Khuyến khích doanh nghiệp sử dụng điện tái tạo: Kiến nghị hỗ trợ trực tiếp, tạo động lực chuyển đổi
DNVN - Trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đối mặt với nhiều trở ngại trong việc thực hiện chuẩn mực, đánh giá về thị trường chiến lược cũng như chuyển đổi mô hình điện tái tạo, Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp (DN) sử dụng điện tái tạo nhằm tạo động lực chuyển đổi mạnh hơn nữa mô hình này.
Tăng cường nhận thức của doanh nghiệp về kinh tế tuần hoàn / "Vướng" tín dụng đen, công nhân kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ
Doanh nghiệp hưởng lợi
Tại tọa đàm “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp" diễn ra chiều 22/6 tại TP Hồ Chí Minh, ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định: Trong những năm qua, năng lượng mặt trời đã phát triển rất mạnh. Trong đó, năng lượng mặt trời áp mái cũng đã phát triển rất nhanh, với trên 100.000 công trình trong 2 năm 2019-2020. Riêng trong năm 2020, tổng công suất điện mặt trời đã đạt 10,6 tỷ KW, trong đó điện mặt trời mái nhà đạt 10,6 tỷ KW. Đây là một tỷ lệ rất cao. Tính chung lại, tổng công suất lắp đặt của điện mặt trời chiếm 25% tổng công suất phát điện của Việt Nam.
Việc phát triển điện mặt trời áp mái đã giúp cho các DN tiết kiệm chi phí, chủ động nguồn điện, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi giá năng lượng đang tăng rất cao và nguy cơ có thể thiếu điện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc sử dụng điện mặt trời sẽ giúp thúc đẩy sản xuất xanh, đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu.
DN được hưởng nhiều lợi ích từ điện mặt trời mái nhà.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho rằng, vẫn còn nhiều trở ngại mà cộng đồng DN cũng như các nhà cung ứng, lắp đặt điện mặt trời mái nhà đang gặp vướng mắc như về giấy phép, phòng cháy chữa cháy…dẫn đến việc thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Thay mặt cộng đồng DN trong lĩnh vực dệt may, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam phản ánh: Hiện nay các DN dệt may khá áp lực trong việc thực hiện chuẩn mực và đánh giá về thị trường chiến lược.
Đơn cử, trong chiến lược 10 năm tới mà châu Âu đưa ra sẽ có nội dung đánh giá các DN châu lục này nhập khẩu khi áp dụng nặng lượng sạch để đáp ứng về môi trường khí thải, ngồn nước… Và đây chính là áp lực rất lớn đối với DN ngành dệt may để hoàn thiện.
Tạo động lực cho DN chuyển đổi mạnh hơn
Do đó, ông Giang khuyến nghị DN ngay trong lúc này cần phải chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực trong nước thật tốt để đáp ứng việc áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến. Chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng để sẵn sàng hỗ trợ cho ngành hàng xuất khẩu khi sử dụng năng lượng tái tạo. Việc sử dụng năng lượng tái tạo trong nhà máy sẽ là điểm cộng cho các DN về môi trường, nguồn nước,… trong đó có ngành dệt may.
"Điều kiện cần và đủ là các DN phải thực hiện đạt chuẩn hoá, và điều nay sẽ giúp cho nhãn hàng, tiêu chuẩn từ bỏ công nghệ đốt than, dầu, và thay vào đó là dùng bằng điện năng lượng tái tạo. Do đó, điều sống còn của các DN trong lúc này là phải thực hiện chuẩn mực, nếu không sẽ phải rời khỏi cuộc chơi", ông Giang nhấn mạnh.
Với cơ quan quản lý Nhà nước, để xây dựng vị thế có tính bền vững cho ngành dệt may Việt Nam nói riêng và các DN sản xuất nói chung, về vấn đề năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng nguồn nước, bảo đảm vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ trực tiếp DN sử dụng điện tái tạo nhằm tạo động lực chuyển đổi mạnh hơn nữa mô hình này.
Trong đó, cần tập trung vào các giải pháp để triển khai và phải tuân thủ giải pháp trong từng DN. Trong câu chuyện này, không phải Nhà nước tuân thủ mà cộng động DN và người dân phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Ngoài ra, các DN nên đề xuất với Chính phủ thúc đẩy mô hình điện mặt trời mái nhà cho DN sản xuất để hỗ trợ thúc đẩy DN sử dụng năng lượng tái tạo.
Về phía Chính phủ cần hoàn thiện các cơ chế chính sách, có những giải pháp đột phá trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để hợp tác phát triển và thực hiện các dự án về chuyển đổi năng lượng. Đồng thời, cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền để người dân và DN hiểu được những cơ hội, lợi ích lâu dài từ việc tham gia các sáng kiến toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính cũng như những thách thức trong ngắn hạn về chuyển đổi năng lượng, chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo…
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo