Hướng đến sản xuất thuốc chuyên khoa đặc trị "made in Việt Nam"
DNVN - Việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược trong nước, trong đó hướng đến sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, thuốc chuyên khoa đặc trị, vaccine, sinh phẩm là một chiến lược quan trọng trong phát triển ngành dược Việt Nam trong thời gian tới.
Ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng trái cây Việt Nam / Robot sẽ xử lý 40% công việc nhà vào năm 2033
Thời gian qua, ngành công nghiệp dược Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Trong đó, thuốc sản xuất trong nước chiếm khoảng 46,7% tổng giá trị tiền thuốc sử dụng. Ngành dược trong nước đã sản xuất được nhiều thuốc chuyên khoa đặc trị như thuốc tim mạch, thuốc ung thư, thuốc điều trị gan... thuốc sản xuất trong nước phủ được 27 trên 27 nhóm tác dụng dược lý.
Tại họp báo cung cấp thông tin y tế quý I/2023 sáng 24/3 tại Hà Nội, đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh, việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược trong nước, trong đó hướng đến sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, thuốc chuyên khoa đặc trị, vaccine, sinh phẩm là một chiến lược quan trọng trong phát triển ngành dược Việt Nam trong thời gian tới.
Sản xuất thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc dưới dạng tế bào mới là một chiến lược quan trọng trong phát triển ngành dược Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hành Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường. Mục tiêu đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường. Chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh còn bản quyền, vaccine, sinh phẩm y tế và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được.
Chương trình đặt ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc trong nước với các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ ở mức cao theo quy định của pháp luật. Chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài trong sản xuất thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vaccine, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự.
Cùng với đó là ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc mới, thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia.
Đồng thời tiếp tục thúc đẩy đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất thuốc. Quy hoạch và dành quỹ đất xây dựng các khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước sản xuất các thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vaccine, sinh phẩm y tế đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu...
Song song với các định hướng, chính sách ưu đãi trên, Bộ Y tế cũng đang rà soát, hoàn thiện và trình các cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản từ Luật Dược, nghị định hướng dẫn đến các văn bản hướng dẫn để đảm bảo thông thoáng, minh bạch, công khai, thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển nền công nghiệp dược Việt Nam trong thời gian tới.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo