Chính sách

Cần cú hích lớn về khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động

DNVN - Để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu tăng trưởng năng suất lao động, Việt Nam phải thành công trong xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia, đặc biệt cần cú hích lớn về khoa học công nghệ và giáo dục cao học.

Tuyệt đối không để thiếu điện, gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống / "Băn khoăn" quy định về thông tin trên mạng sẽ làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp

Mục tiêu về thu nhập rất thách thức

Nhà kinh tế học người Mỹ đạt giải Nobel 2018 Paul M. Romer từng nói, năng suất không phải là tất cả nhưng trong dài hạn năng suất dường như là tất cả.

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đọan 2021 - 2030 đã đặt ra mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) bình quân trên 6,5% mỗi năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng năm 2021 chỉ đạt 4,7%, năm 2022 là 4,6%. Dự báo năm 2023 đạt 3,77 - 4,75%.

Theo ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, xuyên suốt trong 12 năm từ 2011 - 2022, bình quân NSLĐ của Việt Nam chỉ đạt 3,5%/năm, dù cao hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Trong cùng kỳ, Malaysia chỉ đạt 1,4%, Thái Lan 1,9%, Singapore 2,2%, Philippines 3,2%…

Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra, con số trên là không đạt và mục tiêu dài hạn trở thành nước có thu nhập trung bình cao và thu nhập cao trong năm 2030 và 2045 trở nên rất thách thức.

Lý giải nguyên nhân thực trạng này, TS Nguyễn Lê Hoa - Trưởng phòng Nghiên cứu năng suất, Viện Năng suất Việt Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân.

Mặc dù các chính sách Nhà nước tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế thời gian qua đã có tác động tích cực đến tăng năng suất nhưng năng suất nội ngành chưa đạt như kỳ vọng. Các ngành đóng góp cao vào GDP và sử dụng nhiều lao động thì mức năng suất còn thấp và tốc độ tăng trưởng không được như mong muốn.


TS Nguyễn Lê Hoa - Trưởng phòng Nghiên cứu năng suất, Viện Năng suất Việt Nam.

Việc các ngành chưa có các giải pháp tác động để thúc đẩy tăng năng suất nội ngành cũng đã làm cản trở tốc độ tăng năng suất chung của nền kinh tế.

Trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá cũng như chuyển đổi số, chất lượng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động. Việt Nam thiếu nhiều lao động lành nghề có kỹ năng cao, thu nhập của người lao động ở khu vực phi chính thức rất bấp bênh.

Thêm vào đó, thành phần kinh tế tư nhân của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn nhưng hầu hết là quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên khó có thể nâng cao NSLĐ trong lĩnh vực này.

Ông Jonathan Pincus - Chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao của Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhìn nhận, hiện tại Việt Nam đầu tư vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu - phát triển, đặc biệt tại khu vực công, ở mức rất thấp, chỉ bằng 1/3 so với Trung Quốc, một nửa so với Thái Lan và Malaysia. Thêm vào đó, các viện nghiên cứu tư nhân chưa được khuyến khích đầy đủ.

Hoạt động đầu tư đổi mới sáng tạo, nghiên cứu - phát triển chủ yếu tập trung tại các doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đa quốc gia. Doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có thể có đủ nguồn lực để thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Cũng theo chuyên gia này, trong đầu tư cho nghiên cứu - phát triển, Việt Nam tiêu quá ít và tiêu quá dàn trải. Khả năng điều phối thấp giữa Trung ương và địa phương trong đầu tư nghiên cứu phát triển. Đầu tư dàn trải với nhiều cơ quan bộ, ngành và chưa tập trung vào những ngành then chốt. Nhiều dự án nhỏ làm hạn chế tác động của việc đầu tư.

Ngoài ra, Việt Nam chưa có đủ không gian trong giáo dục cao học, nhất là các ngành khoa học, kỹ thuật. Đầu tư cho sinh viên để nghiên cứu khoa học kỹ thuật còn ở mức rất thấp.

Cần cú hích lớn về khoa học công nghệ

Trước thực trạng này, theo TS Nguyễn Lê Hoa, thời gian tới các hoạt động thúc đẩy nâng cao NSLĐ Việt Nam cần được triển khai mạnh mẽ hơn.

Trong đó, tập trung vào liên kết phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để xây dựng các chính sách đồng bộ và xuyên suốt. Tạo điều kiện thúc đẩy nguồn lực và tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát huy vai trò trong việc tăng năng suất lao động. Tăng năng lực thực thi chính sách thúc đẩy năng suất, tập trung vào ngành đóng góp giá trị cũng đóng góp giá trị gia tăng cao và sử dụng nhiều lao động.

Đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam, ông Jonathan Pincus cho rằng, để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình, vấn đề then chốt là Việt Nam phải thành công trong xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia để nâng cấp công nghệ, nâng cấp năng lực của các ngành sản xuất trong nước phục vụ cho xuất khẩu.


Ông Jonathan Pincus - Chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao của Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.

“Trong bối cảnh các doanh nghiệp hứng thú với đầu tư tại Việt Nam vào công nghệ, đầu tư vào bán dẫn và năng lượng tái tạo, Việt Nam cần chuẩn bị tốt hơn để tận dụng cơ hội này, nâng cấp năng lực của mình. Cần có cú hích lớn về khoa học công nghệ và giáo dục cao học để tăng trưởng NSLĐ về lâu về dài, nâng cấp được năng lực của mình”, chuyên gia nhấn mạnh.

Cho rằng tăng năng suất đóng vai trò quan trọng, ông Felix Weidencaff - Chuyên gia về việc làm thuộc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khu vực châu Á Thái Bình Dương khuyến nghị, Việt Nam cần có động lực mới về tăng trưởng năng suất.

Theo đó, chuyển đổi, phát triển kinh tế bền vững và chuyển đổi việc làm, tăng NSLĐ cần đi đôi với nhau. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế và chính sách của thị trường lao động để giải quyết những thách thức kép đặt ra.

Ngoài ra, Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực và tăng cường việc làm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế tri thức, công nghệ và công nghiệp 4.0, thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động hiệu quả. Đồng thời tăng năng suất và việc làm bền vững, đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm