnh từ iPhone sang máy tính
Keisuke Aiso, nghệ sĩ điêu khắc 46 tuổi sống tại Tokyo (Nhật Bản) khẳng định “quái vật” Momo đã chết và trẻ em không còn phải ám ảnh bởi con “quái vật” đang được lan truyền trên mạng xã hội này.
Keisuke Aiso cho biết anh đã phá hủy bức tượng Momo và vứt bỏ nó đi, như một cách để phản ứng lại khi bức tượng của anh bị đem ra lợi dụng để làm hình ảnh đại diện cho “Thử thách Momo”, một trò chơi được lan truyền trên mạng xã hội mà trong đó khuyến khích những đứa trẻ tự hành hạ bản thân mình hoặc thực hiện các hành động nguy hiểm mà không cho cha mẹ biết. Thậm chí Momo còn khuyến khích những đứa trẻ tự tìm đến cái chết.
Bức tượng “Chim Mẹ” (hoặc còn được biết đến với tên gọi “Người phụ nữ chim” là tác phẩm của Keisuke Aiso, được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2016. Aiso cho biết đã lấy cảm hứng từ những bộ phim kinh dị cho tác phẩm điêu khác này, với nửa phần thân dưới của một con chim còn nửa phần trên là thân hình trần trụi của một người phụ nữ. Điểm đáng sợ nhất của bức tượng Momo đó là gương mặt với đôi mắt to tròn và miệng rộng kéo dài ra tận mang tai.
Hình ảnh bức tượng “Chim mẹ” sau đó được sử dụng cho “thử thách Momo”, được lan truyền trên mạng xã hội Facebook, trong đó những người tham gia được thách thức gửi tin nhắn đến một vài số điện thoại không được xác định thông qua ứng dụng WhatsApp. Sau khi nhắn tin đến những số điện thoại này, nhiều người sẽ nhận được phản hồi là các hình ảnh bạo lực, thậm chí là những nội dung đe dọa. Điểm chung của các số điện thoại này là sử dụng hình ảnh bức tượng “Chim mẹ” của Keisuke Aiso làm ảnh đại diện.
Kể từ khi bức tượng “Chim mẹ” trở thành hình ảnh liên quan đến “thử thách Momo” cũng đã khiến cho Keisuke Aiso gặp nhiều rắc rối. Dù nghệ sĩ này không hề liên quan gì đến "thử thách Momo", Aiso cho biết bản thân anh cảm thấy có trách nhiệm khi hình ảnh bức tượng của mình đã gây ra ám ảnh cho nhiều người, đặc biệt là trẻ em, nên hành động phá hủy bức tượng là một cách để tuyên bố rằng “Momo đã chết” và để trấn an những đứa trẻ bị ám ảnh bởi con quái vật này.
“Mọi người không biết được rằng thử thách Momo có thực sự tồn tại hay không, nhưng nhiều đứa trẻ đã bị ảnh hưởng bởi hình ảnh của bức tượng nên tôi cảm thấy có trách nhiệm với điều đó”, Keisuke Aiso chia sẻ
“Con quái vật Momo không còn nữa, nó sẽ không bao giờ tồn tại. Nó đã bị mục nát và đã bị vứt đi”, Keisuke Aiso cho biết thêm. “Trẻ em giờ đây có thể yên tâm rằng Momo đã chết. Nó không còn tồn tại và lời nguyền đã biến mất”.
Ngoài bức tượng “Chim mẹ” thì Keisuke Aiso là nghệ sĩ điêu khắc thường xuyên tạo ra những bức tượng kinh dị và đáng sợ khiến không ít người cảm thấy rùng mình khi đặt chân vào phòng trưng bày sản phẩm của anh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Microsoft thúc đẩy người dùng Windows 10 mua máy tính mới
An toàn thông tin cho hạ tầng dữ liệu và nền tảng số quốc gia
Bước tiến quan trọng thúc đẩy kết nối công nghệ Úc với doanh nghiệp Đà Nẵng
Chuỗi sự kiện ra mắt sản phẩm mới thường niên SaaS Day 2024