Chuyển đổi số

Bộ TT&TT nhắc nhở báo chí cẩn trọng khi quảng bá cho dịch vụ OTT TV xuyên biên giới

DNVN - Bộ TT&TT mới đây đã ra thông báo nhắc nhở các báo chí cân nhắc về việc đăng tải các nội dung quảng bá cho dịch vụ truyền hình của doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Đây là những dịch vụ cung cấp trái phép vào Việt Nam, chưa tuân thủ các quy định quản lý của Việt Nam và có nhiều nội dung trái thuần phong mỹ tục.

Truyền hình OTT tăng trưởng nóng: Bộ TT&TT khuyến cáo người dân cẩn trọng khi dùng OTT xuyên biên giới / Điều gì khiến “tân binh” VTVcab ON có gần 6 triệu lượt tải chỉ sau 1 năm?

Hiện nay, tại Việt Nam xuất hiện nhiều dịch vụ truyền hình xuyên biên giới có thu tiền thuê bao định kỳ, như: WeTV (Trung Quốc), iQIYI (Trung Quốc), iFlix (Malaysia), Netflix (Mỹ),.. Nội dung trên các dịch vụ truyền hình này chủ yếu là các thể loại phim, gồm cả phim tài liệu lịch sử; các chương trình trò chơi truyền hình, chương trình truyền hình thực tế, phóng sự điều tra...

Bộ TT&TT đã ghi nhận những rủi ro về nội dung trên các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới nêu trên như: Xuất hiện các nội dung xuyên tạc lịch sử (tại loạt phim tài liệu Vietnam War), xuyên tạc về chủ quyền Việt Nam (tại bộ phim Madam Secretary); mô tả hình ảnh bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm (phim Bánh đa tầng, phim Polar: Sát thủ tái xuất, phim After Porn End, phim 365 Days....). Điểm chung của nội dung trên các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới này là đều đang được cung cấp trên quan điểm, nhận thức của các doanh nghiệp nước ngoài, không được biên tập phù hợp truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam; trái quan điểm chính trị; chuyển ngữ tiếng Việt sử dụng từ ngữ thô tục, “phá hoại” tính trong sáng của tiếng Việt; chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, cung cấp dịch vụ truyền hình có thu tiền thuê bao định kỳ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, buộc các doanh nghiệp phải có Giấy phép. Nội dung trên dịch vụ truyền hình phải tuân thủ các yêu cầu về biên tập, kiểm soát nội dung trước khi cung cấp đến người dùng/thuê bao theo quy định pháp luật về báo chí, điện ảnh.

Đứng trước thực tế này, thực hiện công tác quản lý nhà nước, Bộ TT&TT đang triển khai các giải pháp đồng bộ vừa khẩn trương hoàn thiện các quy định quản lý đối với dịch vụ phát thanh, truyền hình, vừa tăng cường công tác hậu kiểm đảm bảo ngăn chặn hiệu quả các nội dung trái pháp luật trong trước mắt và lâu dài.

Tuy nhiên, qua theo dõi thông tin báo chí, Bộ TT&TT nhận thấy, thời gian qua, một số cơ quan báo chí đã có một số chương trình, bài viết quảng bá, giới thiệu các dịch vụ truyền hình cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Đáng chú ý, trong các chương trình, bài viết này có một số nội dung thông tin chi tiết, mô tả dịch vụ, giới thiệu các nội dung mới sắp được cung cấp trên dịch vụ và huớng dẫn người dùng sử dụng dịch vụ.

Vì vậy, để đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình một cách hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng của thị trường dịch vụ phát thanh, truyền hình; đồng thời để nâng cao trách nhiệm xã hội của các cơ quan báo chí trong vai trò là cơ quan định hướng dư luận, định hướng tư tưởng, thẩm mỹ, văn hóa độc giả, khán thính giả, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục, bảo vệ thể chế chính trị của Việt Nam, Bộ TT&TT yêu cầu các cơ quan báo chí: Cân nhắc về việc đăng tải, phát sóng các tin bài, chương trình có nội dung phổ biến, quảng bá cho các dịch vụ truyền hình của doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam; Quan tâm thông tin, quảng bá cho các dịch vụ phát thanh, truyền hình của các doanh nghiệp trong nước đã có Giấy phép.

Trên các ứng dụng OTT TV có nhiều nội dung trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Trên các ứng dụng OTT TV có nhiều nội dung trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Hồi tháng 4/2020, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã ra thông báo nhắc nhở người dùng trong việc sử dụng OTT TV. Trong thời gian vừa qua, tại Việt Nam, dịch vụ truyền hình trả tiền nói chung và dịch vụ truyền hình trên mạng Internet (OTT TV) nói riêng đã phục vụ tốt nhu cầu thông tin, giải trí của người dân đặc biệt trong giai đoạn cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch bệnh COVID-19. Thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam hiện nay có 34 doanh nghiệp chính thức cung cấp dịch vụ, trong đó có 20 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT TV, ví dụ như: dịch vụ Onme (Tập đoàn Viettel), VTVCab ON (Công ty VTVcab), FPT Play (Công ty FPT), MyTVNet (Tập đoàn VNPT)...

Dịch vụ OTT TV của các doanh nghiệp trong nước đã và đang cung cấp các nội dung thông tin, giải trí đa dạng phong phú, cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của người dân. Nội dung trên các dịch vụ trong nước tuân thủ các quy định pháp luật về biên tập đảm bảo phù hợp với truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Người sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam được cung cấp đầy đủ thông tin về giá cước, gói nội dung, đảm bảo chất lượng kỹ thuật theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Có thể kể đến dịch vụ hoàn toàn do doanh nghiệp trong nước làm chủ công nghệ và nội dung hấp dẫn như VTVcab ON. Đây là dịch vụ OTT TV được phát triển bởi cái bắt tay hợp tác chiến lược giữa Công ty cổ phần Truyền thông đa phương tiện Thủ Đô (Thủ Đô Multimedia) và Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab).

Theo đó, toàn bộ nền tảng công nghệ phát triển dịch vụ bao gồm giải pháp tổng thể truyền hình OTT và giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung Sigma DRM do Thủ Đô Multimedia phát triển. VTVcab ON được phát sóng đầy đủ các nội dung mà VTVcab sản xuất.

Ông Nguyễn Minh Dũng, Giám đốc Trung tâm Nội dung số VTVcab tiết lộ, theo số liệu mới nhất, VTVcab ON đã có 5,8 triệu lượt tải (Mobile 2,9 triệu và Smart TV 2,9 triệu), lượng người sử dụng khoảng 400.000 người/tháng.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo