Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vươn lên vị trí thứ 3 Đông Nam Á
Thiết kế hệ sinh thái Đồng bằng sông Hồng thu hút mạnh nguồn lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo / Phê duyệt 5 nhóm nhiệm vụ đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Quỹ đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Đổi mới vượt qua thách thức: Chiến lược cho một Việt Nam chuyển đổi”, sáng ngày 30/10, ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức và cơ hội đan xen.
Việt Nam đang tích cực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, hướng đến trở thành một hệ sinh thái năng động trong khu vực. Trong đó, tập trung vào 3 đột phá chiến lược: hệ thống thể chế; nguồn nhân lực, đặc biệt biệt là nhân lực chất lượng cao và cơ sở hạ tầng.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều biến động, Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được những kết quả tích cực về kinh tế. Tổng vốn FDI đăng ký 9 tháng đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ, trong đó FDI đăng ký mới tăng 43,6%; FDI thực hiện đạt hơn 15,9 tỷ USD, tăng 2,2%.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục chuyển biến. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường tháng 9 đạt gần 18,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
“Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển hết sức tích cực. Việt Nam hiện xếp thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023 và là một trong 3 quốc gia có kết quả đổi mới sáng tạo vượt trội hơn so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp.
Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, thể hiện ở tỷ lệ vốn đầu tư vào thị trường khởi nghiệp sáng tạo cũng như số lượng các nhà đầu tư, quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam”, ông Đông nhấn mạnh.
Theo ông Vinnie Lauria - Đối tác sáng lập Quỹ Golden Gate Ventures, năm 2023 đánh dấu một dấu mốc quan trọng của vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu khi tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu với Israel, Trung Quốc, Philippines và Singapore. Gần đây nhất, Việt Nam cũng đã nâng cấp mối quan hệ với Mỹ lên tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, đánh dấu một kỷ nguyên mới trong tăng cường hợp tác song phương.
Các hiệp định thương mại này đã vạch ra một lộ trình dài hạn cho Việt Nam không chỉ với tư cách là một trung tâm sản xuất hàng đầu mà còn là trung tâm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có giá trị cao.
“Với vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, liên tục nhận nguồn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang phát triển mạnh mẽ, nuôi dưỡng khát khao thay đổi thế giới của Việt Nam. Việt Nam đặt mình ở vị thế độc tôn, viết nên một trang mới về tốc độ tăng trưởng mà các thị trường khác sẽ học hỏi”, ông Vinnie Lauria nói.
Ông Delano Musafer - Giám đốc Thị trường vốn APAC, Sở giao dịch chứng khoán New York chia sẻ, một minh chứng cho đà tăng trưởng ổn định của Việt Nam chính là danh sách các công ty Việt Nam niêm yết tại thị trường quốc tế. Sau sự kiện niêm yết của Vinfast và Society Pass vào năm 2023, dự kiến trong 18 tháng tới đây sẽ có các sự kiện niêm yết được kỳ vọng của VNG, TIKI và The CrownX.
“Việt Nam đã nổi lên nhanh chóng không chỉ ở châu Á mà còn trên thị trường toàn cầu. Nhiều nhà đầu tư đang chú ý đến các công ty chất lượng có chiến lược chuyển đổi mạnh mẽ, thành tích tăng trưởng cao. Đó là tín hiệu tích cực với Việt Nam khi đã có một chiến lược rõ ràng về thị trường trong và ngoài nước”, ông Delano Musafer nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo