Honda Super Cub chạy gần 40 năm giá hơn 100 triệu đồng
Chiếc Honda Super Cub 79, còn được biết với biệt danh "đầu vênh máy cánh" của một người sưu tập xe cổ tại Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị.
XE HOT QUA ẢNH (14/11): Loạt ôtô bất ngờ thi nhau tăng giá, đại gia Hà Tĩnh tậu siêu xe gần 10 tỷ / XE HOT QUA ẢNH (15/11): Những 'xế hộp' gần trăm tỷ tại VN, hé lộ giá bán Suzuki Swift 2018
Trải qua gần 60 năm, đã có nhiều thế hệ xe máy Honda Super Cub được ra đời. Tại Việt Nam, người dân đã quá quen thuộc với các đời Cub 78 "Dame", 79 "đầu vênh máy cánh" hay 81 "kim vàng giọt lệ". Nếu tính theo thế hệ, chiếc Cub 79 sẽ là thế hệ thứ 3 của dòng xe Super Cub, sau chiếc Super Cub C100 đầu tiên và Cub 78 "máy cối Dame".
Có tên chính xác là Honda Super Cub C50, C70 hoặc C90 tùy vào dung tích xi-lanh, trên thực tế Cub 79 đã được ra đời từ đầu thập niên 70. Do phải tới khoảng năm 1979, dòng xe này mới được nhập nhiều vào Việt Nam nên nó đã được dân Việt gọi là Cub 79 để phân biệt với các đời Super Cub trước đó.
Trong khi đó, biệt danh "Đầu vênh máy cánh" lại bắt nguồn từ 2 đặc điểm chỉ có trên thế hệ này. Super Cub 79 được gọi là "Đầu vênh" do có tay lái cong lên từ vị trí đèn pha. Các đời Cub sau này có phần đầu to hơn và tay lái thẳng, không còn cong vểnh lên hai bên như Cub 79.
Dù đã trải qua hàng chục năm tuổi nhưng chiếc Cub 79 thuộc sở hữu của một người sưu tập xe cổ tại Việt Nam này vẫn còn rất mới. Một số chi tiết bằng hợp kim nhôm trần như moay-ơ hay các tay đòn của trục xe đã lộ dấu ấn của thời gian với lớp oxi hóa. Tuy nhiên đối với những người chơi xe cổ, đây lại là một trong những đặc điểm của các dòng xe cổ Nhật Bản.
Ở trên phần "đầu vênh", chiếc xe vẫn còn giữ được nước sơn bóng, mới và tem thông số dán ở bên cạnh tay ga. Đặc biệt, đồng hồ của xe có độ mới như "đập thùng". Con số chỉ trên công tơ-mét mới chỉ là 5811 km, phần nào lý giải cho độ mới của chiếc xe máy huyền thoại này.
Trên thế hệ Cub 79, Honda cũng thiết kế chiếc yếm của xe với kiểu dáng mềm mại, tròn trịa hơn hẳn so với các thế hệ sau nay. Thay vì ổ khóa đặt ở bên thân xe như Cub 78, Cub 79 đã chuyển vị trí ổ khóa sang bên cạnh yếm. Phải tới dòng xe Cub 81, ổ khóa của xe mới được đặt ở trên cổ.
Đặc điểm thứ 2 đã tạo nên "hình tượng" cho Cub 79 đó là cặp bưởng máy có thêm các khe gió tạo thành hình chiếc cánh ở hai bên. Đây chính là nguồn gốc của từ "máy cánh" trong biệt danh "đầu vênh máy cánh" của chiếc xe số của Honda này.
Giống như nhiều thế hệ Honda Super Cub khác từng xuất hiện tại Việt Nam, phiên bản 50cc của Super Cub 79 được trang bị khối động cơ SOHC 2 van 1 xi-lanh làm mát bằng gió, với công suất tối đa khoảng 5 mã lực.
Ở hai bên thân, nước sơn màu xanh quân đội của chiếc Cub 79 này cũng vẫn còn giữ được độ bóng và sâu màu. Ở khu vực bình xăng, chiếc xe cũng vẫn giữ được tem nguyên bản với ánh kim đẹp mắt. Ở phía trên, chiếc yên của xe cũng là "hàng zin" và được bọc trong 2 tông màu nâu - trắng sữa.
Do được bảo quản cẩn thận nên ở phía sau đuôi xe, chiếc Cub 79 này cũng không lộ ra dấu vết nào của sự rỉ sét như thường thấy trên những chiếc xe cùng đời. Tuy nhiên baga phía sau của xe đã hơi có những đốm rỉ ở mặt trong. Các đèn chiếu sáng phía sau xe cũng hoàn toàn nguyên bản.
Hiện tại, cũng giống như các đời Super Cub cổ khác tại Việt Nam, những chiếc Cub 79 nguyên bản, còn mới cũng được những người sưu tập quan tâm và săn lùng, với trị giá mỗi chiếc có thể lên hàng chục, thậm chí là hơn 100 triệu đồng tùy vào hình thức và độ nguyên bản của xe (chiếc xe trong bài viết này là một ví dụ).
Theo kienthuc.net.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo