Doanh nghiệp cần nhận thức rõ về quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh
Tác động của công nghệ blockchain đối với quyền sở hữu trí tuệ / Quyền sở hữu trí tuệ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp khoa học công nghệ
Trong những năm gần đây chuyển đổi số và kinh tế tri thức là một nội dung thu hút sự quan tâm. Theo đó, sở hữu trí tuệ (SHTT) ở góc độ pháp lý và văn hóa ứng xử chung cần được đưa vào triển khai ứng dụng trong thực tế, để SHTT thực sự là chìa khóa khơi thông hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung và hoạt động đổi mới sáng tạo gắn kết thương mại kinh doanh nền tảng số nói riêng.
Quyền SHTT là chìa khóa giúp doanh nghiệp phát triển giá trị gia tăng và đảm bảo lợi nhuận. Việc tận dụng tốt nguồn lực trí tuệ trẻ để đào tạo bài bản trong và ngoài nước sẽ giúp Việt Nam bắt kịp các xu hướng công nghệ, chuyển đổi trên thế giới, đặc biệt là sử dụng SHTT như một công cụ chiến lược để khơi thông năng lực nghiên cứu và ứng dụng chuyển đổi số quốc gia luôn là vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Tại Hội thảo “Kinh tế quốc phòng trong kỷ nguyên công nghệ số” diễn ra mới đây, TS. Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nhận định, một đất nước khi đặt vấn đề SHTT trở thành một vấn đề lớn trong chính sách kinh doanh, trong quan hệ đối ngoại thì đó là một đất nước đã phát triển, dùng KH&CN làm đòn bẩy, công cụ, lực lượng sản xuất để phát triển. Nhưng nếu như một đất nước mà trong tất cả các quan hệ mà không đề cập đến vấn đề SHTT thì đó không phải là đất nước phát triển ổn định và bền vững. Hiện nay, vấn đề SHTT rất quan trọng đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp cần nhận thức rõ về quyền SHTT trong hoạt động kinh doanh.
Quyền sở hữu trí tuệ nên là công cụ để xây dựng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Cũng theo TS. Trần Lê Hồng, khi chưa tạo ra quyền SHTT, chúng ta nghĩ rằng quyền SHTT là một yếu tổ cản trở vì cần phải bỏ ra kinh phí để sử dụng được nó, nếu không bỏ kinh phí thì sử dụng sao chép bất hợp pháp (đây là yếu tố không còn được chấp nhận trong nền kinh tế) nên buộc phải xác định nó là yếu tố hỗ trợ hay cản trở phụ thuộc vào quan điểm, nhận thức, cách tiếp cận, hành động trong vấn đề tạo ra nó.
“Chuyển đổi số không chỉ là số hóa và ứng dụng số hóa bởi số hóa chỉ là vấn đề nhỏ trong vấn đề chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải thấy được sự thay đổi lớn trong bản thân của hoạt động kinh doanh số, vận hành số của cả doanh nghiệp và nền kinh tế. Việc vận hành doanh nghiệp phải tính đến yếu tố về đổi mới, nhanh chóng, công nghệ để giải quyết vấn đề của doanh nghiệp. Đó chính là các yếu tố dựa trên nền tảng của chuyển đổi số”, TS. Trần Lê Hồng chia sẻ.
TS. Trần Lê Hồng đưa ra ví dụ về chi phí của các công nghệ tiên tiến đang giảm mạnh. Công nghệ rẻ hơn và tốt hơn đang tạo ra một thế giới kết nối hơn: Ngày nay có 8 tỷ thiết bị được kết nối với Internet, đến năm 2030 dự báo là 1 nghìn tỷ. Như vậy, đòi hỏi doanh nghiệp nhận thấy rằng đằng sau con số này không chỉ là những thiết bị mà là cả một hệ thống, nền tảng công nghệ mới mà doanh nghiệp cần tiếp cận. Cần thấy được sự gắn bó giữa công nghệ với kinh doanh sẽ là yếu tố gắn kết giữa quyền SHTT, bởi công nghệ sẽ là vấn đề về SHTT phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Sự đổi mới kỹ thuật số hiện đang phá vỡ các mô hình hoạt động và kinh doanh của doanh nghiệp nhưng các công nghệ số (di động, đám mây, cảm biến, phân tích, IoT, AI...) có thể biến ý tưởng kinh doanh của doanh nghiệp từ không thể thành có thể (xe tự lái, ứng dụng kỹ thuật thực tế ảo...).
“Tất cả công nghệ đều dựa trên nền tảng quyền SHTT, nếu không có quyền SHTT, không làm chủ các công nghệ này, không có được nó, chúng ta luôn là người đi sau. Yếu tố công nghệ tác động đến việc kinh doanh mạnh mẽ, quyết định đến yếu tố quan trọng nhất là lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh. Mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp là phát triển giá trị gia tăng và đảm bảo lợi nhuận thông qua việc sáng tạo, bảo hộ và sử dụng tài sản trí tuệ. Quyền SHTT như là công cụ để xây dựng hoạt động kinh doanh chứ không phải chỉ là việc tạo ra được các quyền SHTT như là mục đích cuối cùng của doanh nghiệp”, TS. Trần Lê Hồng cho hay.
TS. Trần Lê Hồng cũng cho rằng, sự thay đổi mô hình kinh doanh dưới hình thức chuyển đổi số, gắn với dịch vụ sẽ tạo nên hiệu quả tốt cho các doanh nghiệp. Hành lang pháp lý về SHTT ngày nay đang dựa trên cơ hội của quá khứ. Hiện tại, số hóa đang thay đổi những cơ hội này và hành lang pháp lý cũng sẽ tự động thay đổi. Doanh nghiệp nên nhận thức được điều này để sẵn sàng và tận dụng được những lợi thế mà nó đem lại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo