Khoa học - Công nghệ

Dịch vụ OTT TV: Kỳ vọng đạt 54 tỷ USD

DNVN - Dịch vụ phát thanh truyền hình trên mạng Internet (OTT TV) tại Việt Nam được dự báo sẽ tạo giá trị 54 tỷ USD vào năm 2026. Tuy nhiên, để đạt được kỳ vọng này, cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế quản lý để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời, thúc đẩy quá trình hợp tác giữa OTT TV nước ngoài và doanh nghiệp Việt.

Akamai: “Gã khổng lồ công nghệ vô hình” / Akamai: “Gã khổng lồ công nghệ vô hình”

Vẫn phải “bảo hộ ngược”

OTT TV cùng với các dịch vụ truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình mặt đất và truyền hình di động là các dịch vụ trả tiền đang được quản lý theo quy định của Luật Báo chí 2016 và Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/1/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Theo thống kê của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện có 22 doanh nghiệp đã cung cấp dịch vụ OTT TV. Mặc dù bắt đầu phát triển từ 2017 nhưng đến nay, OTT TV đã chiếm quy mô 20% thị trường, đạt xấp xỉ 3,6 triệu thuê bao, doanh thu đạt gần 190 tỷ đồng.

Dịch vụ OTT TV, ngoài các kênh chương trình, còn đang cung cấp đến 20.000 giờ nội dung truyền hình theo yêu cầu (VOD), trong đó phim các loại chiếm đến 60% thời lượng.

Tại Hội thảo “Tầm nhìn và các giải pháp của Akamai với doanh nghiệp Media” diễn ra tại Hà Nội mới đây, Công ty mạng phân phối nội dung và các dịch vụ bảo mật web thông qua mạng lưới máy chủ rộng khắp thế giới Akamai Technologies, Inc. (Mỹ) dự báo, thị trường OTT TV ở Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần giá trị đến năm 2028 với thời gian đăng nhập 17 ngày mỗi tháng và 2,5 giờ trung bình mỗi ngày.

Ông Hrishikesh Varma - Giám đốc Sản phẩm Akamai đang trình bày tại Hội thảo.

Theo Akamai Technologies, Inc., OTT TV đang là thị trường phát triển bùng nổ trong thời gian gần đây tại Việt Nam. Với 36 triệu người dùng (trong số 180 triệu người dùng của toàn bộ Đông Nam Á), OTT TV sẽ tạo ra thị trường có trị giá trị 54 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2026 và đây là thị phần rất đáng để các nhà hoạch định chính sách cho lĩnh vực này quan tâm khai thác.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của thị trường OTT TV cũng đã làm nóng nghị trường Quốc hội vào cuối năm 2020, sau khi Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) gửi công văn “kêu cứu” gửi tới Thủ tướng Chính phủ đề nghị có chủ trương, biện pháp kịp thời nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của các nhà cung cấp OTT TV đang xâm nhập thị trường Việt Nam.

Vấn đề “bảo hộ ngược” trong lĩnh vực nội dung số và truyền hình trả tiền đã được đưa ra. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam hiện có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, với khoảng 14 triệu thuê bao và doanh thu một năm khoảng 9 nghìn tỷ đồng.

Tổng số thuê bao truyền hình trả tiền qua Internet của các nền tảng xuyên biên giới (Netflix, AppleTV của Mỹ hoặc WeTV của Trung Quốc) đang cung cấp tại Việt Nam khoảng 1 triệu thuê bao và doanh thu đã tiến dần tới con số 1 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên đây là con số dự đoán.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trong nước cơ bản phải tuân thủ các quy định về cấp phép, biên tập nội dung, nộp phí đóng thuế. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài chưa phải thực hiện các quy định pháp luật Việt Nam.

Đó là chưa kể đến, một số dịch vụ OTT TV còn có nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam, như pháp luật về báo chí, điện ảnh, trẻ em. Cụ thể là phản ánh sai lịch sử, ví dụ như loạt phim về chiến tranh Việt Nam, xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

Cần cơ chế quản lý hài hòa lợi ích

Cách đây gần 2 năm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã khuyến nghị cần phải làm sớm và làm nhanh là sửa đổi Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên Internet để quản lý các nền tảng xuyên biên giới.

Cùng với đó là giải pháp sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính để gắn trách nhiệm của các nhà mạng cung cấp dịch vụ.

Trên phương diện là chủ doanh nghiệp, ông Phan Thanh Giản - Chuyên gia OTT đề xuất, các cơ quan chức năng cần tạo cơ chế để OTT TV nước ngoài có thể hợp tác với các doanh nghiệp trong nước.

Ông Phan Thanh Giản - Chuyên gia OTT.

Theo ông Giản, để quản lý thị trường OTT TV thì chính sách phải vừa tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài có thể hoạt động tại Việt Nam, vừa tạo cho doanh nghiệp Việt có cơ hội hợp tác, chuyển giao và học tập từ các đơn vị nước ngoài để cùng khai thác thị trường.

Khi cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực nhạy cảm như phát thanh truyền hình, đòi hỏi các doanh nghiệp xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam bao gồm các quy định về thuế, nội dung và giấy phép giống như các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện.

Trước hết, hành lang pháp lý phải đủ sức mạnh răn đe. Tuy nhiên, Việt Nam đang hội nhập quốc tế rất sâu rộng, nên việc hợp tác để cung cấp dịch vụ OTT TV phải vừa phù hợp pháp luật, vừa bảo đảm lợi ích của khách hàng.

Bởi vậy, cần có cơ chế để bảo đảm các doanh nghiệp xuyên biên giới hợp tác được với các doanh nghiệp trong nước để cung cấp được một dịch vụ hoàn chỉnh nhất, hài hòa lợi ích giữa hai bên.

“Các doanh nghiệp nước ngoài với thế mạnh và kinh nghiệm của mình có thể cùng doanh nghiệp trong nước, dưới sự điều hành của chính sách, có thể vừa tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài có thể hoạt động tại Việt Nam, vừa tạo cho doanh nghiệp Việt có cơ hội hợp tác, chuyển giao và học tập từ các đơn vị này để cùng khai thác thị trường.

Đối với khách hàng, họ có thêm nhiều nội dung phong phú để trải nghiệm. Đối với Chính phủ, có thể quản lý và tránh được thất thu thuế”, ông Giản nói.

Cũng theo chuyên gia Phan Thanh Giản, OTT TV trong nước hiện đang gặp nhiều khó khăn từ việc thu hút người dùng bằng công nghệ, nội dung và đặc biệt là giá cả.

Bởi vậy, trong lĩnh vực sản xuất nội dung mang văn hóa Việt, cần có sự hỗ trợ, ủng hộ khuyến khích bằng các chính sách cụ thể để phát triển, thay vì phải đi mua và nhập khẩu nội dung với giá rất cao và rất khó kiểm soát nội dung OTT TV.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm