Các trường đại học khó phát triển khoa học công nghệ: Nguyên nhân do đâu?
Tài khoản Gmail của bạn có giá trị thế nào đối với tin tặc? / Covid-19: Đại dịch thay đổi thế giới
Khảo sát cho thấy, hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của đội ngũ giảng viên tại các trường đai học Việt Nam hiện nay đã có nhiều bước tiến mới tuy nhiên vẫn còn nhiều mặt hạn chế.
Cụ thể, trong thời gian qua, hoạt động NCKH ở nhiều trường đại học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau kể cả trường công lẫn trường tư còn yếu cả về chất lượng và số lượng, hoạt động chính chủ yếu là giảng dạy. Theo thống kê, số bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước hoặc các công trình được công bố ở các cấp độ khác nhau trên đầu giảng viên đại học cho thấy, có rất nhiều giảng viên đại học có học vị tiến sỹ, phó giáo sư hoặc tham gia giảng dạy rất lâu năm nhưng hầu như không có được nhiều công trình nghiên cứu tương xứng hoặc chưa thực hiện được một công trình nào.
Không chỉ vậy, vấn đề liên kết, hợp tác và chuyển giao công nghệ để thương mại hóa vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo ông Phan Quốc Nguyên, trường ĐH Công nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội, hoạt động chuyển giao công nghệ đại học – doanh nghiệp hiện nay đã được tăng cường hơn trước, song thương mại hóa công nghệ đại học – doanh nghiệp vẫn còn yếu, chưa đồng bộ và tồn tại nhiều hạn chế. Một số trường đại học không quản lý, thống kê được số lượng các hoạt động thương mại hóa công nghệ, các tác giả tự chuyển giao kết quả nghiên cứu mà không xin phép. Nhiều sáng chế công nghệ chưa hoàn thiện, đòi hỏi một quá trình đầu tư lâu dài mới có thể ứng dụng, khai thác thương mại được. Một số tác giả sáng chế quá thận trọng trong việc hợp tác và vẫn chưa sẵn sàng chuyển giao công nghệ. Họ muốn nhanh chóng thu lợi ích từ việc chuyển giao sáng chế công nghệ, không muốn hợp tác chung tay phát triển công nghệ với nhà đầu tư.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, ông Nguyên cũng cho biết một phần là do các nghiên cứu có tiềm năng khai thác ứng dụng còn ít; nhiều kết quả nghiên cứu có tiềm năng ứng dụng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thương mại hóa; nhà khoa học chưa chủ động và tích cực trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu; năng lực để doanh nghiệp đổi mới công nghệ còn thấp; môi trường kết nối giữa doanh nghiệp và nhà sáng chế đã có tác dụng bước đầu nhưng hiệu quả chưa cao; khó khăn trong đàm phán thương mại…
Trong khi đó, từ góc độ trường đại học, PGS Vũ Văn Tích, Trưởng ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho hay hiện cả nước có khoảng 2.000 tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập, gần 1.600 tổ chức công lập, bao gồm 261 trường đại học, 141.000 nhà khoa học. Số doanh nghiệp là khoảng 650.000. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa doanh nghiệp với trường đại học và nhà khoa học còn rời rạc, chưa tạo thành hệ sinh thái. Điều này dẫn đến những khó khăn trong việc xây dựng và phát triển thị trường khoa học công nghệ.
Ông Tích lấy ví dụ ở nước ngoài, xung quanh các trường đại học có rất nhiều doanh nghiệp, công ty công nghệ (spin-off), tức là giảng viên, nhà nghiên cứu, các nhóm nghiên cứu, phòng thí nghiệm của trường đại học có quyền kết hợp với một công ty bên ngoài đề thành lập doanh nghiệp spin-off. Khi các trường làm ra sản phẩm, ngay lập tức công ty spin-off sẽ đưa sản phẩm đó ra thị trường, lên sàn giao dịch. Các công ty này còn là nơi để sinh viên thực tập.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có công ty nào như vậy, dẫn đến chưa có sự kết nối giữa đại học và doanh nghiệp. Lý do là theo quy định, viên chức không được làm doanh nghiệp. Theo ông Tích, nhà nước cần có cơ chế để vượt qua rào cản này, giúp cho các trường đại học và doanh nghiệp kết hợp với nhau nhằm tạo ra khoản lợi nhuận lớn hơn. Khi đó, Nhà nước cũng sẽ thu lại được khoản đầu tư thông qua thuế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo