Khuyến khích, hỗ trợ người dân tiêm mũi tăng cường phòng COVID-19
Biến thể Omicron lây nhiễm cho cả người đã tiêm vaccine hoặc đã mắc COVID-19 / Saseagroup mong sớm đưa sa sâm Việt vào nghiên cứu lâm sàng, đẩy nhanh sản xuất để tham gia chống COVID-19
Việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 thời gian qua đã tạo được miễn dịch cộng đồng và được dự đoán là giải pháp hữu hiệu có thể giảm thiểu sự lây nhiễm của SARS-CoV-2. Tuy nhiên, hiện chúng ta vẫn chưa có một báo cáo khoa học rõ ràng nào về sự suy giảm nồng độ kháng thể theo thời gian sau tiêm chủng.
Vừa qua, các nhà khoa học ở Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu đánh giá đáp ứng miễn dịch sau tiêm chủng vaccine ChdOx1 nCoV-19 (AZD1222)” nhằm đánh giá hiệu quả của việc tiêm vaccine. Nhiệm vụ cũng nhằm đóng góp nguồn dữ liệu cần thiết về đáp ứng miễn dịch sau tiêm đủ liều vắc xin, mở đường cho những nghiên cứu tiếp theo về kiểm soát, phòng ngừa COVID-19 tại Việt Nam và trên thế giới.
PGS.TS Nguyễn Thị Băng Sương nêu ý kiến đề xuất tăng cường tiêm chủng cộng đồng.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc (chủ nhiệm nhiệm vụ) cho biết: “Phản ứng miễn dịch sớm ở một người đã được tiêm vaccine phòng ngừa SARS-CoV-2 có thể dự đoán mức độ bảo vệ của họ đối với virus. Biết rõ sự tồn tại của kháng thể và miễn dịch dài hạn sau tiêm vaccine là vấn đề cần thiết trong đánh giá miễn dịch cộng đồng, dự phòng khả năng lây nhiễm, cũng như tiên lượng mức độ trầm trọng của dịch bệnh nhằm xây dựng chiến lược tối ưu để kiểm soát dịch”.
Kết quả nhiệm vụ chứng minh 100% dân số nghiên cứu có sự hiện diện của kháng thể anti-S và giảm dần nồng độ qua các thời điểm.
Sơ đồ thực hiện.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Băng Sương (thành viên nhóm thực hiện), do những khác biệt về đặc tính mẫu (sự phân bố giới tính, nhóm tuổi và cỡ mẫu) nên không thể đánh giá thời điểm tiêm mũi 3 muộn hơn sẽ tăng nồng độ kháng thể và tỉ lệ % kháng thể trung hòa. Tuy nhiên, xét tổng quan thì mũi tiêm thứ 3 cho thấy sự gia tăng hơn nữa các phản ứng miễn dịch, bao gồm tăng khả năng trung hòa của các biến thể SARS-CoV-2. Mặt khác, ở một số nơi có nguồn cung cấp vaccine hạn chế thì việc trì hoãn thời gian tiêm mũi 3 chưa hẳn là điều bất lợi.
Ở những người tiêm mũi 3, sau tiêm 30 ngày, nhóm 18-39 tuổi có xu hướng đáp ứng kháng thể tốt hơn nhóm người cao tuổi khi kháng thể anti-S và tỷ lệ % kháng thể trung hòa tăng cao hơn. Nồng độ kháng thể đạt ngưỡng cao nhất cũng xuất hiện ở nhóm 18-39 tuổi. Tỷ lệ kháng thể trung hòa thấp nhất sau tiêm mũi 3 xuất hiện ở nhóm trên 60 tuổi, nhưng chưa tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các nhóm tuổi.
Từ kết quả nhiệm vụ kết hợp với kết quả khoa học quốc tế công bố, nhóm thực hiện đề xuất cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích và hỗ trợ người dân thực hiện tiêm mũi tăng cường nhằm củng cố đáp ứng miễn dịch, ngăn chặn dịch bùng phát trở lại với sự xuất hiện của các biến chủng mới. Đồng thời, tạo điều kiện mở rộng nghiên cứu về sự thay đổi của kháng thể sau các mũi tăng cường đối với biến thể mới, kết hợp xét nghiệm miễn dịch tế bào.
End of content
Không có tin nào tiếp theo