Khoa học - Công nghệ

Gỡ khó trong phát triển, ứng dụng AI

DNVN - Dù đã đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ, việc nghiên cứu và triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.

Đà Nẵng: Nhận thức và tinh thần khởi nghiệp bắt đầu lan toả / Hạt vi nhựa chiếm tới 0,5% trong não người

Mới đây, tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, nhiều sản phẩm AI đã được giới thiệu, như: xử lý hình ảnh siêu âm, hình ảnh dự đoán thai nhi, chatbot chuyên biệt hỗ trợ doanh nghiệp, và các sản phẩm về thị giác máy tính…

Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, AI đang góp phần nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống. Công nghệ này đã được triển khai trong nhiều lĩnh vực quan trọng như quốc phòng, an ninh, nông nghiệp, xây dựng, tài chính... Đặc biệt, một số tập đoàn công nghệ trong nước đã đầu tư vào nghiên cứu và phát triển AI dựa trên dữ liệu và tri thức đặc thù, nhằm đáp ứng nhu cầu người Việt.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu ban đầu, tuy nhiên việc phát triển AI tại Việt Nam còn đối diện nhiều khó khăn. Một trong những thách thức lớn là thiếu hụt nhân lực chất lượng cao.

PGS,TS Đinh Ngọc Minh - Đại học RMIT cho rằng, cần hợp tác giữa các tổ chức giáo dục với doanh nghiệp để phát triển chương trình đào tạo chuyên sâu về AI. Hiện tại, số lượng chuyên gia và kỹ sư AI còn ít và chưa có sự liên kết chặt chẽ trong các dự án quốc gia lớn.

Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông hiện tại chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến khả năng triển khai các giải pháp AI quy mô lớn. Nhiều doanh nghiệp công nghệ mong muốn được sử dụng hệ thống máy tính hiện đại để huấn luyện các mô hình AI thế hệ mới. Tuy nhiên, họ đang phải thuê máy từ nước ngoài với chi phí cao và nguy cơ lộ thông tin bí mật. Chính vì vậy, chính sách thúc đẩy từ Nhà nước là rất cần thiết để tận dụng nguồn lực về hạ tầng phục vụ cho phát triển AI.

Dù số lượng doanh nghiệp ứng dụng AI ngày càng tăng, tuy nhiên tỷ lệ vẫn còn thấp và chủ yếu chỉ ứng dụng trong một số công đoạn nhỏ. Điều này do hạn chế về nhận thức, tài chính và hạ tầng của doanh nghiệp. Để AI mang lại giá trị thực sự, nó cần được tích hợp toàn diện vào hoạt động của doanh nghiệp. Việc triển khai AI không chỉ phụ thuộc vào công nghệ và sự sẵn sàng của doanh nghiệp mà còn phụ thuộc vào môi trường kinh doanh và khung pháp lý.

Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang, Thứ trưởng KH&CN Bùi Thế Duynghe thuyết minh về ứng dụng của AI trong tự động hoá một số hoạt động của doanh nghiệp, người dùng tại gian hàng của FPT.

Nhận thức được vai trò quan trọng của AI trong phát triển kinh tế-xã hội, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế và chính sách nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng AI. Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/1/2021 về “Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030” là một trong những văn bản pháp lý quan trọng. Chiến lược này đặt ra các mục tiêu cụ thể nhằm thúc đẩy AI trở thành lĩnh vực công nghệ chủ chốt của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần cụ thể hóa Chiến lược này thành các cơ chế, chính sách và quy định để bảo đảm có hành lang pháp lý đầy đủ cho phát triển và ứng dụng AI, bao gồm việc định giá sản phẩm, đấu thầu cung cấp công nghệ, và phát triển AI có trách nhiệm. AI không chỉ là lợi thế của các nước phát triển mà còn là cơ hội cho các nước đang phát triển vươn lên, trong đó có Việt Nam.

Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Misa Lê Hồng Quang cho biết, trong thời gian tới, các sản phẩm và giải pháp của Misa sẽ tích hợp AI với tiêu chí dễ tiếp cận, tiết kiệm chi phí, nhằm giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp vào phát triển kinh tế.

Một trong những doanh nghiệp đi đầu về phát triển và ứng dụng AI tại Việt Nam, Tập đoàn FPT cũng đã đầu tư vào hạ tầng tính toán và huấn luyện mô hình AI, đặc biệt trong bối cảnh ứng dụng công nghệ tạo sinh đòi hỏi năng lực tính toán lớn.

Giáo sư Vũ Hà Văn - Giám đốc Khoa học VinBigdata (Tập đoàn Vingroup), nhấn mạnh sự cần thiết phải làm chủ các ứng dụng AI tạo sinh, để tận dụng dữ liệu đặc thù của người Việt mà các ứng dụng nước ngoài khó tiếp cận.

Bộ Khoa học và Công nghệ cam kết sẽ đẩy mạnh kết nối để xây dựng hệ sinh thái AI mạnh mẽ, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao năng suất, chất lượng cuộc sống tại Việt Nam.

Duy Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm