Gỡ khó trong quản trị bền vững nhờ công nghệ AI
Xếp hạng chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2025: Đà Nẵng tăng bứt phá 130 bậc / Phát triển khoa học công nghệ không còn là lựa chọn mà trở thành nhiệm vụ cấp thiết
Tại toạ đàm “Thực hành báo cáo phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng với giải pháp AI” ngày 21/5, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, năm 2024 ghi nhận số lượng tổ chức công bố báo cáo phát triển bền vững độc lập đạt mức cao kỷ lục với 33 đơn vị. Gần như toàn bộ các tổ chức tín dụng đã tích hợp nội dung phát triển bền vững vào báo cáo thường niên theo quy định.
Đáng chú ý, từ 13-15 ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo phát triển bền vững độc lập, con số này tiếp tục tăng trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, với thêm 6 ngân hàng tham gia.
Cùng với xu hướng này, hoạt động tín dụng xanh cũng ghi nhận kết quả tích cực. Tính đến cuối quý I/2025, đã có 58 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với tổng giá trị trên 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tập trung vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (hơn 37%) và nông nghiệp xanh (trên 29%).
Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017-2024 đạt trung bình 21,2%/năm, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng chung.

Dù đã có những bước tiến tích cực, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đánh giá, việc thực hành và công bố báo cáo phát triển bền vững trong ngành ngân hàng hiện vẫn ở giai đoạn đầu. Các thách thức như khung pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu nguồn lực, hạn chế về năng lực phân tích dữ liệu, cũng như cách thức thu thập và xử lý thông tin hiệu quả, minh bạch vẫn là những rào cản đáng kể.
“Chính vì vậy, việc ứng dụng AI và công nghệ số chính là lời giải tiềm năng cho những bài toán trên. AI không chỉ giúp tự động hóa việc thu thập và tổng hợp dữ liệu, mà còn hỗ trợ phân tích chuyên sâu, phát hiện xu hướng và đưa ra các khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng báo cáo và hiệu quả quản trị bền vững”, ông Hà nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, TS Lê Hùng Cường – Phó Tổng Giám đốc FPT Digital khẳng định: "AI là chìa khóa giúp doanh nghiệp tháo gỡ thách thức dữ liệu ESG (quản trị, xã hội, môi trường), đơn giản hóa hoạt động lập báo cáo, từ đó khai thông nguồn vốn xanh từ các tổ chức tài chính, ngân hàng".
Theo ông Cường, dữ liệu ESG trong doanh nghiệp hiện phân tán ở nhiều phòng ban, thiếu chuẩn hóa và chưa theo thời gian thực. Việc lập báo cáo thủ công rất tốn thời gian, dễ sai sót và khó đáp ứng các khung tiêu chuẩn quốc tế như GRI hay ISSB. Trong khi đó, hệ thống AI có thể tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn (ERP, IoT, báo cáo tài chính...), tự động chuẩn hóa và đối chiếu với các tiêu chí quốc tế, giúp bảo đảm độ tin cậy và minh bạch của báo cáo ESG.

Không phủ nhận những lợi ích của AI nhưng ông Mike Suffield – Giám đốc Chính sách và Nghiên cứu chuyên sâu của Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) cảnh báo, các rủi ro đạo đức có thể phát sinh ở mọi “điểm chạm” giữa AI và dữ liệu. Việc sử dụng dữ liệu huấn luyện không phù hợp, lỗi thời hoặc thiên lệch có thể làm sai lệch kết quả phân tích, đe dọa tính chính trực của báo cáo.
Chuyên gia nhấn mạnh, các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, bao gồm tính chính trực, khách quan, năng lực chuyên môn, bảo mật và hành xử chuyên nghiệp cần được đặt làm nền tảng khi ứng dụng AI vào báo cáo phát triển bền vững. Ông kêu gọi các tổ chức triển khai từng bước, từ cải thiện quản trị nội bộ đến xây dựng liên kết chặt chẽ giữa các bộ phận dữ liệu, tài chính và công nghệ.
Trong khi đó, ông Trần Anh Quý – Trưởng phòng Tín dụng chính sách, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN – chỉ ra rằng việc triển khai báo cáo phát triển bền vững bằng AI tại các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn gặp nhiều khó khăn. Chi phí đầu tư và thuê tư vấn còn cao, trong khi thiếu khung pháp lý rõ ràng để xây dựng danh mục đầu tư xanh.
Do đó, ông Quý đề xuất sớm ban hành danh mục phân loại "xanh" quốc gia, thúc đẩy hợp tác quốc tế và tiếp nhận các hỗ trợ kỹ thuật, vốn. Đồng thời, nâng cao chất lượng tư vấn, đào tạo và bố trí nguồn lực để các TCTD có thể thực hành và công bố báo cáo phát triển bền vững một cách hiệu quả hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất

Bảo vệ dữ liệu cá nhân trước tình trạng lừa đảo qua mạng gia tăng
Điều gì giúp Đà Nẵng bứt phá xếp hạng chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2025?
Gỡ khó trong quản trị bền vững nhờ công nghệ AI
Nghị quyết 57: 'Cởi trói' thể chế, mở ra không gian sáng tạo
AI - ‘trợ thủ’ giúp ngân hàng thực thi hiệu quả chiến lược ESG