Khoa học - Công nghệ

Doanh nghiệp "ngược nắng" áp dụng giải pháp cuộn rơm bảo vệ môi trường

DNVN - Cuộn rơm là giải pháp được áp dụng phổ biến ở phía Nam. Nhưng ở miền Bắc, giải pháp thu cuốn rơm còn gặp nhiều khó khăn khi diện tích cánh đồng nhỏ, nhiều nơi trũng ướt, thị trường sử dụng rơm rạ bó hẹp. Tuy vậy, vẫn có những doanh nghiệp sẵn sàng “ngược nắng” áp dụng giải pháp này giúp bảo vệ môi trường, tạo sinh kế cho người dân.

Những sáng tạo ấn tượng của học sinh giúp bảo vệ môi trường / Các trường đại học khó phát triển khoa học công nghệ: Nguyên nhân do đâu?

Câu chuyện xử lý rơm rạ vẫn đang là chủ đề nóng khi mùa thu hoạch lúa đã tới khắp các vùng quê Việt Nam. Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, hầu hết các địa phương vẫn chưa có biện pháp sử dụng rơm rạ sao cho hiệu quả. Một phần rơm rạ sau khi phơi xong sử dụng không hết bị bỏ xuống kênh mương gây ách tắc dòng chảy, cản trở tưới tiêu. Còn lại, phần lớn nông dân sẽ đốt ngay ngoài ruộng, gây khói bụi, ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và gây mất an toàn giao thông.
Trong khi đó, rơm rạ có thể trở thành đầu vào cho: Trồng nấm, cho chăn nuôi đại gia súc, làm sinh khối, các sản phẩm thủ công... nếu được thu đúng kỹ thuật.
Thực tế, ở miền Bắc đang có nghịch lý: Trong khi nhiều đơn vị chăn nuôi đại gia súc phải đi tận miền Nam mua rơm khô thì rơm ở trên các cánh đồng miền Bắc hầu như vứt, đốt quá lãng phí. Chỉ tính riêng một huyện ở Hà Nội đã có hàng chục ngàn tấn rơm bị coi là “phế phẩm”.
Ông Nguyễn Tường Hưng, Giám đốc Công ty Máy Phố Hiến cho biết, hiện nay chúng ta nói nhiều đến kinh tế tuần hoàn, tức là phế phụ phẩm của ngành này có thể trở thành đầu vào của ngành khác. Rơm là thứ bỏ đi sau khi thu hoạch lúa, nhưng với các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi bò thì lại cần thiết, bởi họ mua về làm nguồn thức ăn dự trữ trong thời gian mùa Đông khan hiếm thức ăn. Nhưng làm cách nào để chúng ta thu gom một cách hiệu quả?

Ông Nguyễn Tường Hưng - Giám đốc Công ty Máy Phố Hiến.
Hiện khâu làm đất ở miền Bắc đã cơ giới hóa tới 90% với việc dùng máy cày, bừa, máy gặt đập liên hợp. Nhưng ở miền Bắc thiếu máy cuộn rơm.
"Chúng tôi thấy nơi nào chăn nuôi trâu bò nhiều thì gần như không còn rơm trên cánh đồng để chúng tôi gom, vì người dân chủ động thu gom về nhà bằng giải pháp thủ công như xe lôi. Rõ ràng rơm rạ có thể trở thành hàng hóa được. Những vùng khác như Đồng bằng Sông Cửu Long chẳng hạn, rơm rạ đã thực sự trở thành hàng hóa, thậm chí có nơi có hẳn chợ rơm hoạt động rất sôi động.
Trong khi ở miền Bắc các trại bò lớn đều phải mua rơm từ trong miền Nam. Thực tế là lúc thiếu thức ăn cho gia súc thì giá rơm càng đắt, mà vận chuyển rơm cồng kềnh giá rất cao, có những lúc lên tới 3.500 đồng/kg khi khan hiếm. Trong khi đó, ở miền Bắc thừa một lượng lớn rơm rạ. Do đó, chúng tôi giới thiệu giải pháp cơ giới hóa dễ dàng triển khai. Đó là thu gom rơm bằng máy cuộn rơm gắn máy cày. Chúng tôi đã triển khai ở một số khu vực miền Bắc, Nghệ An, Hà Tĩnh", ông Nguyễn Tường Hưng cho hay.

Máy thu cuộn rơm của Công ty Máy Phố Hiến tại Đông Anh, Hà Nội.
Theo chia sẻ của ông Hưng, rơm được phơi khô ngay trên đồng, sau đó được cuộn thành bó tròn, chặt như khúc gỗ, mỗi bó có trọng lượng từ 12 - 16kg. Với việc sử dụng máy, rơm được cuộn rất nhanh, tạo thành bó nhỏ gọn với đường kính 50cm và cao 70cm để bê vác dễ dàng. Để có 1 cuộn rơm này mất chưa đầy 1 phút, năng suất 1.5-3 ha/ca máy 8 giờ. Người lái máy cày cũng dễ thao tác, họ có thể vừa cuộn rơm trên máy cày vừa livestream. Họ chỉ mất nửa ngày để học và thao tác thành thạo.
Ngoài ra, máy cuộn dễ kết hợp với máy cày (có sẵn ở địa phương), thời điểm thu hoạch 1-2 ngày sau máy gặt, và trước khi cày bừa, không xung đột thời gian với các công việc khác.
Tuy nhiên, nhược điểm của giải pháp này là phải làm ở những chân ruộng cao và rơm phải khô thì nó mới trở thành hàng hóa được. Người mua rơm cho gia súc sẽ mua rơm khô vì không phải để ăn ngay và mua với số lượng lớn. Họ mua rơm khô để dự trữ thức ăn cho gia súc. Trời nóng nắng là thời điểm thích hợp để cuộn rơm. Đây cũng là thời điểm mà nông dân hay đốt rơm rạ nhiều nhất.
Ở miền Bắc, giải pháp cuộn rơm đã được triển khai ở Nam Định, Thái Nguyên, Thái Bình và Hà Nội. Riêng ở Hà Nội đã triển khai tại huyện Đông Anh, Ba Vì và Chương Mỹ. Theo nhận định của ông Hưng, giải pháp này vẫn chưa được biết đến nhiều và áp dụng ở miền Bắc nên rơm rạ bị bỏ phí nhiều, từ đó gây ô nhiễm môi trường.

Rơm sau khi được cuộn dễ dàng vận chuyển.
Việc sử dụng máy cuộn rơm có thể triển khai theo 3 cách: Công ty tổ chức một đội máy cày và máy cuộn rơm để đi thu rơm; Công ty mang máy cuộn rơm tới và kết hợp với máy cày địa phương để thu rơm; Công ty bán máy cuộn rơm, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm rơm đầu ra.
Ông Hưng cho rằng, trong 3 cách này, cách chuyển giao là tối ưu nhất vì bà con chủ động, họ am hiểu tình hình địa phương, lúc nào thời tiết thuận lợi họ chủ động mang máy ra đồng ngay, giảm được nhiều chi phí, doanh nghiệp chỉ cần đến bao tiêu. Nếu không dùng cách này, công ty phải kéo cả "ê kip" bao gồm máy, người, gây tốn kém, không may gặp trời mưa lại không làm ngay được.
"DN đang mong muốn áp dụng được hình thức chuyển giao để tiện cho cả hai bên. DN muốn hướng đến những chủ máy cày, qua đó tạo đầu ra cho chủ máy cày, tạo sinh kế cho họ", ông Hưng bày tỏ.
Cũng theo ông Hưng, bà con nông dân làm nông nghiệp ở miền Bắc chưa mang tính sản xuất, chỉ mang tính nhỏ lẻ, làm lấy gạo ăn, chưa nghĩ đến việc bán, khi họ có nghề khác là họ bỏ ruộng ngay. Do ruộng đồng quy mô nhỏ nên làm không hiệu quả, giờ phải đầu tư thêm thì họ cũng ngại. Có thể trông cánh đồng rộng nhưng là chủ sở hữu của nhiều người nên việc cơ giới hóa chú yếu mang tính thời vụ.
Qua đó, ông Hưng kiến nghị Nhà nước hỗ trợ cho những đối tượng có khả năng cơ giới hóa để họ tự tạo sinh kế. Chẳng hạn như ưu đãi về giá khi mua máy nông nghiệp, hoặc sử dụng Quỹ Môi trường để họ được mua máy với giá hợp lý hơn, đổi lại môi trường không bị ô nhiễm nhiều hơn.
Việc đốt mở rơm rạ ngoài đồng ruộng sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí, an toàn giao thông và sức khỏe cộng đồng. Đốt rơm rạ đã được xác định là một trong 12 nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại Hà Nội, theo thống kê của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội. Quá trình đốt rơm rạ sản sinh ra nhiều chất gây ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người như CO, SO2, NOx, NH3, HC, bụi PM10, bụi PM2,5... Ảnh hưởng trực tiếp của các chất này là làm cay mắt, chảy nước mắt, ho, hắt hơi, thậm chí là buồn nôn, khó thở. Hít các loại khí này trong thời gian dài sẽ tăng nguy cơ nhiễm các bệnh hô hấp và tim mạch.
Theo số liệu từ kết quả từ nghiên cứu Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) phối hợp với nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên, vụ Đông Xuân năm 2020, tổng sản lượng lúa là 427.713 tấn, lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng là 384.505 tấn và tỷ lệ rơm rạ bị đốt ngoài đồng ruộng trong vụ Đông Xuân ở Hà Nội năm 2020 trung bình là 20%. Tổng lượng bụi thải ra là gần 350 tấn bụi PM10 và PM2,5 cùng hơn 23.000 tấn CO2 vào không khí.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm