Tiến tới coi COVID-19 là bệnh đặc hữu
Khuyến nghị giúp doanh nghiệp giảm thiểu phát thải carbon / Tiết kiệm điện với giải pháp điều khiển máy điều hòa thông minh
Thời điểm kết thúc đại dịch cho đến nay vẫn còn bỏ ngỏ, chưa ai dám khẳng định đại dịch gần kết thúc, nhưng đã bắt đầu nhen nhóm tia hy vọng một ngày không xa, COVID-19 chỉ còn là bệnh lưu hành thông thường, đại dịch chỉ còn là dịch.
Khái niệm bệnh đặc hữu hay còn gọi là bệnh lưu hành được nhắc đến nhiều thời gian gần đây. Bệnh đặc hữu là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định. Nó có thể lặp đi lặp lại nhưng không quá nguy hiểm như đại dịch.
Thêm nhiều nước tiến tới coi COVID-19 là bệnh đặc hữu và mở cửa trở lại biên giới. Đây là cách để các nước dần quay trở lại cuộc sống bình thường sau hai năm đóng cửa vì dịch bệnh.
Các nước coi COVID là bệnh đặc hữu
Indonesia đang chuẩn bị lộ trình từng bước chuyển đổi từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh đặc hữu, tức là giai đoạn sống chung với COVID-19. Indonesia sẽ từng bước bình thường hóa các hoạt động cộng đồng thông qua các chính sách kiểm soát dịch bệnh, quy định tỷ lệ sử dụng giường bệnh và ngăn chặn các ca tử vong để đảm bảo tỷ lệ tử vong được duy trì ở mức thấp. Lộ trình chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu nói trên đã được chứng minh là có hiệu quả, giúp kiểm soát làn sóng lây lan dịch COVID-19. Hiện, tỷ lệ bao phủ vaccine mũi thứ nhất tại Indonesia đã đạt trên 92%, tỷ lệ bao phủ hai mũi là 71% và tỷ lệ tiêm mũi tăng cường là 10%.
Thái Lan đã thông qua kế hoạch 4 bước chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu từ ngày 1/7.
Kế hoạch trên nhằm hỗ trợ nền kinh tế Thái Lan phục hồi sau đại dịch cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng cách thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt phù hợp.
Giới chức Thái Lan nhấn mạnh rằng để đạt được đến giai đoạn xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, tỷ lệ tử vong vì căn bệnh này phải không được vượt quá 0,1%. Hiện tại, tỷ lệ này là gần 0,2%.
Ảnh minh họa.
Malaysia sẽ bắt đầu chuyển sang coi COVID-19 là bệnh đặc hữu và mở cửa trở lại biên giới nước này cho du khách quốc tế từ ngày 1/4 tới. Quyết định trên được đưa ra là nhờ sự thành công của chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19, từ đó giúp nước này có thể trở lại gần như cuộc sống bình thường sau 2 năm chiến đấu chống đại dịch. Khi COVID-19 được coi là bệnh đặc hữu, những du khách đã tiêm chủng đầy đủ sẽ không cần phải cách ly khi nhập cảnh vào Malaysia, họ sẽ chỉ cần xét nghiệm trước khi khởi hành và khi đến Malaysia.
Một số nước hiện nay bỏ tất cả các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, mở cửa hoàn toàn các dịch vụ, hoạt động và đang tiến tới coi COVID-19 là bệnh lưu hành, giống như cúm mùa. Liệu điều này sẽ đến sớm hay không? Khi nào có thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu hay bệnh lưu hành thông thường như cúm mùa? Các chuyên gia mà PV phỏng vấn được còn khá dè dặt khi nhận định về vấn đề này.
Đã nên coi COVID-19 là bệnh đặc hữu chưa?
Các chuyên gia trong lĩnh vực truyền nhiễm đều nhấn mạnh, chưa có một loại virus nào lại có khả năng biến thể nhanh, nhiều và khó lường như SARS-CoV-2. Ví dụ như chủng Omicron dù mới xuất hiện nhưng đã có BA.1, BA.2 với tốc độ lây lan nhanh gấp nhiều lần so với các chủng trước đây. Trong khi đó, vaccine mới chỉ làm giảm tỷ lệ nặng và tử vong.
"Nếu nó xuất hiện một chủng mới có nguy cơ diễn biến nặng hơn vậy lúc đó chúng ta sẽ giải quyết như thế nào và bây giờ phản ứng linh hoạt nhưng vẫn phải tuân thủ theo các quy định chung về mặt khoa học cũng như của WHO" - GS.TS Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam nói.
Khu vực châu Phi tỷ lệ tiêm vaccine thấp và trên thế giới, mỗi tuần vẫn ghi nhận khoảng 50 nghìn ca tử vong. Vì vậy theo các chuyên gia, còn sớm để nói rằng đại dịch sẽ chấm dứt.
Hệ thống y tế phải đáp ứng được khi dịch bùng phát - đây cũng là một yếu tố quan trọng cần phải tính tới khi coi COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, dù là đại dịch hay bệnh đặc hữu thì người dân vẫn phải có ý thức phòng dịch trong cộng đồng để tránh lây lan dịch bệnh.
Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam sẽ chia sẻ thêm về hướng tiếp cận với đại dịch cũng như khuyến cáo với người dân Việt Nam.
"Tôi muốn nhắc mọi người nhớ về bài học quan trọng nhất mà chúng ta học được từ công cuộc ứng phó với đại dịch COVID-19: 'Không có quốc gia nào là an toàn cho đến khi tất cả các quốc gia đều được an toàn'.
Còn quá sớm để nói rằng đại dịch đã kết thúc. Ngay tuần trước đã có khoảng 50.000 người tử vong vì căn bệnh này. Hơn 80% dân số châu Phi vẫn chưa được tiêm một liều vaccine nào. Ở nhiều quốc gia, hệ thống y tế tiếp tục quá tải và rạn nứt theo số ca bệnh không ngừng tăng.
Nhưng chúng ta có thể chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu của đại dịch trong năm nay. Chúng ta đã có các công cụ và kiến thức để làm được điều này" - Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo