Khoa học - Công nghệ

Hội người tiêu dùng châu Âu kêu gọi điều tra ChatGPT

Hội người tiêu dùng châu Âu (BEUC), vừa lên tiếng bày tỏ lo ngại về ChatGPT cùng các chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) khác, đồng thời kêu gọi cơ quan bảo vệ người tiêu dùng điều tra công nghệ này.

Tìm giải pháp công nghệ thiết thực cho người khuyết tật / Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút hơn 100 dự án đầu tư, tổng vốn 94.760 tỷ đồng

Hội người tiêu dùng châu Âu kêu gọi điều tra ChatGPT

Ảnh minh họa

BEUC, tổ chức đại diện 46 hội người tiêu dùng thành viên đến từ 32 quốc gia, bày tỏ lo ngại trong các bức thư gửi đến mạng lưới các cơ quan an toàn và bảo vệ người tiêu dùng.

Nhóm này cho hay những nội dung do chatbot tạo ra thoạt nhìn có vẻ đúng và đáng tin cậy, nhưng thường không chính xác trên thực tế, bởi vậy có thể đánh lừa người tiêu dùng hoặc dẫn đến những chiêu quảng cáo lừa đảo. Đặc biệt, đối tượng người tiêu dùng nhỏ tuổi và trẻ em đối mặt với rủi ro cao nhất.

“BEUC đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng tiến hành điều tra các nguy cơ đối với người tiêu dùng gây ra bởi những hệ thống AI, chỉ rõ những rủi ro trên thị trường tiêu dùng và nghiên cứu các biện pháp bảo vệ người dùng”, Phó Tổng giám đốc BEUC Ursula Pachl viết trong bức thư gửi đến cơ quan bảo vệ tiêu dùng và Uỷ ban châu Âu.

Ngoài ra, BEUC cũng kêu gọi Mạng lưới An toàn người dùng bắt đầu trao đổi thông tin và điều tra những rủi ro an toàn của các sản phẩm AI này.

Trong khi đó, ngày 24/4, BSA - nhóm vận động công nghệ có sự tài trợ một phần của Microsoft, đại diện cho các doanh nghiệp phần mềm lớn tại Mỹ như Adobe, IBM, Oracle, vừa ra thông cáo khuyến nghị nhà chức trách nhanh chóng xây dựng quy tắc quản lý AI cấp quốc gia.

 

“Quy định quản lý không nhất thiết phải giải đáp mọi thắc mắc về AI nhưng nó là câu trả lời quan trọng đối với một vấn đề thiết yếu mà Quốc hội có thể thực hiện tại thời điểm này”, Craig Albright, Phó Chủ tịch BSA cho biết.

Albright nói rằng châu Âu và Trung Quốc đang thúc đẩy khung pháp lý quản lý những công nghệ mới, do đó những nhà lập pháp Mỹ cần tự trả lời câu hỏi liệu chuyển đổi số có “là một phần quan trọng trong chương trình kinh tế” hay không.

Theo lãnh đạo BSA, “nếu câu trả lời là có, thì chúng ta cần một chương trình quốc gia về chuyển đổi số”, trong đó bao gồm các quy tắc pháp lý với AI, tiêu chuẩn quyền riêng tư cấp quốc gia và chính sách an ninh mạng mạnh mẽ

Trong phác thảo đề xuất gửi tới quốc hội, BSA cho biết Đạo luật Bảo vệ và Quyền riêng tư dữ liệu Mỹ vừa được Uỷ ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện thông qua vào kỳ họp trước, là phương tiện phù hợp cho các quy tắc AI mới. Mặc dù dự luật này còn con đường dài phía trước để trở thành luật, nhưng BSA kỳ vọng sau khi được điều chỉnh, dự luật sẽ bổ sung các quy tắc về AI.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm